Trao đổi tại hội thảo, GS Thái cho rằng, sách Toán hiện hành ở bậc phổ thông, đặc biệt với tiểu học, quá nặng.
“Giáo dục toán học ở phổ thông hiện hành, nhất là với tiểu học, là quá tải và rất nặng. Nó khó đến mức phải là những giáo sư toán học có trình độ tốt mới hiểu hết được” – GS Đỗ Đức Thái đánh giá.
Ông ví dụ, trẻ con 6 tuổi, đọc, viết chưa được, các cô phải xúc ăn cho nhưng phải xây dựng tập số tự nhiên bằng cả 2 tiên đề. Một loại là xây dựng thông qua lý thuyết tập hợp trên cơ sở đếm 1 con bò, 1 con gà, 1 con mèo ra con số 1; 2 bông hoa, 2 cốc nước thì ra con số 2. Đồng thời có hệ tiên đề đằng sau đó là số liền trước, số liền sau.
SGK “Cánh diều” chính thức được ra mắt |
“Bây giờ tôi đố giáo viên dạy toán cấp I có thể trả lời đúng hết. Thế mà trẻ con của chúng ta điềm nhiên phải học như thế. Học hình học trẻ con phải học biểu tượng cụ thể sờ nắm được, quan sát được rồi mới tới các khái niệm trừu tượng nhưng học sinh của chúng ta học ngay đường thẳng. Có ai giao cho học sinh đường thẳng để cầm?
Vì quá nặng, môn Toán trở thành nỗi khiếp đảm của nhiều trẻ. “Có thể nói, chương trình Toán hiện hành đã giết chết giáo dục Toán phổ thông từ trong trứng”, GS Thái nói.
Tham gia biên soạn chương trình, là tổng chủ biên một cuốn SGK Toán mới, GS Thái luôn lưu ý thành viên ban soạn thảo phải thực hiện chủ trương của Bộ GD&ĐT là thực sự giảm tải và giảm tải một cách hợp lý, “làm sao để mỗi giờ học Toán là một giờ vui chứ không phải là một giờ hãi hùng”.
Được biết, Bộ SGK “Cánh Diều” là kết quả hợp tác giữa Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP HCM và Công ty Đầu tư Xuất bản – Thiết bị giáo dục Việt Nam. Đây là bộ SGK xã hội hóa đầu tiên.
“Cánh Diều” là bộ sách duy nhất hiện nay có đầy đủ SGK dành cho tất cả các môn học (Toán 1, Tiếng Việt 1, Tự nhiên và Xã hội 1, Đạo đức 1, Âm nhạc 1, Mĩ thuật 1, Giáo dục thể chất 1) và hoạt động giáo dụcbắt buộc (Hoạt động trải nghiệm 1) của lớp 1 theo quy định của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Bộ SGK “Cánh Diều” được biên soạn, xuất bản trên quan điểm thống nhất, xuyên suốt: “Mang cuộc sống vào bài học – Đưa bài học vào cuộc sống”. Tư tưởng cốt lõi đó của bộ sách được kỳ vọng sẽ giúp học sinh có điều kiện tốt hơn để phát triển năng lực và phẩm chất theo các yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Chỉ tính riêng bộ SGK của lớp 1 – “Cánh Diều” – đã quy tụ được 6/8 chuyên gia là Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Chủ biên Chương trình môn học của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 làm Tổng Chủ biên, Chủ biên SGK lớp 1, đồng thời có nhiều tác giả Chương trình môn học và các tác giả khác có uy tín, kinh nghiệm tham gia biên soạn.
Điều này có ý nghĩa quyết định đối với chất lượng biên soạn SGK vì bản thân mỗi tác giả đều đã thấm nhuần nội dung Chương trình giáo dục phổ thông mới và hiện thực hóa, cụ thể hóa những yêu cầu cần đạt của Chương trình trong từng bài học trong SGK lớp 1.