Sau một ngày bị cách ly để thẩm vấn 19 bị cáo, sáng 4/1 tại TAND Hà Nội, Phan Văn Anh Vũ (chủ tịch Công ty Cổ phần Xây dựng 79 và Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79) trả lời về các sai phạm bị cáo buộc trong việc chuyển nhượng, nhận giao 21 nhà, đất công ở Đà Nẵng gây thiệt hại cho nhà nước 22.000 tỷ đồng.
Trong phiên tòa này, Vũ chuyển tới HĐXX đơn đề nghị với 4 nội dung. Thứ nhất, bị cáo yêu cầu xem xét lại tài sản bị thu giữ gồm 29.000 đô la Singapore, ba điện thoại, máy tính xách tay. Bị cáo không đồng ý với cáo trạng. Thứ ba, việc VKSND Tối cao kê biên để tịch thu 10 tài sản là không đúng, quyết định kê biên không có số công văn. Cuối cùng, bị cáo bức xúc việc bị gọi là Vũ “Nhôm”, bởi tên cho cha mẹ đặt là Phan Văn Anh Vũ.
HĐXX cho biết ghi nhận đề nghị của bị cáo, đề nghị các cơ quan truyền thông tôn trọng quyền cá nhân của bị cáo Vũ theo đúng Luật Báo chí cũng như Luật An ninh mạng.
Trả lời trong chừng nửa tiếng, Vũ thừa nhận 5 công ty liên quan vụ án đều là công ty của gia đình mình. Vũ trực tiếp đại diện Công ty 79 và Công ty Bắc Nam 79. Số còn lại do người thân, bạn làm đại diện song anh ta vẫn là cổ đông chính; quyết định và chỉ đạo mọi hoạt động.
Với 22 nhà, đất công bị quy buộc trục lợi, Vũ chỉ đồng ý về số lượng; còn các hành vi, sai phạm thì “không phải như truy tố”. Các cuộc bàn bạc với các giám đốc công ty được thuê, mua các bất động sản, Vũ cho hay đó không phải “đi đêm” mà là giao dịch thông thường giữa những người kinh doanh. Hai bên thuận mua vừa bán và không trái pháp luật.
Bị cáo Phan Văn Anh Vũ. Ảnh: Xuân Hoa |
Cho rằng trong giao dịch bất động sản, nếu “anh bán sai thì anh phải chịu trách nhiệm”, Vũ vì thế có thể kiện các công ty đã bán nhà, bởi vì họ mà hôm nay phải vướng lao lý.
Khi bị hỏi vì sao biết các lô đất “vàng” do những công ty này được giao quản lý nằm trong diện được chính quyền Đà Nẵng bán, Vũ đáp bình tĩnh, rõ ràng: “Rất đơn giản vì thời điểm đó thị trường nhà đất ở Đà Nẵng bị đóng băng. Các bất động sản này được công bố thông tin trên phương tiện truyền thông. Tôi là người kinh doanh bất động sản nên hiểu hơn ai hết về vấn đề này”.
Trước việc HĐXX dẫn các lời khai của một số bị cáo về việc Vũ có quan hệ thân thiết với các lãnh đạo Đà Nẵng, Vũ đáp: “Khai gì thì cũng phải có chứng cứ. Tôi không hiểu lời khai của các anh, các chị. Tôi hoàn toàn không có quan hệ với các lãnh đạo”.
Vũ cho rằng: “Mọi tội lỗi đều quy cho bị cáo, rất đau buồn. Bị cáo giống tội đồ, trung tâm vụ án. Bị cáo chỉ là người đi mua, có phải đầu đường xó chợ đâu. Bị cáo phải được bảo vệ quyền lời của người đi mua”.
Xin tòa cho được nói thêm về việc bị bắt theo lệnh truy nã, Vũ cho hay khi ở Singapore không biết bị truy nã. Vũ nói: “Việc công bố thông tin bị cáo bị bắt là không đúng. Bị cáo tự nguyện tới đồn cảnh sát Singapore chứ không bị bắt”.
Theo cáo trạng, Phan Văn Anh Vũ đã lợi dụng chủ trương trái pháp luật tại các văn bản pháp lý của UBND thành phố Đà Nẵng do chủ tịch Đà Nẵng Trần Văn Minh ký ban hành với động cơ thâu tóm thị trường bất động sản nhằm trục lợi.
Kết quả điều tra chưa chứng minh làm rõ được việc chia lợi ích của Phan Văn Anh Vũ với ông Trần Văn Minh và các đồng phạm khác nhưng tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án xác định: Từ năm 2002 đến năm 2010, Vũ đã thành lập 5 công ty để sử dụng tư cách pháp nhân các công ty này thực hiện hành vi mua nhà, đất công sản và nhận quyền sử dụng đất ở Đà Nẵng.
Phan Văn Anh Vũ đã thu lợi bất chính đặc biệt lớn thông qua việc nhận chuyển giao tài sản, quyền quản lý, khai thác 22 nhà, đất công sản và 7 dự án đất. Hậu quả, nhà nước bị thiệt hại hơn 22.000 tỷ đồng. Riêng dự án 29 ha Khu đô thị Quốc tế Đa Phước số tiền thiệt hại trên 11.200 tỷ đồng. Hậu quả, nhà nước bị thiệt hại hơn 22.000 tỷ đồng.
21 bị cáo sẽ bị TAND Hà Nội xét xử từ ngày 2 đến 15/1.