Robaba Mohammadi bị khuyết tật bẩm sinh, không thể sử dụng tay và chân. Đến tuổi đi học, cô bị các trường phổ thông từ chối. Với sự giúp đỡ của gia đình, Robaba tự học đọc, viết và vẽ tranh.
Đối với Robaba, nghệ thuật là cách giải phóng nỗi thất vọng khi bị mọi người xa lánh. Đầu tiên, cô phác thảo các nét vẽ bằng bút ngậm trong miệng. Sau đó, cô kẹp bút vẽ giữa hàm răng để chỉnh sửa các chi tiết.
Robaba thường vẽ tranh về sức mạnh, vẻ đẹp, tình yêu của phụ nữ Afghanistan hoặc những thách thức họ phải đối mặt trong xã hội hiện nay. “Ban đầu, tôi không thể tô bóng cho những bức tranh, tôi đã khóc và muốn bỏ cuộc, nhưng cha luôn ở bên động viên tôi vượt qua khó khăn”, Robaba nói.
![]() |
Robaba Mohammadi ngậm bút trong miệng để vẽ tranh. Ảnh: AFP. |
Các tác phẩm của Robaba được trưng bày tại nhiều triển lãm quốc tế và thu về khoản tiền không nhỏ. Cô đã sử dụng số tiền này để thành lập trung tâm đào tạo nghệ thuật dành cho người khuyết tật Afghanistan từ năm 2019. Hiện lớp học của Robaba có 50 học viên.
Học viên Noor Ahmad Azizi, 22 tuổi, cho biết không thể đến trường vì là người khuyết tật, nhưng muốn tạo nên những giá trị cho cuộc sống. Anh tìm đến trung tâm bởi được truyền cảm hứng từ nghị lực phi thường của Robaba.
“Tôi thích vẽ tranh và muốn được theo đuổi con đường nghệ thuật chuyên nghiệp. Tôi hy vọng có thể nổi tiếng như Robaba”, anh nói.
Theo khảo sát năm 2015, Afghanistan có khoảng 1,5 triệu người khuyết tật, trên tổng số 35 triệu dân. Hàng chục nghìn người là nạn nhân của bom mìn. Tuy nhiên, quốc gia này vẫn tồn tại sự phân biệt đối xử với những người khuyết tật.
Tú Anh (Theo AFP)