Cha truyền con nối

0
3460
§

Chủ đề

Kinh điển


Tác giả: Siddhartha Mukherjee | Nguồn: The New Yorker

Biên dịch: Minh Hoàng | Hiệu đính: Ninh

12/01/2020

Mùa đông năm 2012, tôi đi từ New Delhi, nơi tôi lớn lên, đến Calcutta để thăm anh họ Moni. Bố tôi cùng đi để dẫn đường, nhưng ông toát ra một vẻ muộn phiền và ảm đạm, như đang chìm trong một nỗi đau rất riêng. Ông là con út trong năm người con trai, và Moni là cháu trai đầu lòng — con của người anh cả của ông. Moni, giờ đã 52 tuổi, đã ở trong viện tâm thần (hay “nhà thương điên” theo cách gọi của bố tôi) từ năm 2004, với chẩn đoán tâm thần phân liệt. Anh phải uống hàng tá thứ thuốc chống loạn thần, an thần, và hằng ngày có một y tá trông coi, tắm rửa và cho anh ăn uống.

Bố tôi chưa bao giờ chấp nhận chẩn đoán của Moni. Đã nhiều năm rồi, ông cứ một mình đấu tranh với các bác sĩ tâm thần, cố gắng thuyết phục họ rằng chẩn đoán của Moni là một sai lầm khổng lồ, hoặc bằng một cách nào đó tâm thần của anh sẽ tự lành lại. Ông đã đến thăm bệnh viện ở Calcutta hai lần — một lần đến không báo trước, với hy vọng được thấy một Moni khác, sống bình thường trong bí mật sau những cánh cổng khóa chặt. Nhưng ông làm vậy không chỉ đơn thuần là vì tình yêu họ hàng. Moni không phải người duy nhất bị bệnh tâm thần trong gia đình tôi. Hai trong bốn người anh của bố tôi cũng có nhiều rối loạn về tâm trí. Sự điên loạn đã ở cùng dòng họ Mukherjee qua nhiều thế hệ, và lý do bố tôi phủ nhận chẩn đoán của Moni có lẽ phần nào bắt nguồn từ nỗi sợ rằng căn bệnh này cũng ẩn sâu như một chất độc trong chính bản thân ông.

Rajesh, người anh thứ ba của bố tôi, từng là người có triển vọng nhất trong đám con trai nhà Mukherjee — người nhanh nhẹn nhất, có sức hút nhất, và được nể trọng nhất. Nhưng đến mùa hè năm 1946, ở tuổi 22, ông bắt đầu cư xử kỳ lạ, như thể một mấu nối trong não ông đã bị lỗi. Thay đổi rõ rệt nhất trong tính cách của ông là sự bất ổn: những lúc nghe tin tốt, ông đột nhiên vui vẻ đến mức không kiềm chế được, nhưng tin xấu thì lại khiến ông chìm vào trạng thái buồn phiền khôn nguôi. Mùa đông năm ấy, tâm thần của Rajesh đã trở thành một đồ thị hình sin với những bước sóng cao ngất và dồn dập. Bố tôi kể lại về một người anh đã thay đổi hoàn toàn: lúc thì nơm nớp lo sợ, lúc lại bốc đồng, tâm trạng của ông như những con dốc lên xuống liên tục, hôm nay cáu bẳn bao nhiêu thì hôm sau lại phấn chấn bấy nhiêu. Khi Rajesh biết tin mình đạt điểm cao trong kì kiểm tra ở trường đại học, ông đã vui mừng khôn xiết rồi đi một mạch hai đêm, được cho là để đi “luyện tập” tại một trại đấu vật. Ông trở về trong tình trạng sốt cao và mê sảng, rồi mất vì bệnh viêm phổi không lâu sau đó. Phải đến vài năm sau, khi đang theo học ở trường y, tôi mới nhận ra Rajesh lúc đó chắc hẳn đang trải qua một pha hưng cảm nghiêm trọng. Sự suy sụp tinh thần của ông là kết quả của một trường hợp rối loạn lưỡng cực gần như kinh điển.

Jagu, người anh thứ tư của bố tôi, đến ở cùng chúng tôi tại Delhi vào năm 1975, khi tôi 5 tuổi còn ông 45. Tâm thần của ông lúc ấy cũng đang dần suy sụp. Cao và ốm yếu, với ánh mắt có chút hoang dã và mái tóc bù xù, ông nhìn giống như Jim Morrison1 phiên bản Bengal. Trong khi căn bệnh của Rajesh phát sinh trong tuổi đôi mươi, thì Jagu đã có vấn đề từ thuở niên thiếu. Vụng về trong cư xử, xa lánh tất cả mọi người trừ bà tôi, ông không thể kiếm việc làm hoặc sống một mình. Đến năm 1975, ông đã có những ảo tưởng, ảo ảnh, và những tiếng nói trong đầu xúi giục ông phải làm gì. Vẫn có những lúc ông vô cùng nhân hậu — như khi tôi lỡ tay làm vỡ một chiếc bình Venice ở nhà, ông đã giấu tôi trong ga giường và bảo mẹ tôi rằng ông có “hàng núi tiền” tích trữ, đủ để mua “cả nghìn” cái bình như thế. Nhưng hành động này thực ra là một triệu chứng bệnh: kể cả tình yêu dành cho tôi cũng là một phần của chứng loạn tâm thần và hoang tưởng của ông.

Khác với Rajesh, Jagu đã được chẩn đoán chính thức. Cuối những năm 1970, một bác sĩ ở Delhi đã khám và kết luận rằng ông bị bệnh tâm thần phân liệt. Nhưng ông không được kê một loại thuốc nào cả. Thay vào đó, Jagu tiếp tục sống ở nhà, gần như chui lủi trong phòng của bà tôi. (Như nhiều gia đình ở Ấn Độ, bà sống cùng với chúng tôi.) Trong gần một thập kỷ, bà và bố tôi sống trong một thỏa thuận hòa bình mỏng manh: Jagu do một tay bà chăm sóc, ăn cơm trong phòng của bà và mặc quần áo bà may cho ông. Về đêm, khi Jagu bị những nỗi sợ và ảo ảnh giày vò, bà đặt tay lên trán ông và ru ông ngủ như một em bé. Bà là y tá, nội trợ, người bạn duy nhất của ông, và quan trọng nhất, là người bảo vệ ông khỏi thế giới bên ngoài. Khi bà tôi qua đời vào năm 1985, Jagu gia nhập một giáo phái ở Delhi và biến mất cho đến khi ông mất vào 12 năm sau.

Chúng tôi cũng từng mất liên lạc với Moni. Anh chuyển trường thường xuyên và bỏ học đại học. Những lời xúi giục trong đầu anh ngày một trở nên mãnh liệt và cương quyết hơn. Năm 2004, anh bị một nhóm côn đồ đánh vì tiểu tiện ở một khu vườn công cộng. (Một tiếng nói trong đầu đã bảo anh, “Tiểu ở đây, ở đây này.”) Mùa đông năm ấy, sau một đợt suy sụp nữa với các ảo ảnh và những tiếng nói dai dẳng trong đầu, anh được đưa vào viện ở Calcutta.

