Đa dạng sinh học là gì và tại sao nó quan trọng với chúng ta?

0
3394
§

Chủ đề

Lo xa


Tác giả: Damian Carrington | Nguồn: The Guardian

Biên dịch: Thành Nguyên | Hiệu đính: chez

22/05/2019

Không khí mà chúng ta thở, nước chúng ta uống và thực phẩm chúng ta ăn hoàn toàn phụ thuộc vào đa dạng sinh học, thứ mà giờ đây đang lâm vào thời kỳ khủng hoảng — Tất cả là do chúng ta. Điều này có ý nghĩa gì đối với tương lai của loài người, và liệu ta có thể chấm dứt cuộc khủng hoảng này?

Đa dạng sinh học (biodiversity) là gì?

Là sự đa dạng của sự sống trên Trái Đất, trong mọi hình thái và mọi mối tương tác của nó. Nếu điều đó nghe có vẻ quá bao la, thì bởi vì nó vốn dĩ là vậy. Đa dạng sinh học là đặc điểm phức tạp nhất của hành tinh chúng ta, là đặc điểm thiết yếu nhất. “Không có đa dạng sinh học, nhân loại sẽ không có tương lai,” giáo sư David Macdonald thuộc Đại học Oxford từng phát biểu như vậy.

Thuật ngữ “đa dạng sinh học” chỉ mới ra đời vào năm 1985 — “biodiversity” là một phiên bản rút gọn của cụm từ “biological diversity” — nhưng giờ đây, sự mất mát đa dạng sinh học quy mô toàn cầu rõ ràng đã trở thành một thảm họa nghiêm trọng tương đương hay thậm chí còn hơn cả biến đổi khí hậu.

Nói một cách khoa học, đa dạng sinh học bao gồm nhiều cấp bậc, bắt đầu từ [đa dạng] gen, sau đó là các loài riêng biệt, sau nữa là các quần xã sinh vật, cuối cùng là toàn bộ hệ sinh thái, chẳng hạn như các khu rừng hay các rạn san hô, ở đó đời sống tác động qua lại với nhau trong môi trường vật lý. Những mối tương tác vô tận đã biến Trái Đất thành một nơi có thể sống được trong hàng tỷ năm qua.

Có một cách nhìn mang tính triết học hơn về đa dạng sinh học như sau: nó đại diện cho những kiến thức mà các loài thu nhặt được trong quá trình tiến hóa suốt hàng triệu năm về cách thức tồn tại trong các điều kiện môi trường luôn thay đổi khắp Trái Đất. Với lối nhìn đó, các chuyên gia cảnh báo rằng, nhân loại giờ đây đang “thiêu rụi thư viện sống của chính mình.”

Sâu bọ là nền tảng của nhiều chuỗi thức ăn trong hệ sinh thái hoang dã

Ảnh: British beetles London, Bell and Daldy, 1863

Các chuyên gia cảnh báo rằng, nhân loại giờ đây đang “thiêu rụi thư viện sống của chính mình.”

Động vật và sâu bọ thì liên quan gì đến tôi?

Với nhiều người sống trong thành thị, sinh vật hoang dã thường chỉ là thứ gì đó trên tivi. Nhưng thực ra, không khí mà chúng ta thở, nước chúng ta uống và thực phẩm chúng ta ăn hoàn toàn phụ thuộc vào đa dạng sinh học. Một vài ví dụ rất rõ ràng như sau: nếu không có cây cối thì sẽ không có oxy, và không có loài ong thụ phấn thì chẳng có hoa quả và hạt.

Những ví dụ khác thì khó thấy hơn — các rạn san hô và các đầm lầy ngập mặn bảo vệ các loài sinh vật sống trên bờ biển khỏi lốc xoáy hay sóng thần, còn cây cối có thể hấp thụ các chất ô nhiễm không khí1 trong các vùng đô thị.

Những ví dụ khác thì hơi kỳ quái – rùa vùng nhiệt đới và khỉ nhện dường như chẳng liên quan gì đến việc duy trì một nền khí hậu ổn định. Nhưng những loài cây gỗ cứng, sum sê, vốn là những loài hiệu quả nhất trong việc giảm đi carbon dioxide trong khí quyển, thì lại phụ thuộc vào việc hạt giống của chúng có được phát tán đi nhờ các loài động vật to lớn ăn trái cây trên hay không.

