Ngôi trường trồng bắp cải, nha đam bán Tết

0
1342

Những ngày cuối năm, thầy cô cùng học sinh trường THPT Trung An ở vùng sâu của TP Cần Thơ tất bật chăm sóc vườn rau sạch trên diện tích hơn 1.000 m2 trong khuôn viên trường để giao cho các khách hàng đúng hẹn. Các bắp cải trồng trong chậu nhựa rất tốt tươi, sau hơn hai tháng đã đến kỳ thu hoạch, nặng 2,5-3 kg. Còn những luống nha đam xanh tươi, từng bẹ căng đầy mọng nước.

Các học sinh sử dụng chế phẩm sinh học do mình làm ra để xử lý sâu bệnh cho vườn rau. Ảnh: Cửu Long

Các học sinh sử dụng chế phẩm sinh học do mình làm ra để xử lý sâu bệnh cho vườn rau. Ảnh: Cửu Long.

Tỉ mỉ bắt sâu, cắt bỏ những lá già cho những bụi cải bắp lớp mình trồng, Nguyễn Thị Xuân Mai, nữ sinh lớp 11C1, cho biết mỗi ngày ngoài giờ học, lớp phân công nhau thời gian chăm sóc rau. “Hoạt động này rất bổ ích, giúp chúng em được áp dụng kiến thức đã học vào thực tế”, Mai nói.

Đang chăm chú bón phân hữu cơ cho lứa cải cùng với các bạn, nam sinh Đỗ Chí Cơ nói đã học được nhiều kỹ năng về trồng, chăm sóc cây từ khi còn nhỏ đến lúc thu hoạch. “Việc sử dụng các phân hữu cơ vi sinh, thuốc trừ sâu sinh học giúp học sinh nâng cao ý thức bảo vệ môi trường”, Cơ nói và cho biết qua việc làm này giúp em biết và trân trọng công sức cha mẹ đã bỏ ra để thu được hạt lúa, con cá, cọng rau tốt tươi, đem bán lấy tiền cho em ăn học.

Sau hai năm phát động, trường THPT Trung An đã cung cấp cho thị trường trên 2.500 chậu bắp cải sạch với giá 40.000 – 60.000 đồng mỗi chậu. Ngoài ra, sản phẩm của trường được chọn tham gia hội chợ, lễ hội ẩm thực ở địa phương. Quy trình trồng và chăm sóc được giám sát kỹ lượng, dùng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học trừ sâu bệnh do học sinh nghiên cứu, ứng dụng hoặc sử dụng phân vi sinh. Vì thế sản phẩm rất sạch, an toàn.

Thầy Lê Văn Dũng, Hiệu trưởng trường THPT Trung An cho biết, khi được phân công về trường làm hơn hai năm trước, hàng ngày ông đi làm thấy người dân tận dụng các mảnh đất trống ven đường trồng rau, cải kiếm thêm thu nhập và cảnh quan cũng rất đẹp. Ông nhận thấy, trong khuôn viên trường, ngoài sân chơi còn có khoảng đất trống có thể áp dụng mô hình này.

“Nó giúp cho học sinh trải nghiệm thực tế sản xuất nông nghiệp, thực hành, áp dụng kiến thức đã học vào thực tiễn. Thầy cô có không gian thư giãn sau những giờ lên lớp căng thẳng và gắn kết hơn với học trò”, thầy Dũng trình bày ý tưởng và được tập thể giáo viên cùng với phụ huynh nhiệt tình ủng hộ.

Thu hoạch bắp cải. Ảnh: Cửu Long

Hai học sinh lớp 11 thu hoạch bắp cải. Ảnh: Cửu Long.

Từ nguồn kinh phí phụ huynh hỗ trợ, nhà trường đầu tư mua giống sạch, chậu nhựa, hệ thống tưới tự động…, phân công giáo viên chủ nhiệm cùng thầy cô bộ môn hướng dẫn, kiểm tra việc trồng, chăm sóc của các lớp.

Theo thầy Dũng, nhiều nhà hàng, khách sạn, lễ hội ở các địa phương trong vùng khi biết được quy trình sản xuất đặt mua hết bắp cải. Còn nha đam thì cung cấp cho các cơ sở chế biến nước giải khác, thẩm mỹ viện, spa… Đến ngày thu hoạch, họ đưa xe tải để chở đi nguyên chậu.

Từ hoạt động này, nhà trường thu được khoảng 100 triệu đồng. Ngoài việc đầu tư tiếp cho vụ sau, số tiền này được dùng hỗ trợ các học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Riêng vụ Tết này, trường trích 21 triệu đồng, trong số 30 triệu bán rau cải, tặng cho 70 học sinh, mỗi phần 300.000 đồng. Ngoài ra, trường còn dành kinh phí tặng 24 cụ già neo đơn, mỗi người 200.000 đồng.

Em Trần Văn Bé Thân, lớp 12 C3, bị bệnh hội chứng thận hư, uống thuốc liên tục bốn năm qua. Gia đình Thân không đất sản xuất, cha bỏ đi, mẹ làm ăn xa, em ở với dì. Nhận phần quà tặng của trường, Thân nói: “Em rất cảm động và trân trọng vì đây là công sức lao động của thầy cô và các bạn”.

Thầy hiệu trưởng Lê Văn Dũng đến thăm, tặng quà một học sinh có hoàn cảnh đặc biệt của trường. Ảnh: Cửu Long

Thầy Hiệu trưởng Lê Văn Dũng đến thăm, tặng quà một học sinh có hoàn cảnh đặc biệt. Ảnh: Cửu Long.

Trường THPT Trung An hiện có 31 lớp với 1.110 học sinh. Trong đó, khoảng 70 trường hợp con gia đình nghèo, cận nghèo, khó khăn. Ngoài các nguồn vận động, giúp đỡ của xã hội, ngành chức năng, lãnh đạo nhà trường cho biết sẽ cố gắng duy trì sản xuất rau sạch để chia sẻ cho các học trò vùng sâu. “Đây như món quà thiết thực động viên các em cố gắng vượt qua khó khăn, vươn lên trong học tập và cuộc sống”, Hiệu trưởng trường THPT Trung An nói.

Cửu Long