Khi tôi và bố đến thăm Moni vào năm 2012, thì đã gần hai thập kỷ tôi chưa gặp anh. Dù vậy, tôi vẫn nghĩ rằng mình sẽ nhận ra anh. Nhưng người tôi gặp trong phòng thăm bệnh nhân khác so với ký ức của tôi đến mức, nếu người trông nom không xác nhận tên anh, tôi đã có thể lầm rằng đó là một người lạ hoàn toàn. Anh đã già đi quá tuổi của mình. Anh nói chuyện đầy chần chừ và thất thường, không nhanh và lưu loát như ngày xưa; câu từ của anh bật ra một cách đột ngột và bất ngờ, như thể anh đang nhổ ra những miếng cơm vừa được đút vào miệng anh.

Nhưng điểm đáng nhớ nhất về căn bệnh của anh không phải là cơn bão trong tâm trí mà là sự đờ đẫn trong đôi mắt của anh. Từ moni nghĩa là “ngọc” trong tiếng Bengali, nhưng thông thường còn được sử dụng để chỉ một thứ đẹp đến mức khó diễn tả thành lời: những tia sáng lấp lánh trong con mắt mỗi người. Nhưng đây chính là thứ Moni không còn. Hai điểm sáng trong mắt anh đã mờ đi và gần như tắt hẳn, tựa như ai đó lấy một chiếc cọ nhỏ xíu và tô chúng thành màu xám.


Ngay cả người đầu tiên tìm ra căn bệnh tâm thần phân liệt2 cũng đã biết về tính di truyền của nó. Vào năm 1911, nhà tâm thần học người Thụy Sĩ – Đức Eugen Bleuler đã xuất bản một cuốn sách về một loạt các trường hợp rối loạn và suy sụp về lý trí, thông thường bắt đầu trong độ tuổi thành niên hoặc đôi mươi. “Trong căn bệnh này, những suy nghĩ mất tính nhất quán,” Bleuler viết. “Các mối liên kết giữa chúng bị cắt đứt.” Những ảo ảnh loạn thần và những suy nghĩ hoang tưởng đột ngột bùng phát. Có những bệnh nhân “cảm thấy yếu ớt, cạn kiệt tinh thần, chẳng thể qua nổi hôm nay. Có cái gì đó đang mọc trong đầu họ. Xương cốt hóa lỏng; tim hóa đá… Vợ của bệnh nhân không được làm món có trứng, nếu không anh ta sẽ mọc lông như gà.” Bleuler viết rằng các bệnh nhân của ông thường bị mắc kẹt giữa những trạng thái cảm xúc ngắn hạn, họ không thể chọn được giữa hai ảo ảnh hoàn toàn trái ngược nhau. “Thằng quỷ, anh yêu, thằng quỷ, anh yêu,” một người phụ nữ cứ nói với người yêu của mình như vậy.

“Trong căn bệnh này, những suy nghĩ mất tính nhất quán, các mối liên kết giữa chúng bị cắt đứt.” Các bệnh nhân thường bị mắc kẹt giữa những trạng thái cảm xúc ngắn hạn, họ không thể chọn được giữa hai ảo ảnh hoàn toàn trái ngược nhau.

Bleuler đã cố gắng đi tìm lời giải thích cho những triệu chứng kỳ lạ, nhưng dường như những ca này chỉ có một yếu tố chung duy nhất: những bệnh nhân tâm thần phân liệt thường có một người họ hàng gần gũi cũng bị tâm thần phân liệt. Ông không có cách nào để tìm hiểu cơ chế đằng sau tính di truyền này. Khái niệm “gen” chỉ mới hình thành hai năm trước khi Bleuler xuất bản cuốn sách của ông. Giả thiết rằng một bệnh tâm thần có thể di truyền bằng các yếu tố nhất thể, không thể phân chia — những tiểu thể thông tin truyền qua các thế hệ — chắc hẳn sẽ bị coi là điên rồ bởi những nhà khoa học cùng thời với Bleuler. Dù vậy, Bleuler đã có những tiên đoán đáng kinh ngạc về bản chất phức tạp của tính di truyền. “Muốn tìm ‘sự di truyền’ thì chắc chắn sẽ thấy,” ông viết. “Nhưng dù vậy thì sau đó chúng ta sẽ vẫn không thể thay đổi được gì, trừ khi yếu tố di truyền đơn lẻ ấy có thể được phân tách thành nhiều yếu tố di truyền theo các dòng khác nhau.”

Vào những năm 1960, linh cảm của Bleuler đã được xác nhận qua những nghiên cứu trên các cặp song sinh. Các nhà tâm thần học đã tìm thấy rằng trong một cặp song sinh, nếu một người mắc bệnh tâm thần phân liệt thì khả năng người còn lại cũng mắc bệnh là từ 40 đến 50% — cao hơn 50 lần so với nguy cơ bị bệnh trong dân số nói chung. Đến đầu những năm 2000, các nghiên cứu trên diện rộng đã xác định được mối liên hệ chặt chẽ về di truyền giữa bệnh tâm thần phân liệt và chứng rối loạn lưỡng cực3. Một số gia đình trong những cuộc thí nghiệm này có lịch sử mắc bệnh đan chéo nhau gần như giống hệt gia đình tôi: trong các anh chị em thì một người bị tâm thần phân liệt, một người bị rối loạn lưỡng cực, rồi một cháu trai hoặc cháu gái cũng bị tâm thần phân liệt.

“Những nghiên cứu song sinh đã làm rõ hai đặc điểm quan trọng của bệnh tâm thần phân liệt và rối loạn lưỡng cực,” Jeffrey Lieberman, một nhà tâm thần học từ đại học Columbia với 30 năm nghiên cứu bệnh tâm thần phân liệt, đã cho biết. “Thứ nhất, rõ ràng là không chỉ có một gen duy nhất, mà là hàng tá gen liên quan đến bệnh tâm thần phân liệt — có lẽ mỗi gen tác động một phần nhỏ. Và, thứ hai, kể cả một người có thừa kế tất cả các gen mang nguy cơ mắc bệnh, giống như các cặp song sinh cùng trứng, người đó vẫn chưa chắc đã phát bệnh.” Đương nhiên, có những yếu tố hoặc tác nhân khác góp phần hình thành căn bệnh. Nhưng dù những nghiên cứu này đã xác nhận rằng bệnh tâm thần phân liệt có cơ sở di truyền, chúng không bật mí gì về bản chất của những gen liên quan. “Đối với các bác sĩ, bệnh nhân, và gia đình trong cộng đồng tâm thần phân liệt, di truyền trở thành bí ẩn mấu chốt,” Lieberman nói. “Nếu ta biết được các gen ấy, ta sẽ tìm được nguyên do, và nếu tìm được nguyên do thì sẽ tìm được thuốc điều trị.”