Khi các nhà khoa học khám phá từng hệ sinh thái, họ tìm thấy vô số các mối tương tác như vậy, tất cả được tôi luyện qua hàng triệu năm tiến hóa. Nếu không bị tổn thương, mạng lưới đó sẽ làm nên một hệ thống khỏe mạnh, cân bằng tinh xảo, đóng góp cho một hành tinh khỏe mạnh và bền vững.

Sự phong phú tuyệt vời của đa dạng sinh học cũng mang lại lợi ích cho con người. Từ tự nhiên, ta thu hoạch được nhiều loại thuốc mới, chẳng hạn như một loại nấm mọc trên lông của loài lười có thể chống lại được bệnh ung thư. Các giống hoang dại của các loài động vật và cây trồng thuần hóa cũng rất quan trọng, bởi một số loài đã giải quyết được các thách thức của chúng ta, chẳng hạn như đối phó với hạn hán hay đất nhiễm mặn.

Nếu tiền bạc là thước đo, thì các dịch vụ do các hệ sinh thái cung cấp ước tính có giá trị hàng ngàn tỷ đô-la – gấp đôi GDP của toàn thế giới2. Suy giảm đa dạng sinh học ở riêng Châu Âu đã khiến mỗi năm, lục địa này bị thiệt hại khoảng 3% GDP, tương đương 450 tỉ đồng euro (khoảng 13 triệu tỷ VNĐ).

Đứng trên quan điểm mỹ học, mỗi một loài trong số hàng triệu loài sinh vật đều là độc nhất, một công trình nghệ thuật tự nhiên không thể nào được tái tạo một khi đã mất đi. “Mỗi một sinh vật bậc cao đều chứa nhiều thông tin hơn một bức họa của Caravaggio3, hơn một bản đối âm phức điệu (fugue) của Bach4, và hơn bất cứ một tác phẩm vĩ đại nào khác,” Giáo sư Edward O Wilson5, thường được gọi là cha đẻ của đa dạng sinh học, viết như vậy trong một bài tham luận năm 1985.

  • 75% côn trùng bay đã biến mất trong 25 năm qua ở Đức, theo nghiên cứu gần đây.

    Ảnh: Publicdomainpictures.net

Đứng trên quan điểm mỹ học, mỗi một loài trong số hàng triệu loài sinh vật đều là độc nhất, một công trình nghệ thuật tự nhiên không thể nào được tái tạo một khi đã mất đi.

Đa dạng sinh học đa dạng đến mức nào?

Đa dạng đến mức rối trí. Khía cạnh giản đơn nhất được xem xét ở đây là các loài. Có khoảng 1,7 triệu loài động vật, thực vật và nấm đã được ghi nhận, nhưng thực tế con số vào khoảng 8-9 triệu hay có thể lên đến 100 triệu. Vùng trung tâm của đa dạng sinh học là các vùng nhiệt đới, với bao la các loài khác nhau. 15 hecta rừng Borneo (Indonesia) chẳng hạn, có đến 700 loài cây – tương đương với toàn vùng Bắc Mỹ.

Nghiên cứu gần đây xem xét sự đa dạng ở mức độ gen cho thấy rằng, các sinh vật tưởng như là chung một loài, trong một số trường hợp, có thể lại là hàng chục loài riêng biệt. Lại cộng thêm vi khuẩn và vi rút, số lượng các loài riêng biệt có thể lên đến hàng tỷ. Một thìa đầy đất – và đất là nơi nuôi dưỡng 90% lượng thực phẩm – chứa từ 10.000 đến 50.000 các loại vi khuẩn khác nhau.

Điều đáng quan tâm ở đây là có nhiều loài đang biến mất dần đi trước cả khi chúng ta biết đến chúng hay đến vai trò của chúng trong vòng tuần hoàn đời sống này.

Khủng hoảng đa dạng sinh học tệ như thế nào?

Rất tệ. Các sinh vật được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng nhất là những loài như chúng ta – các loài thú lớn có vú. Ví dụ như số lượng hổ đã giảm đi 97% chỉ trong thế kỷ qua. Tại nhiều nơi, các loài động vật lớn hơn đã hoàn toàn bị con người xóa sổ — có thể nghĩ ngay đến chim Dodo hay Voi ma mút lông xoăn (woolly mammoth).

