Đại biểu bấm nút, bộ trưởng giải trình nhiều vấn đề nóng của đất nước

0
1365

Hôm nay và ngày mai, các đại biểu thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách TƯ năm 2020.

Buổi sáng thứ 6 (1/11), Quốc hội thảo luận về Đề án tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.

Nhiều vấn đề nóng sẽ được các đại biểu thảo luận. Ảnh: Minh Đạt

Trong 2,5 ngày thảo luận, các thành viên Chính phủ sẽ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký công văn yêu cầu các thành viên Chính phủ tham dự đầy đủ các phiên thảo luận này; chủ động đăng ký phát biểu và giải trình, làm rõ những vấn đề thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ, ngành mình.

‘Mổ xẻ’ nhiều vấn đề nóng

Chia sẻ trước phiên thảo luận, ĐB Thái Trường Giang (Cà Mau) cho biết, vấn đề ô nhiễm môi trường diễn ra ngày càng nghiêm trọng, trong đó có nguồn nước mặt.

Theo ông, sự cố nguồn nước sông Đà nhiễm dầu thải xảy ra vừa qua là một ví dụ điển hình cần phải được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc xem xét, quan tâm đến an ninh nguồn nước.

Đại biểu Cà Mau cho hay, đây là điều ông trăn trở và mong muốn được góp ý vào báo cáo của Chính phủ. Ông hy vọng bấm nút kịp thời để được góp tiếng nói của mình về vấn đề mà cử tri quan tâm.

ĐB Thái Trường Giang cho biết sẽ góp ý về an ninh nguồn nước

ĐB Nguyễn Chiến (Hà Nội) cho hay, thời gian qua, những vụ án tham nhũng lớn hay những vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức tinh vi khiến người dân lo ngại đã được điều tra, xử lý kịp thời.

Ông đề xuất cần tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, Viện kiểm sát để giải quyết những vụ án đặc biệt nghiêm trọng ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân; giảm thiểu những vụ án nghiêm trọng.

Câu chuyện quản lý mạng xã hội cũng là một trong những nội dung được các đại biểu bàn luận sôi nổi.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập báo Nhân Dân Thuận Hữu (đoàn ĐBQH TP Hải Phòng) đánh giá, mạng xã hội tác động ghê gớm đến sinh hoạt, tập quán phong tục, nhất là với giới trẻ đang có những giá trị về đạo đức xã hội bị lung lay.

Về vấn đề ngân sách, vấn đề mà cử tri và cán bộ công chức quan tâm là chuyện thu chi, lương bổng. Trong báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2019, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2020, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, dự toán chi cải cách tiền lương và tinh giản biên chế 61.500 tỷ đồng.

“Việc này nhằm đảm bảo nguồn để từ ngày 1/7/2020 điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,490 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng, tăng 7,3%. Ngoài ra, lương hưu và trợ cấp người có công cũng tăng tương ứng”, Bộ trưởng nói.

Báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội năm 2019 và kế hoạch năm 2020 tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội sáng 21/10, bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng đã điểm lại một số hạn chế, trong đó đáng chú ý là tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; bảo vệ chủ quyền biển đảo gặp nhiều khó khăn, thách thức…

Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn quan liêu, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, DN, chưa làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao.

Kỷ luật, kỷ cương nhiều nơi còn buông lỏng; xuất hiện tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, trì trệ trong giải quyết công việc sau quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm ở không ít cơ quan, đơn vị….

Đây cũng là những vấn đề cần những cái bấm nút của các ĐBQH để mổ xẻ thấu đáo, kỹ lưỡng cũng như cần sự giải trình thẳng thắn, trách nhiệm của các tư lệnh ngành để tìm ra giải pháp nhằm khắc phục trong thời gian tới.

TIN LIÊN QUAN

Đề xuất chất vấn các bộ trưởng về bổ nhiệm cán bộ, mạng xã hội, xử lý tham nhũng

Hương Quỳnh/VNN