50% học sinh bỏ học có vấn đề về sức khỏe tâm thần

0
1407

Theo PGS.TS Trần Thành Nam (Trường ĐH Giáo dục), trung bình mỗi ngày có khoảng 3.000 trẻ vị thành niên chết do tự tử trên thế giới.

Thời gian vừa qua, việc tự sát của giới trẻ có xu hướng gia tăng. Nhiều nghiên cứu cho thấy, giới trẻ ngày càng dành nhiều thời gian cho điện thoại thông minh, mạng xã hội và game online nên ít có thời gian dành cho bạn bè, người thân và các mối quan hệ có ý nghĩa.

PGS.TS Trần Thành Nam (Trường ĐH Giáo dục).

Thanh thiếu niên ít thời gian ngủ, ít có điều kiện để thực hành các kỹ năng xử lý tình huống, giải quyết vấn đề, kiểm soát cảm xúc trong đời sống thực. Do đó, các em không thể huy động các nguồn trợ giúp khi bế tắc. Bên cạnh đó, nhiều em chịu bạo lực, bắt nạt trên mạng hay học các cách tự hại bản thân, tự sát từ các trang web hướng dẫn tự sát.

Những áp lực xã hội, đặc biệt là áp lực học tập cũng thường được đề cập như một nguy cơ dẫn đến tự sát. Có những học sinh sau khi được cứu đã tâm sự rằng, tự tử là con đường cuối cùng để em phản kháng lại những áp lực kỳ vọng của cha mẹ vào thành tích học tập cũng như lịch học chính, học thêm dày đặc mà cha mẹ dành cho em.

Theo PGS.TS Đặng Hoàng Minh – giảng viên Trường Đại học Giáo dục, tự tử là nguyên nhân gây thương vong thứ 3 trong các loại bệnh tật trên thế giới.

Theo nghiên cứu, khoảng 50% trẻ ở độ tuổi từ 14-15 đang có vấn đề về tâm thần, cũng như khoảng 50% học sinh bỏ học đều liên quan đến vấn đề đó. Vậy nhưng, vấn đề sức khỏe tâm thần chưa được chú trọng, đặc biệt tâm lý thanh thiếu niên tuổi học đường.

Đáng chú ý, tình trạng tự tử ở tuổi vị thành niên đang ngày càng tăng cao nhưng nhiều người chưa biết cách hỗ trợ và can thiệp.

PGS.TS Đặng Hoàng Minh cho biết thêm, ngành giáo dục cần làm tốt hơn nữa công tác tư vấn tâm lý học đường. Bởi học sinh, nhất là ở lứa tuổi vị thành niên, giai đoạn mà sự phát triển về thể chất đã tương đối ổn định, nhưng lại chưa đủ trưởng thành về mặt tâm lý.

Khi các em gặp những vấn đề khó khăn trong cuộc sống, áp lực học tập, sẽ dễ có những suy nghĩ tiêu cực. Vì vậy rất cần có người chia sẻ, hướng dẫn và động viên để các em tìm ra hướng đi, phương pháp học tập tốt nhất.

TIN LIÊN QUAN

‘Game thủ’ bỏ học 3 năm đi xách vữa trở thành thủ khoa đại học

Hoàng Thanh
Từ khóa: PGS.TS Trần Thành Nam Trường ĐH Giáo dục tự tử trẻ vị thành niên trầm cảm