Vào năm 2006, một hiệp hội quốc tế gồm các nhà di truyền học tâm thần đã thực hiện một nghiên cứu hệ gen tổng quát đối với bệnh tâm thần phân liệt, với hi vọng xúc tiến quá trình tìm kiếm các gen liên quan. Với 3,322 bệnh nhân và 3,587 mẫu đối chứng4, đây là một trong những cuộc thử nghiệm lớn và kĩ lưỡng nhất trong lịch sử của căn bệnh. Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra gần 7000 bộ gen để tìm những biến đổi trong các đoạn gen có tương quan với bệnh tâm thần phân liệt. Được gọi là một “nghiên cứu tương quan” (association study), phương pháp này tuy không xác định được chính xác một gen, nhưng có thể cho biết đại khái vị trí tiềm năng nơi có thể tìm ra một gen liên quan đến bệnh, giống như một bản đồ kho báu với một dấu “X” lớn ở một góc của bộ gen.

Không chỉ có một gen duy nhất, mà là hàng tá gen liên quan đến bệnh tâm thần phân liệt — có lẽ mỗi gen tác động một phần nhỏ. Và kể cả một người có thừa kế tất cả các gen mang nguy cơ mắc bệnh, giống như các cặp song sinh cùng trứng, người đó vẫn chưa chắc đã phát bệnh.

Kết quả, được báo cáo vào năm 2009 (và cập nhật năm 2014) trên tạp chí Nature, đã không may xác nhận linh cảm của Bleuler về di truyền đa yếu tố5: hơn một trăm đoạn khác nhau của bộ gen có liên quan tới bệnh tâm thần phân liệt. “Có rất nhiều tác động di truyền nhỏ và thường gặp nằm rải rác trên khắp bộ gen,” một nhà nghiên cứu nói. “Căn bệnh này liên quan đến rất nhiều quá trình sinh học khác nhau.” Một số “thủ phạm” có lý về mặt sinh học, dù không quá rõ ràng. Đó là những gen liên quan tới những chất truyền tin giữa các nơ-ron, và những gen quy định các đường dẫn phân tử vận chuyển các tín hiệu điện lên và xuống các tế bào thần kinh. Nhưng mối liên hệ bất ngờ nhất nằm ở một đoạn gen trên nhiễm sắc thể số 6. Phần này của bộ gen — được gọi là vùng MHC — mang hàng trăm gen vốn thường liên quan đến hệ miễn dịch.

“Khám phá về đoạn MHC kỳ lạ và nổi bật đến mức bạn phải bật dậy và chú ý vào nó,” Lieberman nói. “Đây là một trong những bằng chứng chắc chắn nhất rằng một thứ gì đó trong hệ miễn dịch có liên quan tới bệnh tâm thần phân liệt. Trước đây đã có những manh mối về sự liên kết này, nhưng bây giờ nó là một điều không thể chối cãi. Điều này mang tới một câu hỏi vô cùng thú vị: mối liên hệ giữa các gen phản ứng miễn dịch và bệnh tâm thần phân liệt là gì?”

Lieberman lấy một biểu đồ từ nghiên cứu để minh họa tính chặt chẽ của mối liên hệ đó. Một phương pháp biểu diễn kết quả của nghiên cứu liên hệ gen được gọi là biểu đồ Manhattan, trong đó chiều cao các cột thể hiện khả năng liên quan đến bệnh. Trong biểu đồ cho bệnh tâm thần phân liệt, [cột biểu đồ chỉ] đoạn trên nhiễm sắc thể số 6 vượt hẳn lên so với những đối thủ khác — cao gần gấp đôi phần lớn các đoạn gen mang nguy cơ gây bệnh khác. Vùng MHC, kho chứa trung tâm của đa số các gen trong hệ miễn dịch, trông như một tòa tháp chọc trời đơn độc giữa một đô thị mới xây.


Delhi của tuổi thơ tôi là thành phố của những ngôi nhà thấp. Vào những năm 1960, sau khi cần mẫn làm việc tại một công ty đa quốc gia của Nhật (một ảo tưởng chung thì đúng hơn; bố tôi nói bập bẹ tiếng Anh, còn các quản lý của ông thì không hiểu một chút nào), bố tôi đã xây được một căn nhà hai tầng khá rộng rãi, bỏ xa căn hộ hai phòng ở Calcutta nơi ông đã sống cùng bốn người anh em và bà tôi sau Chia cắt6. Ông tin rằng căn nhà sẽ là tấm vé đến với cuộc sống trung lưu đứng đắn, nhưng một người thợ sơn mắc chứng khó đọc trong khu phố, được thuê với giá rẻ để vẽ “MUKHERJEE” lên cửa trước, đã viết ngược chữ “J,” cái đuôi của nó ngược sang bên phải như chữ τ trong tiếng Hi Lạp, và làm bố tôi vô cùng khó chịu. Chữ cái lạc lõng ấy đã ở đó phần lớn tuổi thơ của tôi — như một lời thông báo có phần xấu hổ cho thế giới rằng không phải mọi thứ trong nhà tôi đều bình thường.

Một kỷ niệm: năm 1981 hoặc 1982, tôi 11 hoặc 12 tuổi. Bố tôi trở về sau một chuyến công tác. Buổi chiều hôm đó nóng đến mức quạt trần cũng chỉ phả khí nóng quanh phòng. Hai người hàng xóm đang đợi ông. Không khí như căng lên đầy lo âu.

Bố tôi bước vào phòng khách, và nói chuyện với những người đàn ông mất vài phút. Họ dần to tiếng và lời lẽ trở nên cứng rắn. Tôi nghe được loáng thoáng cuộc nói chuyện từ phòng bên cạnh, khi tôi đáng lẽ đang phải làm bài tập về nhà. Bác Jagu đã vay tiền từ hai người đàn ông này — khoản tiền không quá lớn, nhưng đủ để khiến họ đến nhà chúng tôi đòi nợ. Bác ấy đã bảo một trong hai người đàn ông rằng mình cần tiền để mua thuốc (dù chưa từng được kê đơn), và người còn lại rằng mình cần mua vé tàu đến Calcutta để thăm những người anh khác (kế hoạch này chẳng tồn tại, vì Jagu không thể nào đi một mình). “Anh phải biết kiểm soát anh ấy,” một trong hai người đàn ông đã nói.

Bố tôi im lặng lắng nghe, những tôi có thể cảm thấy ông đang tức đến tận cổ. Ông bước tới cái tủ sắt, nơi nhà tôi cất tiền, và đưa cho những người đàn ông mà không thèm đếm. Họ cứ giữ tiền thừa cũng được.

Đến lúc hai người đàn ông ra về, tôi biết chuyện chẳng lành sắp xảy ra. Với linh cảm bản năng như thú rừng biết chạy lên đồi trước sóng thần, người đầu bếp nhà tôi đã chạy ngay đi gọi bà tôi. Bố tôi và Jagu đã căng thẳng từ khá lâu rồi: hành vi của Jagu trở nên đặc biệt khó chịu trong các tuần gần đây, và vụ việc vừa rồi là giọt nước tràn ly đối với bố tôi. Vỏ bọc mong manh của thể diện và vẻ bình thường đã nứt vỡ.