Tốc độ tuyệt chủng của các loài giờ đây được cho là cao hơn khoảng 1.000 lần so với trước thời con người thống trị hành tinh này, thậm chí còn nhanh hơn cả tốc độ suy giảm loài sau cú va chạm của một thiên thạch khổng lồ vào Trái Đất 65 triệu năm trước. Theo một số nhà khoa học, cuộc đại tuyệt chủng thứ sáu trong lịch sử địa chất đã bắt đầu.

Do thiếu dữ liệu nên Sách Đỏ (Red List) của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (International Union for Conservation of Nature) chỉ đánh giá được cho 5% số loài đã biết. Nhưng ngay cả những nhóm loài được nghiên cứu kỹ lưỡng nhất cũng đang trong tình trạng bị đe dọa: 25% số động vật có vú, 41% số động vật lưỡng cư và 13% số chim chóc.

Sự tuyệt chủng của các loài chỉ đem đến một cái nhìn rõ ràng nhưng hạn hẹp về sự hủy diệt đa dạng sinh học – được định nghĩa bằng sự biến mất của cá thể cuối cùng trong một nhóm mà trước đó ta biết đến với tên gọi là “nhóm hiếm.” Nhưng những nghiên cứu mới đang đo lường sự sụt giảm tổng số các loài động vật còn cho thấy một khốn cảnh của các loài phổ biến nhất trên thế giới.

Kết quả thật đáng sợ. Hàng tỷ quần thể sinh vật đã biến mất trên toàn hành tinh, trong đó số loài động vật sinh sống trên Trái Đất đã giảm đi một nửa kể từ năm 1970. Bỏ đi cái tông giọng điềm tĩnh thường thấy trong các bài báo khoa học, các nhà nghiên cứu gọi sự mất mát to lớn của sinh vật hoang dã là một “sự hủy diệt sinh học,” đại diện cho một “cuộc tấn công đáng sợ mang vẻ ngoài là một nền văn minh.”

  • Hơn một nửa loài sinh vật đại dương hiện đang bị khai thác công nghiệp.

    Ảnh: Unsplash
Tiên đoán về cuộc đại tuyệt chủng thứ sáu

Link hình để xem trên mobile:

http://bit.ly/cuocdaituyetchungthusau

Các nhà nghiên cứu gọi sự mất mát to lớn của sinh vật hoang dã là một “sự hủy diệt sinh học,” đại diện cho một “cuộc tấn công đáng sợ mang vẻ ngoài là một nền văn minh.”

Dưới biển thì sao?

Con người không có mang cá nhưng điều đó cũng chẳng bảo vệ được đời sống đại dương. Tình trạng chẳng tốt lành gì hơn – và thậm chí có lẽ còn chưa được tìm hiểu rõ ràng – ở hai phần ba của hành tinh được bao phủ bằng nước này. Hải sản là nguồn protein quan trọng cho hơn 2.5 tỷ người, nhưng đánh bắt quá mức đã khiến sản lượng giảm đột ngột từ khi đạt đỉnh năm 1996, và giờ đây hơn một nửa đại dương đang bị khai thác công nghiệp.

Sâu bọ thì sao – chẳng phải gián kiểu gì cũng sống?

Hơn 95% số loài đã được biết là các loài không xương sống – chỉ riêng số loài trong họ Cánh cộc thuộc bọ cánh cứng cũng đã ngang bằng với tổng số các loài động vật có xương sống, bao gồm động vật có vú, cá và chim. Tổng cộng, có ít nhất một triệu loài côn trùng và hơn 300.000 loài nhện, động vật thân mềm và giáp xác khác.

Thông tin gần đây cho biết rằng 75% các loài côn trùng bay được đã biến mất trong 25 năm qua tại Đức – và cũng giống như những nơi khác – chỉ ra rằng một vụ thảm sát đa dạng sinh học giờ đây không nên được xem là những lời hù dọa vô hại. Và côn trùng thật sự quan trọng, chẳng những đóng vai trò là loài thụ phấn mà còn là thiên địch của các loài sâu bệnh, là cỗ máy phân hủy chất thải, và thiết yếu nhất, là tầng nền của nhiều chuỗi thức ăn tự nhiên đang gây dựng nên hệ sinh thái.

