Choe In-guk là một trong số ít người đào tẩu từ Hàn Quốc sang Triều Tiên. Hành trình rời bỏ Hàn Quốc sang Triều Tiên của ông là theo tâm nguyện trước khi qua đời của bố mẹ, những người muốn ông đi theo con đường của họ. Năm 1986, bố của Choe, cựu ngoại trưởng Hàn Quốc Choe Dok-shin, cùng vợ chạy sang Triều Tiên, bỏ lại con cái ở quê nhà.
Bức ảnh của Choe được đăng trên trang web Uriminzokkiri của nhà nước Triều Tiên kèm lời trích dẫn: “Sống ở một đất nước mà tôi cảm thấy biết ơn là cách bảo vệ ý nguyện của bố mẹ tôi”.
Một số người từng chạy trốn sang Triều Tiên, đặc biệt vào thời điểm đất nước này không ngừng ca ngợi về điều kiện sống tốt hơn, trong khi người Hàn Quốc sống dưới chế độ độc tài. Tuy nhiên, các cuộc đào tẩu này không đơn giản. Trên bán đảo Triều Tiên, bất kỳ cuộc đào tẩu nào đều mang yếu tố chính trị.
Choe In-guk, người đào tẩu Hàn Quốc, ở sân bay Bình Nhưỡng hồi tháng 7/2019. Ảnh: AP. |
Vài người trong số họ có địa vị cao, như nhà kinh tế Oh Kil-nam, người sau đó hối hận về quyết định này và phải xin tị nạn ở Đan Mạch. Vợ và con gái của Oh đã bị tống giam ở Triều Tiên sau quyết định ông.
Trường hợp của Choe cũng bị ảnh hưởng bởi yếu tố chính trị và gia đình. Giới quan sát Triều Tiên cho rằng cuộc đào tẩu của Choe xuất phát từ lời hứa về cuộc sống thoải mái ở đất nước này. Thay vì sống ở Hàn Quốc trong sự kỳ thị là con trai của kẻ phản bội, Choe được xem như anh hùng khi tới Triều Tiên.
Kim Ryen-hui từng đào tẩu tới Hàn Quốc, nhưng nay khao khát được trở về nhà ở Triều Tiên. Tuy nhiên, theo tài liệu do tòa án Hàn Quốc ban hành, bà không được phép rời khỏi nước này.
Kim chia sẻ từng tới Trung Quốc để điều trị bệnh gan, nhưng chi phí ở đó vượt quá khả năng chi trả của bà. Sau đó, Kim bị một tay môi giới lừa tới Hàn Quốc. Họ nói khi tới Hàn Quốc, bà có thể có đủ tiền để trang trải chi phí y tế trong hai tháng.
8 năm trôi qua kể từ khi Kim rời Triều Tiên và bà không phải người duy nhất muốn trở về quê hương. Một số người bị coi là công dân hạng hai hoặc phải đối mặt với nhiều khó khăn. Mới đây, một phụ nữ Triều Tiên đào tẩu cùng đứa con trai nhỏ đã chết trong căn hộ tại Seoul, trong nhà không còn một chút thức ăn nào.
Lee Eunkoo, người thành lập tổ chức phi lợi nhuận Teach North Korean Refugees (TNKR), cho biết tình trạng phân biệt đối xử với người đào tẩu thường xuyên xảy ra. Người Triều Tiên thường bị phân biệt bởi giọng nói và rất khó kiếm việc làm.
Casey Lartigue, đồng sáng lập TNKR, nói thêm người Triều Tiên mới đến trung tâm cải tạo Hanowan thường mô tả đây là “trải nghiệm đáng sợ”, khi họ bị Cơ quan Tình báo Hàn Quốc điều tra và mang tới cảm giác họ là gián điệp.