Bố tôi bước vào phòng của Jagu và lôi ông ra khỏi giường. Jagu khóc ầm ĩ như một đứa trẻ bị trừng phạt vì một lỗi sai mà nó không hiểu nổi. Bố tôi điên tiết, cơn giận phừng phừng đến mức nguy hiểm. Ông xô Jagu sang bên kia phòng. Một hành động bạo lực không tưởng; bố tôi chưa bao giờ động tay động chân. Mẹ tôi ở trong bếp và khóc. Tôi nhìn mọi thứ lên đến một cao trào xấu xí từ đằng sau tấm rèm ở phòng khách, như đang xem một bộ phim quay chậm.

Rồi bà tôi chạy vào, trừng trừng như một con sói. Bà hét lên, cuồng nộ át cả bố tôi. Mắt bà rừng rực như than trong lò. Mày mà dám chạm vào nó!

“Đi ra,” bà rít lên với Jagu, và ông nhanh chóng núp vào đằng sau bà.

Tôi chưa bao giờ thấy bà đáng sợ hơn lúc ấy. Giọng Bengali của bà quay lại nguồn gốc quê quán, nặng và đầy phương ngữ. Tôi có thể nghe được vài từ: dạ, rửa, vết nhơ. Tôi ghép chúng thành câu, một câu nói đau đớn: Mày mà đánh nó, tao sẽ rửa dạ bằng nước để xóa vết nhơ của mày, bà nói. Tao sẽ rửa dạ tao.

Bố tôi đầm đìa nước mắt. Đầu ông cúi gằm xuống. Rửa đi, ông thầm nói, như đang cầu xin. Rửa đi, rửa sạch đi, rửa đi.


Khi tiến sĩ Beth Stevens bắt đầu làm nghiên cứu tại Đại học Stanford vào năm 2004, bà không quan tâm đến bệnh tâm thần phân liệt hay rối loạn lưỡng cực. Bà chỉ vô cùng hứng thú với những tia sáng trong mắt.

Từ khi sinh ra, mắt người đã không ngừng hoạt động. Các liên kết thần kinh giữa đôi mắt và não bộ được hình thành từ rất lâu trước khi một đứa trẻ ra đời, tạo nên những đường dây và mạng lưới để đứa trẻ có thể nhìn thấy thế giới từ giây phút lọt lòng. Từ lâu trước khi các mí mắt hé mở, trong thời kỳ đầu của sự phát triển thị giác, từng đợt hoạt động ngẫu nhiên từ võng mạc đã truyền đến não bộ, như những vũ công luyện tập trước buổi biểu diễn. Những đợt sóng này sắp đặt lại các đường dây thần kinh — rèn luyện các mạng lưới tương lai, củng cố hay nới lỏng mối liên kết giữa các nơ-ron. (Nhà thần kinh học Carla Shatz, người tìm ra những sóng hoạt động ngẫu nhiên này, đã viết “Các tế bào phát sóng cùng nhau thì liên kết cùng nhau.”) Bước khởi động từ trong bào thai này là điều thiết yếu cho hoạt động thị giác sau này: đứa trẻ phải mơ thấy thế giới trước khi tận mắt nhìn thấy nó.

Trong thời gian luyện tập này, các xi-náp giữa các tế bào thần kinh được tạo ra sẽ thừa một lượng lớn, để rồi được lược bớt trong giai đoạn phát triển sau. Sự lược bỏ các mối liên kết xi-náp để mạng lưới thần kinh cải tiến không ngừng, như việc hàn đi hàn lại những đường dây trong mạch điện, không chỉ có ở thị giác. Khắp bộ não — đặc biệt là ở các bộ phận liên quan đến nhận thức, trí nhớ, và học tập — sự lược bớt xi-náp kéo dài trong 30 năm đầu đời, nghĩa là quá trình này có thể phần nào giải thích khả năng học hỏi thích nghi (adaptive learning) cao độ đặc trưng cho những thập kỷ đầu đời của con người. Chúng ta được lập trình sao cho không thể bị cứng nhắc, và sự linh hoạt về sinh học này có thể là chìa khóa cho sự linh hoạt của trí não chúng ta.

Mạng lưới dây thần kinh và xi-náp cần được lược bớt trong quá trình não bộ trưởng thành. Ảnh: Needpix.

Mùa đông năm 2004, sau khi gia nhập nhóm nghiên cứu của Ben Barres, một nhà thần kinh học ở Stanford, Stevens bắt đầu nghiên cứu sự lược bớt các xi-náp trong hệ thống thị giác. “Khi tôi bắt đầu làm việc trong phòng thí nghiệm của Ben, giới khoa học biết khá ít về việc từng xi-náp cụ thể được lược bỏ như thế nào,” bà nói. “Người ta nghĩ rằng hiện tượng lược bỏ này diễn ra khá chung chung.” Đã có bằng chứng rằng hiện tượng này diễn ra ở vỏ não trong quá trình học tập, nhận thức, và hình thành các kí ức. Nhưng Stevens và Barres lại tập trung vào các nơ-ron thị giác, vì chúng dễ nghiên cứu nhất: con mắt sẽ là con mắt để nhìn vào bộ não.

Năm 2007, họ công bố một phát hiện đáng kinh ngạc. Stevens đã cố gắng xác định các loại protein nhận biết và lược bỏ các xi-náp thần kinh trong quá trình phát triển thị giác. “Phát hiện kỳ lạ nhất là một loại protein thường đánh dấu và loại bỏ các tế bào chết, xác vi khuẩn, hoặc mảnh vụn tế bào cũng đang được sử dụng lại để đánh dấu và lược bỏ các xi-náp,” bà nói. Những chú chuột được thiết kế để thiếu những protein này — được gọi là protein bổ thể (complement proteins) — thường có trục trặc trong cả quá trình dọn mảnh vụn tế bào cũng như đánh dấu và lược bớt các xi-náp.

Nghiên cứu này của Stevens và Barres, xuất bản trên tạp chí Cell năm 2007, đã ghi nhận một trong những trường hợp nổi bật nhất của việc tái sử dụng trong sinh học: một protein với chức năng đánh dấu vi khuẩn và rác thải để loại bỏ đã được hệ thần kinh kết nạp để làm điều tương tự với xi-náp. “Điều này củng cố một trực cảm lâu đời,” bác sĩ khoa tâm thần Hans, một người bạn của tôi ở Boston, nói. “Bí mật đằng sau sự học hỏi là việc loại bỏ các phần thừa một cách có hệ thống. Chúng ta lớn khôn hầu hết là nhờ việc chết đi.”

Năm sau đó, Stevens chuyển đến Bệnh viện Nhi Boston và lập phòng thí nghiệm riêng của mình. Khi tôi đến thăm bà trong một buổi sáng lạnh lẽo vào tháng Ba mới đây, phòng thí nghiệm đang tất bật. Những nghiên cứu sinh cao học chúi mũi vào kính hiển vi, như những cuốn sách đang hé mở. Một người phụ nữ ngồi tại bàn thí nghiệm, kiên quyết nghiền nhỏ một phần não người vừa lấy sinh thiết thành những tế bào riêng lẻ để nuôi trong lọ cấy mô.