“Nếu chúng ta để mất côn trùng, thì mọi thứ sẽ đến hồi sụp đổ,” Giáo sư Dave Goulson của Đại học Sussex, Anh Quốc phát biểu. “Chúng ta đang dần tiến về hồi tận thế về mặt sinh thái.”

Ngay cả những loài ký sinh trùng ta thường ghê tởm cũng rất quan trọng. Một phần ba trong số chúng có thể bị biến mất bởi biến đổi khí hậu, khiến chúng nằm trong nhóm các loài bị đe dọa nhất trên Trái Đất. Nhưng các nhà khoa học cảnh báo rằng điều này có thể gây mất ổn định các hệ sinh thái, tạo nên những cuộc xâm lăng không thể đoán trước của các loài ký sinh trùng còn sống sót vào những khu vực mới.

Một thìa đất chứa 10.000 đến 50.000 loại vi khuẩn khác nhau.

Ảnh: Unsplash

Thứ gì đang phá hủy đa dạng sinh học?

Là chúng ta, đặc biệt là khi dân số loài người tăng lên và các khu vực hoang dã bị san bằng để tạo ra đất nông nghiệp, nhà ở và các khu vực công nghiệp. Sự suy giảm rừng thường là giai đoạn đầu tiên, và 30 triệu hecta rừng – ngang bằng diện tích của Anh Quốc và Ireland – đã mất đi chỉ riêng vào năm 2016 trên toàn cầu.

Nạn lâm tặc và săn bắn không bền vững (unsustainable hunting) để kiếm thức ăn là một yếu tố chính khác. Hơn 300 các loài động vật có vú, từ tinh tinh đến hà mã đến dơi, đang bị săn đến mức tuyệt chủng.

Ô nhiễm cũng là một kẻ sát nhân, cá voi sát thủ và cá heo đang bị tổn hại một cách trầm trọng bởi những chất ô nhiễm công nghiệp tồn tại lâu bền.6 Thương mại toàn cầu đóng góp thêm những mối hại khác: động vật lưỡng cư đã bị suy giảm số lượng ở mức nghiêm trọng nhất trong số các loài động vật do một bệnh nấm mốc – căn bệnh được cho là đã lan truyền khắp thế giới qua việc buôn bán thú nuôi. Vận chuyển hàng hóa toàn cầu cũng đã lan truyền các loài ngoại lai xâm lấn nguy hiểm khắp thế giới, đặc biệt là các loài chuột.

Loại môi trường bị ảnh hưởng nặng nề nhất có lẽ là sông hồ, với quần thể các loài nước ngọt sống trong đó đã suy giảm đến 81% kể từ năm 1970, bởi việc khai thác một lượng nước khổng lồ cho nông nghiệp và sinh hoạt, thêm nữa là bởi vấn nạn ô nhiễm và các đập thủy điện7

Bảo vệ đa dạng sinh học có thể giải quyết các vấn đề về dinh dưỡng phổ biến

– một vấn đề cơ bản về nền tảng hệ thống thức ăn của loài người

Link hình để xem trên mobile: http://bit.ly/khoaitaysocolacaphe

Liệu đối với nhân loại, mất đa dạng sinh học có là mối đe dọa ghê gớm hơn cả biến đổi khí hậu?

Đúng – chẳng có gì trên Trái Đất phải trải qua một sự thay đổi quá đột ngột dưới bàn tay con người [như đa dạng sinh học]. Những biến đổi về khí hậu thì có thể đảo ngược, dù phải mất đến hàng thế kỷ hay hàng thiên niên kỷ. Nhưng một khi các loài tuyệt chủng, đặc biệt là những loài mà khoa học chưa biết đến, thì chẳng có cách nào đảo ngược lại điều đó.

Ngay lúc này, chúng ta chẳng biết được liệu hành tinh này có thể chịu được một sự mất mát đa dạng sinh học to lớn đến mức nào mà không dẫn đến sụp đổ sinh thái trên diện rộng. Nhưng chúng ta có thể đánh giá được “những giới hạn của hành tinh,” chính là những ngưỡng mức trong các hệ thống trên Trái Đất để tạo ra được một “không gian hoạt động an toàn cho nhân loại.” Trong chín yếu tố được xem xét, chỉ có mất mát đa dạng sinh học và ô nhiễm nitrogen được đánh giá là đã vượt ngưỡng cho phép, những thứ như nồng độ CO2 trong khí quyển, lượng nước sạch được sử dụng và mát mát tầng ozone vẫn còn nằm trong ngưỡng.