Tuy nhiên, Kim cho biết những câu chuyện về Triều Tiên thường bị bóp méo hoặc cường điệu. “Tôi muốn mọi người biết rằng Triều Tiên cũng là nơi người bình thường sinh sống. Có những nỗi buồn, sự đau khổ, nhưng cũng có hy vọng. Có thời gian chúng tôi hạnh phúc, tự do và tràn đầy niềm tin. Nhưng cũng có khoảng thời gian khó khăn, khi mọi người chết vì bệnh hoặc thiếu thức ăn”, Kim nói.
Trong giai đoạn 1995-2005, Triều Tiên hứng chịu nạn đói nghiêm trọng và Kim cho rằng đó là tất cả điều mà người Hàn Quốc nghĩ về đất nước này. Kim cho hay chính quyền Triều Tiên cung cấp cho người dân ba thứ quan trọng, gồm giáo dục, y tế và nhà ở. Tuy nhiên, bà rời đất nước để tìm kiếm nền y tế phát triển hơn ở Trung Quốc.
Kim Ryen-hui, người tị nạn Triều Tiên ở Hàn Quốc. Ảnh: ABC News. |
Theo chia sẻ của Kim, Triều Tiên là nơi mọi người không bao giờ lo lắng về việc làm, bởi công việc được giao dựa trên khả năng của mỗi người. Nhà nước chu cấp 700 g thực phẩm mỗi ngày cho người có việc làm và 300 g cho người thất nghiệp. Kim từng làm tại xưởng may áo sơ mi nam kiểu phương Tây và bà thường nấu mì với đậu phụ hoặc kim chi cho mỗi bữa ăn.
Theo bà Kim, điểm chung lớn nhất giữa Triều Tiên và Hàn Quốc là tình yêu âm nhạc. Tuy nhiên, Triều Tiên có nhiều dàn nhạc giao hưởng hơn K-pop. Người dân Triều Tiên cũng yêu thích phim truyền hình Hàn Quốc được nhập lậu vào nước này.
Kim muốn được đoàn tụ với con gái nhưng không phải ở Hàn Quốc. Dù Hàn Quốc có nền kinh tế rất phát triển, người vô gia cư ở đây bị lãng quên và có tỷ lệ tự tử cao hàng đầu trên thế giới. “Triều Tiên hiện có thể khó khăn một chút, nhưng tôi có thể mơ về một tương lai ở đó. Cuộc sống ở Hàn Quốc xa hoa và tuyệt vời nhưng tương lai ảm đạm. Tương lai của con tôi cũng sẽ ảm đạm nếu sống ở đây”, Kim chia sẻ. “Tôi mong mọi người nhìn về Triều Tiên thực tại mà không có định kiến chính trị”.
Tuy nhiên, nhiều người Hàn Quốc cho rằng khó có ai ở đất nước này tự nguyện đến Triều Tiên, và bức tranh về Triều Tiên của bà Kim che giấu nhiều điều.
Tính tới tháng 9 năm ngoái, Bộ Thống nhất Hàn Quốc đã ghi nhận 771 trường hợp người đào tẩu Triều Tiên trong năm 2019, nâng tổng số người đào tẩu tới nước này lên 33.000. Hầu hết số này là phụ nữ, chiếm 85% năm 2018, và nhiều người trở thành nạn nhân của nạn buôn bán tình dục ở Trung Quốc.
Trong một chương trình do TNKR tổ chức, nhiều người tị nạn Triều Tiên cho biết họ không muốn quay về do ám ảnh quá khứ. Một người cho biết lý do quay trở lại là không muốn chia cắt với người thân. “Tôi nghĩ gia đình là lý do duy nhất. Không còn lý do nào khác”, cô nói.
Kim đồng tình với lý do này. “Tôi nghĩ điều hạnh phúc và quý giá nhất của con người là gia đình. Không điều gì có thể đánh đổi được. Tôi đã xa cách chồng và con gái 8 năm. Làm thế nào để xem điều này như không có chuyện gì?”, Kim nói.
Thanh Tâm (Theo ABC News)