Có một điều gì đó năng động đầy tự nhiên ở Stevens: khi bà nói, tay bà chuyển động theo các ý tưởng, vẽ lên rồi lại xóa đi các xi-náp trong không trung. “Những câu hỏi chúng tôi theo đuổi ở phòng thí nghiệm mới tiếp nối trực tiếp những câu hỏi tôi từng tìm hiểu ở Stanford,” bà nói. “Một khi đã phát hiện rằng các protein miễn dịch có thể bám vào và đánh dấu các xi-náp để lược bớt, chúng tôi hỏi: ‘Quá trình lược bớt được thực hiện như thế nào? Cái gì chỉnh sửa các xi-náp?”

Đến năm 2012, Stevens và các sinh viên của bà đã xác định được nhân tố chỉnh sửa đó. Các tế bào chuyên hóa mang tên microglia đã từ lâu được biết đến là những “chú cá dọn bể” của hệ thần kinh: nhiều thùy như một chú nhện, chúng bò loanh quanh khắp bộ não, săn lùng các mảnh vụn, và chức năng loại bỏ các mầm bệnh và rác thải tế bào của chúng đã được kiểm chứng từ hàng thập kỷ trước. Nhưng Stevens còn thấy chúng quấn xung quanh các xi-náp được đánh dấu lược bớt. Bà chỉ cho tôi xem trên máy tính: một tế bào microglia với 12 thùy quấn quanh thân một nơ-ron và ăn các xi-náp làm bữa trưa.

Dữ liệu của Stevens gợi ra một chức năng mới cho các tế bào này: chúng cắt tỉa những mạng lưới đang trưởng thành của bộ não — như những “người làm vườn không ngừng nghỉ,” theo cách nói của một báo cáo. “Khi chúng ta biết rằng có sự tham gia của microglia, hàng tá câu hỏi khác xuất hiện,” Stevens nói. “Làm thế nào mà tế bào microglia biết được cần phải lược bớt xi-náp nào? Đúng, một phần là vì chúng đã được các protein miễn dịch đánh dấu — nhưng cái gì xác định xi-náp này cần lược bỏ còn xi-náp kia thì không? Chúng ta biết rằng các xi-náp cạnh tranh với nhau, và xi-náp khỏe nhất sẽ chiến thắng. Nhưng làm thế nào mà xi-náp yếu nhất được đánh dấu để lược bỏ? Phòng thí nghiệm đang tìm câu trả lời cho những câu hỏi này. Phát hiện này đã mở ra cả một chân trời mới.”


Một hành lang hút gió — lạnh tê tái trong tiết trời tháng Ba, đến mức các tinh thể băng phủ trắng lối đi — ngăn cách tòa nhà có phòng thí nghiệm của Beth Stevens với Khoa Di truyền của Đại học Y Harvard. Năm 2010, khi chưa biết đến các nghiên cứu của Stevens về sự lược bớt xi-náp, nhà di truyền học Steve McCarroll đã có hứng thú với mối liên kết về gen giữa bệnh tâm thần phân liệt và hệ miễn dịch.

McCarroll, với vẻ ngoài trẻ trung khác thường ở tuổi 45, tìm kiếm các phương pháp nghiên cứu di truyền học người. Nếu Stevens chỉ làm một nghề cho chín, thì McCarroll làm cả chín nghề: trong khi Stevens dành cả một thập kỷ đào sâu gốc rễ của một câu hỏi duy nhất — làm thế nào và tại sao các xi-náp lại được lược bớt trong não bộ — thì McCarroll bôn ba khắp nơi, phát minh ra các kỹ thuật nghiên cứu gen có thể được áp dụng vào hàng loạt vấn đề sinh học. “Tôi tìm hiểu về việc các biến thể trong bộ gen người dẫn đến sự đa dạng sinh học kỳ thú mà chúng ta gặp ở con người mỗi ngày như thế nào,” McCarroll nói. “Mối liên quan giữa vùng MHC và bệnh tâm thần phân liệt là một trong những mối liên quan chặt chẽ nhất trong di truyền tâm thần. Nhưng nó cũng khó hiểu nhất: Tại sao một vùng quy định phản ứng miễn dịch lại xác định nguy cơ mắc một bệnh tâm thần rõ ràng đến vậy? Mối liên hệ giữa hệ miễn dịch và bệnh tâm thần phân liệt là gì?” McCarroll đã giao vấn đề này cho Aswin Sekar, một nghiên cứu sinh 24 tuổi đang học lấy bằng Tiến sĩ – Bác sĩ Y khoa trong phòng thí nghiệm của ông tại Harvard. “Các nhà di truyền học cho rằng vấn đề này gần như không thể giải được, nhưng Aswin muốn một đề tài có trọng lượng — một bài toán đố hóc búa để giải quyết.”

Tôi hẹn Sekar uống cà phê tại một căng-tin gần phòng thí nghiệm của Carroll. Với đôi mắt mệt mỏi sau cả một đêm trực tại phòng hồi sức cấp cứu — sau khi hoàn thành nghiên cứu Tiến sĩ, Sekar quay trở lại chương trình học y khoa — anh xin lỗi nếu mình có nói năng lộn xộn, rồi sau đó giảng cho tôi bài giảng rành mạch nhất về di truyền học tâm thần mà tôi từng nghe. Vùng MHC có lẽ là phần “khét tiếng” nhất của bộ gen người — “cơn ác mộng của người lập bản đồ gen,” như Sekar miêu tả. Khả năng miễn dịch của con người phụ thuộc vào sự đa dạng: hàng nghìn mầm bệnh từng tấn công cơ thể chúng ta trong quá khứ đã khiến ta phải phát triển một lực lượng gen phản ứng miễn dịch hùng hậu, trong đó có một số gen với hàng tá biến thể. Nhiệm vụ của Sekar là lọc qua chúng, cố gắng tìm các biến thể gen có tương quan với nguy cơ mắc tâm thần phân liệt. Nếu nghiên cứu tương quan gen năm 2009 đã cung cấp một tấm bản đồ tổng quan về nơi trú ngụ của gen gây bệnh tâm thần phân liệt, thì Sekar là một mật thám kiên cường, gõ cửa từ nhà này sang nhà khác với cuốn sổ trên tay để cố gắng tìm ra hung thủ.

Ba năm trước, Sekar và McCarroll đã tìm được một đầu mối. Nằm sâu trong vùng MHC là hai gen mang tên C4A và C4B. Hai gen này gần như giống hệt nhau: khả năng cao chúng hình thành từ một tổ tiên chung từ hàng triệu năm về trước, và giờ đây ở cạnh nhau vai kề vai trong bộ gen; hợp lại, chúng được gọi là các gen C4, và chúng có bốn biến thể thường gặp. Sử dụng các kỹ thuật phân tử do phòng thí nghiệm của McCarroll gây dựng, Sekar đã phát hiện ra bốn biến thể này tạo ra các lượng protein C4A và C4B khác nhau trong não bộ như thế nào. Vào một buổi chiều tháng 12 năm 2013, trong kỳ nghỉ đông, Sekar nằm trên ghế bành trong căn hộ của mình tại Boston, ôm laptop phân tích dữ liệu từ hơn 64000 bệnh nhân tâm thần phân liệt và các đối tượng đối chứng do hàng tá các nhà nghiên cứu tại 22 quốc gia thu thập được. (Dữ liệu nằm trong một kho lưu trữ trung tâm mà các nhà nghiên cứu bệnh tâm thần phân liệt có thể truy cập từ xa.) Anh bắt đầu vẽ ra mối liên hệ giữa bốn biến thể gen C4 và nguy cơ mắc bệnh tâm thần phân liệt. Kết quả vô cùng ấn tượng: nguy cơ mắc bệnh có tương quan mạnh mẽ với sự di truyền của biến thể gen C4 — đặc biệt là gen C4A. Một biến thể gen càng sản sinh ra nhiều protein C4A, thì càng có khả năng tìm thấy biến thể ấy ở các bệnh nhân mắc tâm thần phân liệt.

