Người Việt ở Nhật ứng phó với nCoV

0
1431

“Thẻ được quảng cáo có khả năng chống virus, có loại đeo vào cổ và loại gắn vào áo. Không biết công dụng tới đâu, nhưng giá chỉ khoảng 1.000 yen (200-300 nghìn đồng) một chiếc, có tác dụng trong 30 ngày. Đang là mùa dịch nên mình cứ đeo cho yên tâm”, chị Nhung, một phiên dịch đã sống ở Nhật 15 năm chia sẻ.

Sau khi đưa con tới trường, chị đến cơ quan và dẫn hơn 10 nhân viên mới đi khám sức khoẻ. Trung tâm y tế hôm 4/2 hơi khác ngày thường khi có thêm một tấm biển thông báo “Bất cứ ai có triệu chứng ho, sốt cần báo ngay nhân viên y tế và bắt buộc đeo khẩu trang”.

Nhiều năm sống ở Nhật – đất nước thường xuyên trải qua thiên tai, chị Nhung học được tinh thần sẵn sàng chuẩn bị. Một ngày trước khi WHO công bố dịch, chị đã mua các sản phẩm bảo vệ gia đình từ khẩu trang, thẻ chống virus, dung dịch rửa tay, túi chống khuẩn treo trong nhà, các loại xịt lên mặt chống virus… tốn gần 10.000 yên.

Khẩu trang y tế là vận dụng quen thuộc ở Nhật, nhà nào cũng có vài hộp. Đang là dịch bệnh nhưng những gia đình người Nhật chỉ mua đủ dùng, không ai mua nhiều về tích trữ. “Những lần thiên tai, người Nhật chỉ đổ nửa bình xăng để phần cho người cần”, chị Nhung nói.

Tuy nhiên, những ngày qua có hiện tượng khan hiếm, theo Phương Nhung, là do “có người gom hàng bán sang Trung Quốc, Maylaysia, Việt Nam…”.

Một số sản phẩm chị Nhung mua phòng chống dịch. Ảnh: NVCC.

Một số sản phẩm chị Nhung mua phòng chống dịch. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Nhà có 3 con nhỏ nên chị Trịnh Thanh Xuân, 35 tuổi, quận Edogawa, ngoại ô Tokyo thực hiện phòng chống bệnh nghiêm ngặt.

Các con chị đang học mẫu giáo và tiểu học. Tại trường, các bé thay khẩu trang và rửa tay sau mỗi giờ học. Tại nhà, chị tăng cường cho con uống nước ấm, mật ong và bổ sung nhiều vitamin C. “Nhà cửa xịt khử trùng tuần một lần. Quần áo ra ngoài về phải tắm và thay toàn bộ. Nếu chưa kịp thay thì xịt sát khuẩn ngay”, chị nói.

Chị Xuân kể, ở Nhật người bị ốm sẽ gọi điện tới viện để được hướng dẫn vào cửa cách ly, các bệnh viện sẽ hướng dẫn và chỉ định trước khi bệnh nhân đi chứ không được tự động đến viện.

“Viêm phổi do virus Corona được chữa miễn phí nên người dân không ém bệnh. Nếu chứng minh được có đã tiếp xúc với người nhiễm, đã đến vùng dịch thì khi khám cũng không mất phí”, chị Xuân nói.

Hôm 31/1, gia đình Nhiêu Trang ở thành phố Chitose, Hokkaido đi chơi Tokyo. Lúc này dịch bệnh chưa bùng phát, nên hầu như các đường phố, khách sạn, khu vui chơi ở thủ đô dù có nhiều du khách Trung Quốc vẫn chưa dùng khẩu trang. Một ngày sau nghe tin thành phố Chitose mình sống có người nhiễm nCoV, Trang mua vội khẩu trang đeo suốt từ sân bay tới khi bước vào xe riêng.

“Cả nhà đeo nghiêm chỉnh, chỉ có con gái gần 3 tuổi nhiều lúc không chịu đeo. Lo ngay ngáy”, Trang chia sẻ.

Trường mẫu giáo của con Nhiêu Trang ra chơi tuyết, không khẩu trang sáng 3/2, trong khi tại Nhật có 20 người dương tính với nCoV. Ảnh: NVCC.

Trường mẫu giáo của con Nhiêu Trang ra chơi tuyết, không khẩu trang sáng 4/2, trong khi tại Nhật có 20 người dương tính với nCoV. Ảnh: NVCC.

