Chốt phiên giao dịch ngày thứ tư, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng hơn 483 điểm, tương đương 1,68%, lên 29.290 điểm. S&P 500 tăng 1,13%, lên 3.334 điểm, trong khi Nasdaq Composite tăng 0,43% lên 9.508 điểm.
Phiên tăng điểm giúp S&P 500 đạt mức cao kỷ lục từ trước đến nay, vượt chỉ số này trước đợt lao dốc do ảnh hưởng của dịch viêm phổi. Trong khi đó, Nasdaq Composite vẫn thấp hơn mức đỉnh trước đó do diễn biến tiêu cực của cổ phiếu Tesla.
Nhân viên giao dịch trên sàn chứng khoán New York. Ảnh: Reuters |
Cổ phiếu năng lượng là ngành tăng mạnh nhất trong S&P 500 với biên độ tăng 3,8%, đi cùng với sự phục hồi của giá dầu thô. Ngành chăm sóc sức khỏe cũng đã tăng 2%, dẫn đầu bởi các công ty sản xuất dược phẩm.
Cổ phiếu của Coty tăng 14,5% sau khi nhà sản xuất mỹ phẩm và nước hoa báo cáo lợi nhuận quý cuối năm vượt kỳ vọng của giới phân tích.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu của Tesla hạ nhiệt sau chuỗi tăng giá sáu ngày liên tiếp, giảm 17,2% sau khi một lãnh đạo của công ty cảnh báo rằng dịch viêm phổi tại Trung Quốc có thể trì hoãn việc giao dòng xe Model 3 được sản xuất tại nhà máy ở Thượng Hải.
“Có rất ít lựa chọn thay thế cho cổ phiếu trong điều kiện lãi suất thấp như hiện nay và miễn là nền kinh tế cho thấy sự tăng trưởng, mọi người sẽ tiếp tục đầu tư”, Rick Meckler, chuyên viên đầu tư cao cấp tại Cherry Lane Investments cho biết. “Ngay bây giờ, họ sợ bỏ lỡ cơ hội đầu tư hơn là quan tâm về vấn đề việc bán tháo”.
Báo cáo việc làm của ADP cho biết, khu vực tư nhân của Mỹ có thêm 291.000 việc làm trong tháng 1, mức cao nhất kể từ tháng 5/2015, trong khi một báo cáo riêng cho thấy hoạt động dịch vụ tiếp tục tăng trong tháng trước.
Theo giới phân tích, điều này cho thấy nền kinh tế đứng đầu thế giới có thể tiếp tục tăng trưởng vừa phải trong năm nay, ngay cả khi chi tiêu của người tiêu dùng chậm lại.
Minh Sơn (theo Reuters)