Sekar gửi dữ liệu đến McCarroll qua email tối ngày 31 tháng 12. “Hôm đó, nhà tôi có khách tới chơi nhân đêm giao thừa, và chuông cửa vừa reo lên thì tôi nhận được email,” McCarroll kể. “Đương nhiên, tôi chẳng nói chuyện với khách được bao nhiêu. Kết quả ấy thật khó tin. Một cậu bé tuổi đôi mươi bước vào phòng thí nghiệm, xác định các biến thể trong một trong những vùng phức tạp nhất của bộ gen người, và chứng minh những biến thể ấy có thể dẫn đến nguy cơ mắc tâm thần phân liệt ra sao. Những dữ liệu đã làm bao nhiêu nhà khoa học bối rối bấy lâu nay đột nhiên trở nên dễ hiểu.”

Từ đó, gen C4A trở thành một mối ám ảnh đối với Sekar và McCarroll. Gen ấy có vai trò gì? Tại sao các biến thể của gen này lại có liên hệ với nguy cơ mắc tâm thần phân liệt? Danh tính phân tử của gen C4A đặc biệt gây chú ý. Họ biết rằng C4A mã hóa cho một loại protein được hệ miễn dịch sử dụng để nhận biết, đánh dấu, và loại bỏ mảnh vụn tế bào. Nói ngắn gọn, nó liên quan mật thiết với các nhân tố miễn dịch trong quá trình lược xi-náp mà Beth Stevens ở bên kia đường đã lần ra.


Không lâu sau, Sekar và McCarroll bắt đầu hợp tác với Beth Stevens trong một chuỗi thử nghiệm để xác định vai trò của C4A và quá trình chỉnh sửa xi-náp, và từ đó, giữa chỉnh sửa xi-náp và bệnh tâm thần phân liệt. Tham gia cùng họ là Mike Carroll, một nhà miễn dịch học dày dặn kinh nghiệm nghiên cứu về vai trò của C4 trong các bệnh miễn dịch. Trong các mô não người và các nơ-ron được cấy trong lọ, họ nhận thấy rằng protein C4 tích tụ rất nhiều ở các xi-náp; ở chuột, sự tích tụ này diễn ra gần như đúng lúc sự lược bớt bắt đầu. Những chú chuột thiếu gen C4 sẽ lược thiếu các xi-náp trong một số phần của não, điều này cho thấy mối liên hệ trực tiếp giữa gen này và quá trình lược bớt. Sekar đã xác nhận rằng C4A xuất hiện nhiều hơn trong não của các bệnh nhân tâm thần phân liệt so với người bình thường. Ở não của các bệnh nhân, C4A gia tăng nhiều nhất ở những vùng có vai trò điều khiển nhận thức, lên kế hoạch, và suy nghĩ, cũng là những quá trình bị hạn chế nhất ở những người mắc tâm thần phân liệt, và [C4A] gia tăng ít đáng kể hơn ở những vùng kiểm soát sự thăng bằng, tư thế, và ngôn ngữ, là các phương diện vẫn khá bình thường ở những bệnh nhân.

Bệnh tâm thần phân liệt “có thể là căn bệnh do sự lược bớt thái quá.” Các xi-náp đáng ra phải được lưu giữ lại bị loại bỏ, như một khu vườn bị cắt xén quá mạnh bạo vào mùa đông.

Từ những kết quả trên ra đời một giả thuyết đơn giản đến tuyệt vời. Có thể C4A, cũng như những nhân tố miễn dịch khác mà Stevens đã xác định có mặt trong sự lược bớt xi-náp, đánh dấu các xi-náp thần kinh cần loại bỏ trong quá trình phát triển bình thường của não bộ. Trong quá trình trưởng thành của bộ não, microglia sẽ nhận biết những yếu tố này như là các tín hiệu và nuốt chửng các xi-náp được đánh dấu. Các biến thể gen C4A dẫn đến những lượng protein C4A khác nhau được sản sinh trong não. Quá nhiều protein C4A ở một vài cá thể sẽ gây ra sự lược bớt xi-náp thái quá, từ đó làm giảm số xi-náp trong bộ não, và cung cấp lời giải thích cho việc các bệnh nhân tâm thần phân liệt thường có ít kết nối thần kinh hơn. Khi nhìn lại, việc các triệu chứng của tâm thần phân liệt thường bùng phát trong độ tuổi 20 và 30 cũng dễ hiểu: thời niên thiếu và giai đoạn đầu trong độ tuổi trưởng thành là lúc sự lược bớt xi-náp đạt đỉnh điểm tại các vùng của não bộ có vai trò kiểm soát sự lên kế hoạch và suy nghĩ.

Bệnh tâm thần phân liệt, theo McCarroll, “có thể là căn bệnh do sự lược bớt thái quá.” Các xi-náp đáng ra phải được lưu giữ lại bị loại bỏ, như một khu vườn bị cắt xén quá mạnh bạo vào mùa đông. “Nghiên cứu về C4A là một trong những nghiên cứu quan trọng nhất về bệnh tâm thần phân liệt trong thời đại của chúng ta, vì nó xác định được một con đường và đưa ra một cơ chế,” nhà tâm thần học Lieberman nhận xét. “Nó mở ra một hộp đen. Bây giờ chúng ta phải tìm hiểu xem sự lược bớt xi-náp thái quá gây ra vô vàn triệu chứng của căn bệnh như thế nào — hiện tượng loạn thần, sụp đổ về nhận thức, mất cảm xúc, và sự xa lánh khỏi xã hội.”


Khi nghĩ về di truyền theo cách hiểu thông thường, ta nghĩ đến sự thừa kế các đặc điểm đặc biệt qua nhiều thế hệ: chiếc mũi đặc trưng của bố, hay việc cả nhà đều dễ mắc một căn bệnh hiếm gặp. Nhưng phần hóc búa của di truyền học thực ra chung chung hơn thế: Cái gì đã chỉ thị khiến sinh vật tạo ra một trạng thái tâm thần, hay một chiếc mũi — bất kỳ chiếc mũi nào? Biến thể của gen C4 có liên quan trong bệnh tâm thần phân liệt rất có khả năng cũng là cùng một gen mà bộ não sử dụng để lược bớt các xi-náp, từ đó tạo điều kiện cho nhận thức, kết nối suy nghĩ với hiện thực, và khả năng học tập thích nghi. Đẩy hoạt động của một gen đến quá một mức nhất định sẽ bẻ gãy các mối nối liên kết trong suy nghĩ, như định nghĩa của Bleuler; dẫn đến một căn bệnh phá hỏng tâm trí. Đi quá xa theo chiều ngược lại, và chúng ta mất khả năng học thích nghi; những bối rối loạn xạ của thời thơ ấu — các mạng lưới non nớt và chưa được mài giũa — vẫn sẽ còn đó. Con người độc nhất của chúng ta phải đạt được cân bằng ở đâu đó giữa thừa và thiếu trong việc cắt xén những mạng lưới não bộ và lược bớt xi-náp.