97% động vật trên cạn có xương sống trên thế giới là con người hoặc gia súc,

với chỉ 3% được tính là thật sự hoang dã.

Ảnh: Wikimedia

Chúng ta có thể làm được gì?

Cho tự nhiên những khoảng không gian và sự bảo vệ mà nó cần chính là câu trả lời duy nhất. Các khu bảo tồn thiên nhiên hoang dã là một giải pháp rõ ràng, và thế giới giờ đây đang bảo vệ 15% đất liền và 7% đại dương. Tuy nhiên có người còn yêu cầu rằng một nửa bề mặt đất liền phải được dành riêng cho tự nhiên.

Tuy nhiên, dân số loài người đang tăng lên và các khu bảo tồn thiên nhiên hoang dã chẳng thể được triển khai nếu việc này ngăn trở người bản địa kiếm sống. Nạn săn trộm voi và tê giác ở Châu Phi là một ví dụ cực đoan. Chìa khóa giải quyết vấn đề là phải khiến cho động vật có giá trị khi còn sống hơn là khi đã chết, chẳng hạn như hỗ trợ dịch vụ du lịch hay bồi thường cho những người nông dân có gia súc bị giết bởi các loài săn mồi hoang dã.

Nhưng điều này có thể dẫn đến những lựa chọn khó khăn. “Săn bắn giải trí (Trophy hunting)”8 đối với nhiều người là việc đáng bị nguyền rủa. Nhưng nếu việc săn bắn được thực hiện một cách bền vững – ví dụ như chỉ săn những con sư tử già – và số tiền thu được dùng để bảo vệ một vùng đất rộng lớn, thì liệu việc này có nên được cho phép?

Chúng ta có thể cùng nhau ra tay. Phần lớn đời sống hoang dã bị hủy hoại do đất đai bị san bằng cho chăn nuôi gia súc, trồng trọt đậu nành, dầu cọ, gỗ và da động vật. Phần đông chúng ta tiêu thụ những thứ này hàng ngày, với dầu cọ được tìm thấy trong nhiều loại thức ăn và đồ dùng vệ sinh cá nhân. Chỉ sử dụng những lựa chọn bền vững sẽ có thể cải thiện mọi thứ, như ăn ít thịt lại, cụ thể là thịt bò, thứ mà có một dấu chân môi trường (environmental footprint) quá khổ.

Một cách tiếp cận khác là nhấn mạnh vào giá trị của đa dạng sinh học bằng cách ước tính giá trị tài chính của các dịch vụ hệ sinh thái, được cung cấp dưới dạng “vốn tự nhiên (natural capital).” Đôi khi điều này có thể tạo ra những khoản tiết kiệm thật sự. Trong hai mươi năm qua, New York đã chi 2 tỷ đô la để bảo vệ những lưu vực tự nhiên nhằm cung cấp nước sạch cho thành phố. Việc này đã hoạt động ổn đến mức, 90% nước không cần phải qua hệ thống lọc: trong khi xây dựng một nhà máy xử lý nước sẽ tiêu tốn đến 10 tỷ đô la.

Tiếp theo là gì?

Xác định khi nào thì sự mất mát đa dạng sinh học trở thành sự sụp đổ sinh thái là một ưu tiên hàng đầu. Đa dạng sinh học thì quá bao la, còn những quỹ tài trợ nghiên cứu thì quá hạn hẹp, nhưng tăng tốc quá trình phân tích có thể sẽ hữu ích, từ việc xác định loài một cách tự động nhờ vào học máy (machine learning) đến việc giải trình tự DNA tại chỗ (real-time DNA sequencing).

Thậm chí còn có cả một nỗ lực nhằm tạo ra một bộ dữ liệu gen mã nguồn mở của tất cả các loài thực vật, động vật và sinh vật đơn bào trên cả hành tinh. Người ta tranh luận rằng, bằng cách tạo ra các cơ hội thương mại – chẳng hạn như các thuật toán xe tự lái được truyền cảm hứng từ loài kiến Amazon – bộ dữ liệu này có thể mang đến một động lực nhằm bảo tồn đa dạng sinh học của Trái Đất.

