Xã ‘xuất khẩu’ cô dâu

0
1423

Chiều cuối năm, hai bên con đường nhựa thẳng tắp chạy về xã Đại Hợp, Kiến Thụy, đèn nháy, đèn lồng chăng kín, sáng rực như ban ngày. Những căn nhà hai tầng, ba tầng kiểu biệt thự liền kề san sát.

Đầu làng, một nhóm người đứng ở ngã ba trò chuyện rôm rả. Bà tóc hoa râm khoe năm nay con gái biếu ba vạn Đài tệ (hơn 20 triệu đồng) tiêu Tết. Người khác góp chuyện “vợ chồng nó chuyển khoản 1.000 đô la”. Một ông mặc vest kể, con gái gửi tiền won Hàn Quốc cho bố mẹ mua nhà thành phố. Chỉ lẩm nhẩm một hai giây để quy đổi, họ so sánh được nhà nào được con biếu nhiều tiền hơn.

Cách đó không xa, vợ chồng ông Phạm Lương Thúc, 73 tuổi, ngồi trong ngôi nhà hai tầng hơn 60 m2, cầm điện thoại thông minh, lướt facebook. Chiếc TV 50 inch đang mở nhưng chỉ đứa cháu nội ngồi xem. “Ba năm trước, con gái tôi cho tiền mua điện thoại thông minh nên tôi dùng quen rồi. Năm ngoái, nó đổi cho con xịn hơn như này”, ông cười, chìa “dế xịn” cho khách xem.

 Vợ chồng Thúc có bốn con gái, một con trai, trong đó, hai con gái thứ 3 và thứ 4 lấy chồng Đài Loan, gửi ngoại tệ về, giúp thay đổi cuộc sống gia đình. Ảnh: Phạm Nga.

Vợ chồng Thúc có bốn con gái, một con trai, trong đó, hai con gái thứ 3 và thứ 4 lấy chồng Đài Loan, gửi ngoại tệ về, giúp thay đổi cuộc sống gia đình. Ảnh: Phạm Nga.

Ông Thúc có bốn cô con gái, một con trai. Hai cô thứ ba và thứ tư lấy chồng ngoại, đều có “cuộc sống khấm khá, chồng yêu thương, công việc ổn định”. “Cả hai con tôi đều làm hướng dẫn viên du lịch. Một đứa mới thi hoa hậu doanh nhân Việt Nam tại Đài Loan”, giọng ông tự hào. Năm nay, mỗi cô gửi về cho bố mẹ 1.000 USD, nhưng vợ chồng ông mang “gửi Nhà nước” vì không tiêu đến.

Trước kia, gia đình gia đình ông Thúc thuộc nhóm hộ nghèo, chạy ăn từng bữa. Khi hai cô con gái 19 tuổi, 20 tuổi lần lượt sang Đài Loan lấy chồng. Năm đầu tiên, mỗi tháng, các cô đã gửi về hơn chục triệu đồng, gấp 5 lần thu nhập từ nghề chài lưới của cả nhà. Năm 2010, ngôi nhà 1,2 tỷ mọc lên cạnh căn nhà cấp bốn cũ. “Nếu hai đứa con gái đầu không quá lứa, chắc nhà tôi sẽ toàn rể Đài Loan”, ông nói. Cháu ngoại ông cũng đã lấy chồng Hàn Quốc – trào lưu mới ở xã này – với kỳ vọng sẽ đổi đời cho cha mẹ, như các dì mình.

Ở thôn Quần Mục 4, có khoảng 120-150 hộ có con lấy chồng nước ngoài. Cả thôn chỉ có ba hộ nghèo. “Một hộ hai vợ chồng dính HIV, một cháu bị khuyết tật, trường hợp thứ ba là mẹ đơn thân có hai con gái. Tiếc là hai con bà ấy “lỡ thời”, nếu đi được nước ngoài, chắc đã đổi đời cho mẹ”, ông Thúc kể.

Ông Nguyễn Văn Tân, trưởng thôn Quần Mục 4, xã Đại Hợp cũng là một trong những người cho con gái lấy chồng Đài Loan qua môi giới hôn nhân. Người chồng đầu hơn con ông 15 tuổi. Họ ly hôn sau đó vài năm. “70% cô dâu Việt sang đấy sẽ ly hôn rồi lấy chồng mới. Thời điểm ly hôn, con tôi cũng khủng hoảng lắm, nhưng chưa bao giờ có ý định về quê. Giờ nó lấy chồng mới rồi, hơn 4 tuổi thôi”, ông Tân cho biết.