Một đêm năm 1946, bác Rajesh trở về nhà từ đại học với một câu đố, một bài toán khó. Ba anh em trẻ nhất nhảy vào mày mò, chuyền qua chuyền lại như một quả bóng toán học. Sự ganh đua giữa những người anh em, niềm tự hào mỏng manh của tuổi niên thiếu, và nỗi sợ thất bại giữa một thành phố không dung thứ thôi thúc họ. Tôi tưởng tượng ba người họ — 22, 16, 13 tuổi — mỗi người một góc trong căn phòng chật chội, bày ra các lời giải kỳ lạ, tiếp cận vấn đề bằng cách của riêng mình. Bố tôi: nghiêm nghị, kiên định, cứng đầu, hệ thống, nhưng thiếu sáng tạo. Jagu: không đi theo lối mòn, xuất thần, nhưng thiếu tập trung. Rajesh: thấu đáo, nhiệt huyết, kỷ cương, đôi chút ngạo mạn. Màn đêm buông xuống, bài toán vẫn chưa được giải, Nhưng, khác với những người em, Rajesh thức cả đêm. Bác đi đi lại lại quanh phòng, ghi lại các lời giải và các phương án khác nhau. Đến rạng sáng, bác đã giải được. Bác viết bài giải trên bốn tờ giấy và để nó bên chân của một người em.

Trong văn hóa đại chúng xuất hiện hình tượng “thiên tài điên,” một bộ não chia ra giữa sự điên rồ và tài năng, nhảy từ trạng thái này sang trạng thái kia như bật công tắc. Nhưng Rajesh chẳng có công tắc nào cả. Chẳng có sự phân chia hay dao động như một con lắc. Sự thiên tài và điên rồ liền khớp với nhau như hai vương quốc tiếp giáp không yêu cầu hộ chiếu. Chúng cùng thuộc về một khối chung, không thể chia rẽ. Các bệnh tâm thần thường được lãng mạn hóa, nhưng tôi phải nhấn mạnh rằng những bệnh nhân ấy phải trải qua những hỗn loạn đáng sợ về nhận thức, xã hội, và tâm lý, chúng để lại những vết cắt đau đớn và phá hoại cuộc sống của họ; tôi thấu hiểu nỗi đau này hơn ai hết.

Câu chuyện giải bài toán thâu đêm của Rajesh được kể đi kể lại trong gia đình tôi. Nhưng những gì xảy ra sau đó thì không. Nhiều năm sau, bố tôi kể về tuần đầy kinh hoàng sau hôm ấy. Một đêm không ngủ của Rajesh trở thành hai đêm không ngủ, rồi đêm thứ ba. Đêm thức trắng kia đã đẩy bác vào một cơn hưng cảm trầm trọng. Hoặc có thể cơn hưng cảm đó đã đến trước rồi kéo theo đêm không ngủ để tìm lời giải cho bài toán. Dù là trường hợp nào, Rajesh đã biến mất và không ai tìm được anh trong vài ngày. Bà tôi, để ngăn chặn các cơn suy sụp như thế tái phát, đã cấm các trò giải đố và trò chơi trong nhà từ đó. Đối với Rajesh, vụ việc là một điềm báo cho tương lai — lần suy sụp đầu tiên của rất nhiều lần sắp tới.

Ảnh: Unsplash.

Việc xác định được gen đằng sau bệnh tâm thần dĩ nhiên sẽ kéo theo giấc mơ tìm được thuốc điều trị để đảo ngược tiến triển bệnh. “Tất cả các thuốc tâm thần phân liệt hiện nay chỉ xử lý các triệu chứng, và kể cả thế chúng vẫn không hiệu lực,” Lieberman nói. “Không có loại thuốc nào điều trị đúng căn nguyên.” Có thể sẽ có cách dừng lược bớt xi-náp thái quá ở bệnh tâm thần phân liệt, hoặc ngăn chặn sự bất ổn trong hoạt động thần kinh ở chứng rối loạn lưỡng cực. Nhưng những triệu chứng nào mới cần loại bỏ hoặc giảm nhẹ? Nếu chúng ta cần điều trị trẻ em từ lâu trước khi các triệu chứng bùng phát thì sao? Nhỡ đâu việc điều trị nhằm ổn định tâm thần lại làm gián đoạn sự hình thành cái tôi của từng người?

Vào buổi tối hôm tôi đến thăm phòng thí nghiệm của McCarroll, tôi đã hẹn Hans, một bác sĩ tâm thần và bạn tôi, đi ăn tối tại một nhà hàng ở Boston. Anh điều trị một loạt các bệnh tâm thần, bao gồm tâm thần phân liệt, rối loạn nhân cách, và trầm cảm. Một số bệnh nhân của anh bị loạn thần mức độ nhẹ, một số khác chạm đến ranh giới của sự điên loạn, và một số bị mắc những ám ảnh vô cùng nặng nề. Nhiều bệnh nhân vẫn sống bình thường — có người còn truyền tải các ám ảnh và hoang tưởng của mình vào con đường sáng tạo. Căn bệnh làm họ vừa tê liệt, vừa kích động: nó là lời nguyền, phúc lành, rồi lại lời nguyền.

Chúng tôi chuyển sang trò chuyện về nghiên cứu C4A. Nếu tâm thần học bước vào thời đại của việc thiết kế thần kinh — nếu chúng ta có thể tùy ý tỉa tót và uốn nắn các xi-náp thần kinh bằng các loại thuốc — chúng ta sẽ kẻ ranh giới điều trị ở đâu? “Nếu một chút loạn thần cũng tốt thì sao?” Hans hỏi. “Thực ra, ‘tốt’ hay ‘xấu’ chẳng có nghĩa gì cả. Sự loạn thần hay ám ảnh làm nên chính con người anh.” Nhiệt huyết của Rajesh và lòng nhân từ của Jagu có liên quan đến mức nào với tâm thần độc nhất của họ, thứ mà suy cho cùng tỏa ra từ bộ gen độc nhất của họ?