Ngay khi về nhà, chị đi 6 siêu thị, nhà thuốc quanh chỗ mình nhưng tất cả khẩu trang đã hết hàng. Đến 2/2, Trang mới thấy có siêu thị đồng giá gần nhà bán khẩu trang và thuốc xịt khử trùng nhưng treo biển giới hạn một người chỉ được mua một sản phẩm.

Số người dương tính với virus Corona tại Nhật đã lên 20, trong khi ở Việt Nam là 9. Các công sở, trường học vẫn hoạt động bình thường. Thành phố Chitose, đang diễn ra lễ hội tuyết nên thu hút đông khách du lịch. “Hôm nay trời đẹp, trường mẫu giáo của con tôi cho trẻ ra ngoài cào tuyết không ai đeo khẩu trang. Ở các công viên cũng có nhiều trường cho trẻ ra trượt tuyết. Người Nhật bình thản trước dịch nên tôi cũng không còn lo nữa”, chị chia sẻ.

Một trong các lý do họ bình thản, theo anh Đào Văn Điển, kỹ sư công nghệ 37 tuổi, sống ở Machida (Tokyo) là do luôn có ý thức bảo vệ sức khoẻ của bản thân và người xung quanh.

Thời gian này đang là cao điểm cúm. Đầu mùa cúm thì nhà trường, các công ty và chính quyền đều gửi nhiều văn bản thông tin dịch và cách phòng ngừa. “Người Nhật nhận thức được phòng ngừa là việc làm hàng ngày, tổng hợp của nhiều thứ, chứ không chỉ đeo khẩu trang”, anh Điển nói.

Các đồng nghiệp bản địa của anh “quan tâm tới bệnh viêm phổi chủng mới với một tâm lý thận trọng không quá lo lắng”, vì cách phòng ngừa virus Corona cũng tương tự các loại cúm. Cũng giống như người Nhật, gia đình anh Điển đã làm nhiều cách phòng bệnh như tiêm phòng, xịt khử virus. Tại nhà dùng máy lọc khí có tác dụng lọc bụi mịn, khử độc, diệt virus. Trong nhà tắm ngâm bồn nước nóng 40 độ (tắm onsen) tốt cho sức khỏe vì với nhiệt độ cao thì virus sẽ bị chế ngự.

“Chúng tôi ra ngoài là đeo khẩu trang, không chỉ phòng cho mình mà còn tránh khuyếch tán virus cho người khác, bất kể có dịch hay không”, anh chia sẻ.

Gia đình anh Điển trước cổng trường tiểu học của các con, sáng 3/2. Ảnh: NVCC.

Gia đình anh Điển trước cổng trường tiểu học của các con, sáng 4/2. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Mới đây một trường tiểu học ở Nhật Bản gửi cho phụ huynh về dịch Corona. Ngoài khuyến cáo các biện pháp bảo vệ sức khoẻ giống như phòng cúm, cuối thư còn viết: “Khi tin tức và thông tin lan truyền trên Internet, mọi người quan ngại về xảy ra tình trạng kỳ thị người Trung Quốc. Khi ở nhà, phụ huynh hãy nâng cao nhận thức về quyền con người khi nói chuyện với con mình”.

Theo anh Điển, nguời Nhật và Trung Quốc không ưa nhau do nhiều vết thương của lịch sử, nhưng họ vẫn giáo dục con trẻ tránh kỳ thị giữa người và người.

Chỉ ba tuần kể từ khi nổi lên ở Vũ Hán, virus Corona chủng mới đã làm hơn 360 người chết trong số 17.200 người nhiễm bệnh ở Trung Quốc đại lục, vượt qua con số 349 người chết vì dịch SARS. Giáo sư Iwata Kentarō của Bệnh viện Đại học Kobe, người từng ở Bắc Kinh trong đại dịch SARS năm 2003 khuyên, để ngăn ngừa virus Corona cực kỳ đơn giản: cần ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi nhiều, tránh làm việc quá sức và ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, thể dục thể thao. Giữ vệ sinh bằng cách rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, tránh chạm vào mũi, miệng cũng là cách phòng hiệu quả.

“Cho đến nay, không có loại thuốc nào phòng ngừa được con virus này. Đi ngang qua một người bị nhiễm bệnh trên đường chưa đủ để lây bệnh. Nhiễm bệnh đòi hỏi phải tiếp xúc kéo dài, điều quan trọng là không nên lo lắng thái quá và duy trì cuộc sống lành mạnh”, giáo sư Iwata nói trên tờ Nippon.

Phan Dương