Kiều hối từ Đài Loan giúp ông Tân sửa lại căn nhà ngói xây cách đây gần 30 năm. Cạnh đó, một ngôi nhà ba tầng, rộng hơn 100 m2, với chi phí dự kiến gần 3 tỷ đồng đang thành hình. “Tôi biết, lấy chồng bên ấy con mình phải vất vả, đàn ông bên đấy cũng không tình cảm như ở mình. Nhưng nếu có con gái nữa, còn cháu gái nữa, tôi vẫn ủng hộ xuất ngoại”, ông trưởng thôn nhận định.

Cách nhà ông Tân hơn 100 m là căn nhà một tầng, mái bằng hiếm hoi ở làng Quần Mục của vợ chồng ông Nguyễn Tiến Hùng, 53 tuổi. Vợ chồng ông Hùng từng trông đợi đứa thứ hai là gái, để nhà đủ nếp tẻ và giấc mộng đổi đời nhờ có con lấy chồng ngoại thành hiện thực. Tuy nhiên, trời không chiều lòng vợ chồng ông nên thi thoảng, nhìn những căn nhà kiểu biệt thự của hàng xóm đua nhau mọc lên, đôi khi ông thấy chạnh lòng.

Khoảng năm 2002, ở Đại Hợp rộ lên phong trào lấy chồng Đài Loan, đến năm 2007, các cô gái chủ yếu lấy chồng Hàn Quốc, vì có thể bảo lãnh cho bố mẹ sang quê chồng làm ăn, đổi đời. Ảnh: Phạm Nga.

Khoảng năm 2002, ở Đại Hợp rộ lên phong trào lấy chồng Đài Loan, đến năm 2007, các cô gái chủ yếu lấy chồng Hàn Quốc, vì có thể bảo lãnh cho bố mẹ sang quê chồng làm ăn, đổi đời. Ảnh: Phạm Nga.

Ông Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch xã Đại Hợp cho biết, hơn 70% các cô gái đến tuổi lấy chồng của xã đều đã làm dâu Đài Loan, Hàn Quốc. Các cô giúp bố mẹ có “tấm vé” sang làm ăn hợp pháp, nên kiều hối đổ về Đại Hợp làm thay đổi bộ mặt kinh tế địa phương. “Nhưng cũng có nhiều trường hợp, bố mẹ có tiền nhưng không có ở nhà nên con cái hư hỏng, không chí thú học hành”, ông Thiện chỉ ra mặt tiêu cực.

Làm cán bộ tư pháp của xã Đại Hợp 10 năm, ông Hoàng Văn Đông, hiện là cán bộ Thương binh – xã hội đã ký hàng nghìn đơn xác nhận tình trạng độc thân cho con gái trong xã.

“Năm 2017 là 50 cô, năm 2018 là 27 cô. Nhiều cháu sang bên ấy, khổ sở lắm nhưng bố mẹ có biết đâu. Lắm cô không chịu được, phải trốn về nước, nhưng không dám về làng, vì sĩ diện, sợ bố mẹ mất mặt. Có cháu trốn về còn bảo với tôi ‘chú có con, cháu, thì đừng cho lấy chồng nước ngoài”, ông Đông nói.

Chứng kiến không ít trường hợp đau lòng nên nhiều lần ông kết hợp với các đoàn đến từng hộ gia đình tuyên truyền về việc không cho con lấy chồng nước ngoài. “Họ bảo không lấy chồng nước ngoài cũng được, nhưng các ông có tạo công ăn việc làm, để tôi xây được cái nhà vài tỷ, mua sắm được nội thất khang trang thế này không?”, ông Đông đuối lý.

Trên chuyến xe khách chạy từ TP Hải Phòng về Đại Hợp, ba người ngồi hàng ghế sát nhau khoe con gái gửi tiền quà Tết, chỉ mình ông Nguyễn Văn Thành, 55 tuổi, cầm chặt bốn tờ 500.000 đồng im lặng.

Con gái ông lấy chồng Đài Loan, nhưng không đem về kiều hối, mà giao vào tay ông hai đứa cháu ngoại. Một đứa lớp một, một đứa đang lẫm chẫm tập đi. Cô chia tay chồng, bồng con về nhờ ngoại nuôi và lại sang bên đó “làm ăn”.

Ngoài thu nhập từ nghề bán vôi, ông bố đơn thân có thêm khoản trợ cấp trung bình hơn 2 triệu đồng/tháng của con gái “Việt kiều” gửi về nuôi cháu ngoại. “Làng này, chả phải chỉ mình con tôi như thế”, ông nói sau tiếng thở dài.

Tên một số nhân vật đã thay đổi

Phạm Nga