Ngày hôm sau khi chúng tôi đi thăm Moni, tôi cùng bố đi dạo ở Calcutta. Chúng tôi xuất phát từ ga Sealdah, nơi bà tôi đã đến bằng tàu hỏa vào năm 1946, mang theo năm đứa con và bốn chiếc thùng. Từ rìa của ga tàu, chúng tôi lần lại con đường của họ, đi qua các quầy bán cá và rau củ ở bên trái, và một ao bèo tây lặng im ở bên phải. Càng đi vào thành phố, dòng người càng tấp nập. Ở cả hai bên con phố, những khu chung cư lớn chia thành các căn hộ, như một quá trình sinh học thần kỳ — một phòng chia làm hai, hai thành bốn, rồi bốn thành tám. Tiếng leng keng trong những căn bếp hòa với mùi khoáng chất của khói than. Đến một hiệu thuốc, chúng tôi rẽ vào ngõ Hayat Khan nhỏ hẹp và đi tới căn nhà nơi bố tôi và gia đình ông từng trú ngụ. Cửa trước mở vào một khoảng sân nhỏ. Một người phụ nữ ở căn bếp dưới tầng, lăm le xử lý một quả dừa với chiếc liềm.

“Cô là con của Bibhuti à?” bố tôi hỏi bằng tiếng Bengali. Bibhuti Mukhopadhyay là chủ nhà và cho bà tôi thuê. Ông đã mất rồi, nhưng bố tôi nhớ rằng ông có hai người con, một trai một gái.

“Không ạ, cháu là con dâu của em bác ấy,” người phụ nữ nói với vẻ cảnh giác. “Nhà cháu sống ở đây kể từ khi anh con trai của bác Bibhuti mất.”

Giữa cô và bố tôi thoáng qua một sự ngầm hiểu. Người phụ nữ nhận ra bố tôi: không phải chính ông, vì cô chưa từng gặp bố tôi, mà là kiểu người như ông ấy. Ở Calcutta — cũng như Berlin, Peshawar, Delhi, Dhaka — những người như thế dường như xuất hiện mỗi ngày, bước vào nhà mà không báo trước, thản nhiên đi qua ngưỡng cửa để tìm lại quá khứ họ.

Cô trở nên niềm nở hơn. “Nhà bác từng sống ở đây đúng không? Gia đình mà có nhiều anh em ấy?” Cô hỏi thật tự nhiên, như thể chuyến thăm này đáng lẽ phải xảy ra lâu rồi.

Con trai cô, khoảng 12 tuổi, thò đầu ra từ cửa sổ trên tầng với một quyển sách trên tay. Tôi biết cửa sổ ấy. Jagu đã từng ngồi đó ngày qua ngày, chằm chằm nhìn xuống sân.

Cô quay ra bố tôi. “Bác cứ tự nhiên lên tầng. Ngắm nghía tùy thích, nhưng để giày ở cầu thang giúp cháu.”

Tôi cởi giày ra, và cảm giác thân thuộc của mặt đất dưới lòng bàn chân khiến tôi cảm thấy như thể mình vẫn luôn sống ở đây. Căn nhà nhỏ hơn hình dung của tôi — như tất cả những nơi xây bằng ký ức — buồn tẻ và bụi bặm hơn. Ký ức làm quá khứ trở nên rõ nét; thực tế mới là thứ mờ dần đi. Chúng tôi bước lên cầu thang hẹp dẫn tới hai căn phòng nhỏ. Bốn người em — Nakul, Rajesh, Jagu, và bố tôi — từng ở chung một căn phòng. Bác cả Ratan — bố của Moni — và bà tôi ở phòng bên cạnh, nhưng đến lúc tâm trí Jagu ngày càng điên loạn, bà cho Ratan sang với những người em và chuyển Jagu sang ở cùng mình.

Chúng tôi trèo lên ban công ở trên mái. Trời đổ tối nhanh đến mức như có thể nhìn thấy đường cong của trái đất chuyển mình khỏi hướng mặt trời. Bố tôi nhìn về phía ánh điện của nhà ga. Một con tàu rúc lên ở phía xa như một chú chim trơ trọi. Ông biết tôi đang viết về di truyền.

“Gen,” ông nói và cau mày.

“Có từ đó trong tiếng Bengali không ạ?” tôi hỏi.

Ông lục lọi vốn từ vựng của mình. Không có từ nào như vậy, nhưng có thể ông sẽ tìm được từ thay thế.

Abhed,” ông nói. Tôi chưa bao giờ thấy ông dùng từ này. Nó có nghĩa “không thể bị chia cắt” hoặc “không thể bị xuyên qua,” nhưng cũng được sử dụng để chỉ “danh tính.” Tôi kinh ngạc trước lựa chọn ấy; những lớp nghĩa của nó cứ vang vọng mãi. Gregor Mendel7 chắc cũng sẽ thích thú với các lớp nghĩa của nó: không thể chia cắt, không thể xuyên qua, không thể tách rời, danh tính.

Tôi hỏi bố ông nghĩ thế nào về Moni, Rajesh, và Jagu.

Abheder dosh,” ông nói.

Một lỗi sai trong tính cách, một căn bệnh di truyền, một vết bớt không thể tách rời khỏi bản thân con người đó — cụm từ ấy mang tất cả những nghĩa trên. Ông đã phần nào chấp nhận sự không thể chia cắt của nó.


  1. Jim Morrison (1943 – 1971) là một ca sĩ, nhạc sĩ, và thi sĩ người Mỹ, được biết đến nhiều nhất với vai trò ca sĩ hát chính của ban nhạc rock The Doors.↩

  2. Bệnh tâm thần phân liệt là một bệnh rối loạn tâm thần nghiêm trọng. Triệu chứng đặc trưng của bệnh gồm loạn thần, hoang tưởng, mất khả năng kiểm soát suy nghĩ, cảm xúc và hành vi. Hiện nay bệnh này chưa có thuốc chữa.↩

  3. Rối loạn lưỡng cực, còn gọi là chứng hưng-trầm cảm, là một loại rối loạn tâm thần với triệu chứng đặc trưng là những pha thay đổi đột ngột và cực đoan về tính khí và cảm xúc từ hưng cảm sang trầm cảm.↩

  4. Mẫu đối chứng là những người khỏe mạnh, không mắc bệnh tâm thần phân liệt, tham gia nghiên cứu để so sánh với bệnh nhân↩

  5. Di truyền đa yếu tố là kiểu di truyền trong đó bệnh hoặc tính trạng là kết quả của nhiều yếu tố di truyền và môi trường tương tác với nhau mà thành. Kiểu di truyền này mang tới nhiều thách thức cho người nghiên cứu do rất khó tìm ra được tất cả các yếu tố nguyên nhân, mỗi yếu tố có vai trò như thế nào, hay chúng tương tác với nhau ra sao để dẫn đến cơ chế bệnh/tính trạng.↩

  6. Chia cắt, hay Sự chia cắt Ấn Độ, là sự kiện Đế quốc Ấn độ thuộc Anh thành Pakistan tự trị (sau này phân chia thành hai nước Pakistan và Bangladesh) và Liên hiệp Ấn Độ (sau này là Cộng hòa Ấn Độ) vào ngày 15 tháng 8 năm 1947. Sự chia cắt đã khiến từ 10 đến 12 triệu người phải di dời vì lý do tôn giáo.↩

  7. Gregor Johann Mendel (1822 – 1884) được coi là “cha đẻ của di truyền hiện đại” vì những nghiên cứu của ông về đặc điểm di truyền của đậu Hà Lan. Ông chỉ ra rằng đặc tính di truyền tuân theo các quy luật nhất định, ngày nay chúng ta gọi là Định luật Mendel.↩