1. Các loại từ
Thông thường trong bài thi nghe tiếng Anh chuẩn hoá như IELTS, TOEFL, CEFR (khung tham chiếu trình độ ngôn ngữ chung châu Âu), thí sinh sẽ có khoảng thời gian trước khi nghe để đọc lướt qua thông tin đề bài, nội dung bài nghe sắp tới. Khi đọc lướt, hãy cố gắng đoán định loại từ trong các ô trống cần điền, điền tên viết tắt của từng loại từ vào ô trống. Hoạt động này sẽ giúp thí sinh tập trung vào loại từ cụ thể trong khi nghe để nắm bắt nội dung còn thiếu nhanh chóng, có chọn lọc.
Ví dụ với câu: “She was a … girl”, chỗ trống đứng trước mạo từ “a” và danh từ “girl” thường sẽ là một tính từ nên chúng ta có thể điền từ A (viết tắt của “adjective”, có nghĩa là tính từ). Sau đó, trong quá trình nghe, đến đoạn hội thoại này, chúng ta sẽ ít bị xao nhãng vì thông tin khác nhau mà tập trung tìm kiếm loại từ còn thiếu. Tương tự như vậy, danh từ điền N (Noun), động từ điền V (Verb), trạng từ điền Ad (Adverb).
2. Phân tích tình huống
Trong bài thi nghe, ví dụ bài nghe IELTS, thí sinh sẽ được giới thiệu ngắn gọn về tình huống trước mỗi phần thi. Chẳng hạn “Bây giờ, bạn sẽ nghe đoạn hội thoại giữa hai nhân vật…” hoặc “Bạn sẽ nghe một cuộc phỏng vấn giữa…” Thông tin này thường không được viết trong đề bài nhưng mang tính tóm tắt, khái quát sơ lược nội dung phần thi nên bạn phải chú ý lắng nghe thật kỹ.
Một số nội dung cần lưu ý gồm: những người nói trong bài thi là ai, chủ đề họ nói đến là gì, họ nói ở đâu. Điều này sẽ giúp thí sinh nắm được tình hình cơ bản của cuộc hội thoại, nhận biết được giọng của một số nhân vật, từ đó nắm bắt nội dung cuộc hội thoại nhanh chóng, dễ dàng hơn.
3. Giữ tập trung cao độ
Trong hầu hết bài thi tiếng Anh, thí sinh chỉ được nghe một lần. Bạn cần đọc, viết, nghe và phán đoán cùng một lúc. Vì vậy, nếu bạn không nghe thấy một số ô trống và để lỡ nó, đừng lo lắng. Bạn không nên xao nhãng tinh thần, bỏ phí thời gian chỉ để cố đoán kết quả của ô trống bỏ lỡ. Hãy tiếp tục đi theo dòng chảy hội thoại để bắt kịp những ô trống tiếp theo và luôn tập trung suy nghĩ vào nội dung bài thi.
Ảnh: Shutterstock. |
4. Chú ý đến liên từ
Nhiều thí sinh khi làm bài kiểm tra nghe thường phớt lờ các liên từ như “however” (tuy nhiên), “but” (nhưng), “then” (sau đó), “finally” (cuối cùng). Thực tế thì những liên từ này có ý nghĩa vô cùng quan trọng và có thể quyết định nội dung bạn nghe được. Nếu chú ý những liên từ này, thí sinh có thể dự đoán nội dung người nói trình bày.
5. Không viết câu trả lời quá nhanh
Đây là cái bẫy mà hầu hết thí sinh làm bài kiểm tra nghe mắc phải. Ngay khi nghe thấy thông tin cần điền, họ sẽ viết luôn kết quả vào ô trống còn thiếu và bỏ qua nội dung phía sau. Tuy nhiên đôi khi thông tin thí sinh nghe thấy đầu tiên là sai lệch và ở đoạn hội thoại tiếp theo người ta sẽ đính chính, sửa lại nội dung và thông tin sau đó mới là chính xác. Hãy cùng nhìn vào ví dụ sau để hiểu rõ.
Sam: Thank you! I’ve received your email. So it is loren-hanson@gmail.com.
Loren: No-no! You have mistaken, it is loren-hamson@gmail.com, spelled with M.
Sam: Oh, I’m sorry…
Dịch:
Sam: Cảm ơn bạn! Tôi đã nhận được email của bạn. Nó là loren-hanson@gmail.com.
Loren: Ôi không, không. Bạn đã nhầm rồi. Email của tôi là loren-hamson@gmail.com, đó là chữ M.
Sam: Ôi, tôi thành thật xin lỗi.
Như vậy, nếu nhanh chóng điền kết quả là “loren-hanson”, thí sinh sẽ mất điểm vì kết quả đúng được đính chính lại ở câu sau, là “loren-hamson”.
6. Kiểm tra lỗi sai
Sau khi nghe, thí sinh được cho thời gian để kiểm tra câu trả lời của mình. Đây là thời gian quan trọng để kiểm tra lỗi chính tả, ngữ pháp, từ vựng, số nhiều, loại từ. Vì vậy, hãy luôn ghi nhớ dù chỉ thiếu một chữ “s” do quên chia số nhiều, bạn cũng ngay lập tức mất điểm để luôn tập trung rà soát cẩn thận từng chi tiết.
7. Chuyển câu trả lời chính xác
Cuối bài thi nghe, thí sinh sẽ được cho thời gian để chuyển đáp án trong đề vào phiếu trả lời. Thực tế có rất nhiều thí sinh mất điểm ở thao tác đơn giản này như nhầm lẫn thứ tự đáp án, chép sai nội dung từ đề bài vào phiếu. Vì vậy, trong khi chuyển câu trả lời, hãy luôn tập trung thực hiện đúng thao tác, viết đúng đáp án. Sau khi hoàn thành, đừng vội buông lỏng bản thân mà hãy kiểm tra lại lần nữa.
8. Không để trống kết quả
Trong các kỳ thi nghe, thí sinh sẽ không bị trừ điểm nếu viết sai câu trả lời. Do đó, ngay cả khi bạn không biết đáp án, việc viết một kết quả nào đó do bạn tự đoán hoặc nghe phong thanh đều mang lại cơ hội không lường trước.
Tú Anh (Theo IELTS Up)