Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản yêu cầu Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) báo cáo sự việc từ chối phục vụ vĩnh viễn 2 ô tô có biển số đăng ký tại TPHCM, vì tài xế được cho là có hành vi gây rối, cản trở giao thông trên cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây.
Ông Huyện cho biết đã nắm được những ồn ào trong dư luận xã hội xung quanh việc này.
“Hành vi của người ta tới đâu xử lý tới đó. VEC E chỉ có quyền từ chối xe quá tải thôi, nếu gây rối trật tự ở đó thì trong quy định chưa có. Thẩm quyền xử lý việc đó là của cơ quan quản lý nhà nước. Chúng tôi yêu cầu họ báo cáo trong ngày mai, từ đó để có cơ sở xử lý vụ việc”- ông Huyện thông tin.
Trả lời câu hỏi của PV Dân trí về việc các quy định pháp luật hiện hành có cho phép VEC E ra văn bản “từ chối phục vụ vĩnh viễn” phương tiện giao thông vi phạm, ông Nguyễn Văn Huyện nhấn mạnh: Không có thẩm quyền cấm lưu thông trên cao tốc, chỉ có thẩm quyền từ chối xe chở quá tải trên đường cao tốc bởi vì đã có quy định.
Nếu VEC E trích dẫn quy định nào đó để bảo lưu quan điểm đang gây phản ứng, “dậy sóng” dư luận, ông Huyện khẳng định “sẽ thu hồi quyết định, văn bản đó”.
Trước đó, 2 ô tô bị từ chối phục vụ vĩnh viễn trên các tuyến cao tốc do Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý, khai thác có biển số 51A-55850 và 51G-77256.
Nguyên nhân được đưa ra là 2 phương tiện này đã vi phạm các quyết định số 13/QĐ-VEC-HĐTV năm 2019 về việc ban hành quy định từ chối phục vụ và phục vụ trở lại đối với các phương tiện vi phạm quy tắc giao thông khi tham gia các đường cao tốc do VEC quản lý, khai thác.
Trao đổi với PV Dân trí, một đại diện khác của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết: “Việc từ chối vĩnh viễn phương tiện của VEC là chưa phù hợp với quy định hiện nay. Về mặt pháp lý, chưa có quy định từ chối vĩnh viễn phương tiện. VEC từ chối phục vụ vĩnh viễn phương tiện vi phạm là không đúng thẩm quyền, việc quy định hành vi từ chối phục vụ phải được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật. Nếu VEC đã ra quyết định thì phải thu hồi lại quyết định.”.
Trao đổi với báo chí, luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn luật sư TPHCM) phân tích, căn cứ duy nhất mà VEC E từ chối phục vụ người dân là theo Quyết định 13/QĐ-VEC-HĐTV. Tuy nhiên đây là quy định nội bộ của một tổ chức kinh tế, không phải là quy định pháp luật. Mọi quy định nội bộ trái với pháp luật đều không có giá trị, nếu gây thiệt hại cho người khác thì phải bồi thường.
Luật sư Hưng cho rằng, VEC là một công ty được giao quản lý và khai thác đường cao tốc, không có nghĩa xem đường cao tốc là sở hữu của mình. Đường hình thành từ ngân sách và thu lại để bù vào ngân sách đều có nguồn gốc từ tiền thuế của dân; hết thời hạn thu phí, đường là của nhà nước, của nhân dân. Chính vì thế nên VEC không có quyền từ chối phục vụ mà là nghĩa vụ phải phục vụ nhân dân. VEC không thể tự tạo ra luật để cấm đoán người dân.
Riêng đối với hành vi của chủ các phương tiện bị VEC từ chối phục vụ là sai, cần xử lý, dựa trên tính chất, mức độ của hành vi: nhẹ thì phạt hành chính, bồi thường dân sự; nặng thì truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngày 10/2, Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) đã thông tin về các sự cố làm tuyến cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây ùn ứ kéo dài khoảng 6km. VEC E đã cho đóng nhánh A tại quốc lộ 51 (hướng từ Phan Thiết, Vũng Tàu, Biên Hòa lên cao tốc về TPHCM) lúc 18h và mở lại lúc 19h cùng ngày để thực hiện cứu hộ.
Chiều tối cùng ngày, 2 xe ôtô 51A-55… và 51G-77 vi phạm quy tắc giao thông khi tham gia trên tuyến đường cao tốc, vì vậy VEC E đã thông báo từ chối phục vụ vĩnh viễn đối với 2 xe ôtô này trên tất cả các tuyến đường cao tốc do VEC quản lý, khai thác. Tuy nhiên, việc từ chối vĩnh viên 2 phương tiện nói trên đã gặp phải phản ứng dữ dội từ dư luận.
Được biết, hiện nay VEC đang quản lý, khai thác 4 tuyến đường cao tốc (Cầu Giẽ – Ninh Bình, Nội Bài – Lào Cai, Đà Nẵng – Quảng Ngãi, và TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây).
Thế Kha – Như Quỳnh