Tuy nhiên, vài nhà nghiên cứu phát biểu rằng, tình trạng thảm khốc của đa dạng sinh học đã quá rõ ràng, cái còn thiếu là ý chí chính trị.

Một hiệp ước toàn cầu, mang tên Công ước về Đa dạng Sinh học (the Convention on Biological Diversity – CBD), đã đặt ra nhiều mục tiêu. Một vài mục tiêu gần như đã đạt được, chẳng hạn như bảo vệ 17% đất liền và 10% đại dương đến năm 2020. Nhưng những mục tiêu khác, như khai thác thủy hải sản bền vững, cũng có mục tiêu cùng năm, thì thất bại. 196 quốc gia thành viên của CBD sẽ gặp lại nhau trong cuộc họp tại Ai Cập vào tháng 11 [năm 2018].

Trong văn bản vào năm 1985, Giáo sư E.O. Wilson, kết luận rằng: “Đây là cái thế giới hữu sinh duy nhất mà chúng ta từng biết đến, hãy cùng nhau khiến nó trở thành phiên bản tốt nhất mà nó có thể trở thành.”9Lời kêu gọi đó đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.


  1. Bụi và CO2 từ hoạt động giao thông và công nghiệp chẳng hạn – N.D.

    Đọc thêm:

    http://vea.gov.vn/vn/truyenthong/tapchimt/nctd42009/Pages/B%C3%A0nv%E1%BB%81x%C3%A3h%E1%BB%99ih%C3%B3aph%C3%A1ttri%E1%BB%83n.aspx.↩

  2. Dịch vụ hệ sinh thái (Ecosystem services) là các lợi ích mà con người có thể khai thác được, phần lớn là miễn phí, từ môi trường tự nhiên.

    Có 04 nhóm dịch vụ chính:

    1/ Dịch vụ cung cấp như thực phẩm và nước;

    2/ Dịch vụ hỗ trợ như hình thành đất và chu trình dinh dưỡng;

    3/ Dịch vụ điều tiết như: điều tiết lũ lụt, hạn hán, chống xói mòn đất và dịch bệnh;

    4/ Dịch vụ du lịch và văn hóa như: giá trị du lịch, giải trí, nghiên cứu, tôn giáo và các lợi ích phi vật chất khác.

    Tham khảo thêm tại https://en.wikipedia.org/wiki/Ecosystem_services.↩

  3. Caravaggio (1571 – 1610): Họa sĩ người Ý.↩

  4. Johann Sebastian Bach (1685 – 1750): Nhạc sỹ người Đức.↩

  5. Edward Osborne Wilson (sinh 1929): Nhà sinh vật học, tự nhiên học người Mỹ. Câu văn được trích từ bài luận The Biological Diversity Crisis (1985) của ông.↩

  6. Nguyên văn trong bản gốc là “long-lived industrial pollutants”, chẳng hạn như các loại chất trong nhóm PCBs – Polychlorinated biphenyls, một nhóm hợp chất rất bền vững, khó phân hủy.↩

  7. Xây dựng các đập thủy điện khiến dòng chảy nói riêng và điều kiện môi trường khu vực đó nói chung bị thay đổi, từ đó khiến các loài sinh vật, cụ thể là các loài thủy sinh, bị tổn hại – ND.↩

  8. Săn bắn giải trí, hay săn cúp, là một trò chơi săn hoang dã với mục đích thỏa mãn giải trí của con người. “Chiếc cúp” (trophy) ở đây là con vật hoặc một phần của con vật được giữ lại – thường được phô bày để thể hiện sự thành công của cuộc săn lùng. Các đối tượng động vật thường săn đón là phái đực trưởng thành và có những bộ phận hình thể ấn tượng, chẳng hạn như sừng hoặc gạc lộng lẫy. Nói chung, chỉ có các bộ phận của động vật được giữ làm chiến lợi phẩm (đầu, da, sừng hoặc gạc) và thân thịt được sử dụng làm thực phẩm hoặc biếu cho cộng đồng địa phương. Đọc thêm tại: https://en.wikipedia.org/wiki/Trophy_hunting.↩

  9. Nguyên văn: This being the only living world we are ever likely to know, let us join to make the most of it.↩