Bộ TT&TT: Các mạng xã hội phải công khai danh tính người dùng

0
1343

Sáng nay 8/11, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng lần đầu tiên trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội về các vấn đề quản lý của ngành.

Vấn đề các thông tin xấu độc trên mạng xã hội là thông tin được nhiều đại biểu quốc hội đặt câu hỏi cho người đứng đầu ngành TT&TT.

Công khai danh tính người dùng mạng xã hội

Bộ TT&TT: Các mạng xã hội phải công khai danh tính người dùng - ảnh 1

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội sáng nay, 8/11

Trả lời chất vấn của các ĐBQH về tình trạng các thông tin, nội dung “xấu, độc” nhưng có lượng độc giả lớn, hình thành các luồng dư luận tác động xấu tới đời sống xã hội, Bộ trưởng Bộ TT&TT cho biết, đây là câu chuyện mang tính toàn cầu khi nhiều quốc gia trên thế giới cũng phải đối mặt.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết 3 quan điểm chính trong việc xử lý các thông tin xấu độc trên mạng xã hội. Trong đó, yếu tố đầu tiên là hành lang pháp lý. Hiện chúng ta đã có luật An ninh mạng nhưng các quốc gia đều có quy định pháp luật riêng xử lý tin rác, tin giả. Lấy dẫn chứng Singapore đã có luật về xử lý tin giả với chế tài xử lý nghiêm minh và có tính răn đe. Người tung tin có thể bị phạt hàng triệu USD, có thể đi tù. Người đứng đầu mạng xã hội tung tin giả cũng bị xử lý.

Do đó, Việt Nam cũng sẽ ban hành quy định pháp luật về vấn đề này. Hiện Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Công an chủ trì và Bộ TT&TT phối hợp chặt chẽ để sớm có quy định pháp luật về xử lý vấn đề tin giả.

Vấn đề thứ 2 là việc xử lý đối với các công ty nền tảng xuyên biên giới như Google, Facebook. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, chúng ta gặp vấn đề tin giả tin số chủ yếu trên các nền tảng mạng xã hội nước ngoài. Bộ TT&TT đã có một nhóm làm việc chuyên trách cùng với cơ quan thuế, công an, ngân hàng làm việc thường xuyên với các nền tảng lớn như Google, Facebook hàng tháng để yêu cầu các công ty này tuân thủ luật pháp của Việt Nam.

Trong đó có yêu cầu quan trọng về việc tìm ra danh tính các tài khoản trên mạng xã hội để tránh việc một số người nghĩ rằng trên mạng xã hội không xác định được danh tính nên thiếu trách nhiệm trong việc đưa thông tin lên mạng xã hội.

Các nền tảng này cũng phải có công cụ tự động để những tin xấu độc đã được định nghĩa phải tự động xóa bỏ. Đồng thời hợp tác với cơ quan quản lý nhà nước để gỡ bỏ những thông tin đó.

Facebook, Google… phải tuân thủ pháp luật Việt Nam

Trả lời câu hỏi của ĐBQH về vấn đề thực thi pháp luật đối với các công ty, nền tảng mạng xã hội nước ngoài, Bộ trưởng Bộ TT&TT cho biết hiện nay chúng ta có đủ cơ sở pháp lý (với Luật An ninh mạng) và đã làm việc để yêu cầu các doanh nghiệp này tuân thủ pháp luật.

Bộ trưởng Bộ TT&TT cho biết hiện nay tại Việt Nam có khoảng 50 triệu người dùng mạng xã hội Facebook cho nhiều mục đích và việc yêu cầu các mạng xã hội này tuân thủ pháp luật Việt Nam phải thực hiện từng bước. Năm 2019 đã đạt được sự thống nhất các cấp về các biện pháp, tình huống xử lý đối với mạng xã hội. “Các công ty đến Việt Nam kinh doanh thì phải đóng thuế và tuân thủ pháp luật, đây là hai điều cơ bản”, bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Thời gian vừa qua, nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới như Google, Facebook đã bắt đầu tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật của Việt Nam. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, tỉ lệ chấp hành của Google, Facebook đôi với các yêu cầu của cơ quan quản lý đã tăng lên tới 80 – 90%, chẳng hạn như việc Google ngăn chặn, gỡ bỏ các game cờ bạc. Cách đây 2 ngày, Facebook cũng tuyên bố chặn quảng cáo chính trị đối với 21 trang chống phá Nhà nước Việt Nam, trong đó có cả những trang mà Chính phủ đã tuyên bố là khủng bố.

Nâng cao nhận thức của người sử dụng mạng xã hội

Ngoài các biện pháp ngăn chặn và quản lý các nguồn thông tin lan truyền trên mạng xã hội mà Bộ TT&TT đã thực hiện trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng việc nâng cao nhận thức của người dùng mạng xã hội phải được xem là một biện pháp căn cơ.

Theo Bộ trưởng, bây giờ có hàng triệu tin trên không gian mạng, ai cũng có thể đưa thông tin trên không gian mạng. Mỗi một cá nhân phải có kỹ năng sống trên không gian mạng. Nếu như nếu như chúng ta có kỹ năng phân biệt tốt xấu thì tự nhiên cái xấu không có cơ hội tồn tại.

“Chúng tôi kiến nghị làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đưa giáo dục kỹ năng số vào trường phổ thông từ cấp từ cấp học phổ thông”, Bộ trưởng chia sẻ.

TIN LIÊN QUAN

Sẽ sớm có quy định pháp luật về xử lý tin giả

Bộ TT&TT đang phối hợp với các nhà mạng thí điểm công cụ xử lý cuộc gọi rác

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Chung tay làm cho ngành TT&TT phát triển lành mạnh, bền vững

Duy Vũ