![]() |
Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Cao Bằng Đồng Thị Kiều Oanh báo cáo tại hội nghị |
Bộ Nội vụ vừa tổ chức hội nghị thẩm định Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Báo cáo về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2019 – 2021, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Cao Bằng Đồng Thị Kiều Oanh cho biết, tỉnh Cao Bằng có 13 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện (12 huyện và 1 thành phố). Số lượng ĐVHC cấp huyện có 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% theo quy định là 3 ĐVHC. Số lượng ĐVHC cấp xã có 199 ĐVHC (177 xã; 8 phường và 14 thị trấn). Số lượng ĐVHC cấp xã có 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số đều chưa đạt 50% theo quy định là 52 xã.
Do đó, tỉnh Cao Bằng sẽ thực hiện sắp xếp 6 huyện; trong đó, số lượng ĐVHC cấp huyện thực hiện sắp xếp do có 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% theo quy định là 3 huyện (Trà Lĩnh, Phục Hòa, Thông Nông).
Số lượng ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp do có 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% theo quy định là 52 xã; thực hiện sắp xếp theo diện khuyến khích là 5 xã, thị trấn.
Như vậy, sau khi tiến hành sắp xếp, tỉnh Cao Bằng giảm 3 huyện (còn 9 huyện và 1 thành phố) và 38 xã (còn 8 phường; 14 thị trấn và 139 xã).
Giám đốc Sở Nội vụ cũng cho biết, tổng số cán bộ, công chức cấp huyện có liên quan đến phương án sắp xếp là 691 người thuộc 6 ĐVHC cấp huyện và 1.533 người thuộc 76 ĐVHC cấp xã.
Về giải pháp bố trí đội ngũ cán bộ, công chức giai đoạn 2019 – 2025 đối với cấp huyện, tỉnh Cao Bằng sẽ giải quyết chế độ nghỉ hưu theo quy định là 71 người; dự kiến bố trí làm việc tại 3 huyện là 270 người.
Như vậy, số cán bộ, công chức dôi dư tại 6 huyện là 350 người. Tỉnh Cao Bằng sẽ giải quyết nghỉ chế độ tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP; điều động công chức sang các ĐVHC cấp huyện hoặc cơ quan chuyên môn cấp tỉnh; điều động giữ các chức danh chủ chốt cấp xã.
Đối với cán bộ, công chức cấp xã, tỉnh Cao Bằng sẽ sắp xếp, bố trí ở 38 ĐVHC cấp xã mới là 1.171 người. Số cán bộ, công chức cấp xã dôi dư trong giai đoạn 2020-2025 là 362 người. Tỉnh sẽ giải quyết chế độ nghỉ hưu theo quy định; điều động công chức sang các ĐVHC cấp xã lân cận trong huyện, trong tỉnh; luân chuyển cán bộ chuyên trách sang công chức xã đơn vị còn thiếu biên chế…
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Phan Trung Tuấn cho rằng, tỉnh Cao Bằng giải trình rõ trong Đề án lý do không nhập nguyên trạng mà chỉ nhập một phần của một số xã. Trong đó, đáng lưu ý là xã Đức Long trước khi điều chỉnh một phần về thị trấn Nước Hai vẫn chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định.
Sau khi nhập 2 xã vẫn chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định mà không tiến hành sắp xếp thêm xã thứ ba (trong đó có một số xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn dân số) thì trong Đề án chủ yếu lý giải về yếu tố địa hình và lý giải hầu như trùng lặp nhau ở các xã, đều chung một yếu tố “địa hình chia cắt mạnh, dân cư sống rải rác, cơ sở hạ tầng còn thiếu và yếu, giao thông đi lại khó khăn”, đề nghị UBND tỉnh Cao Bằng chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện để tăng tính thuyết phục của phương án và hồ sơ Đề án.
Đặc biệt với phương án sắp xếp tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức dôi dư, trong Đề án đã có phương án cụ thể, chi tiết và lộ trình thực hiện. Tuy nhiên, về mốc thời gian thực hiện, ông Phan Trung Tuấn đề nghị thực hiện theo đúng quy định tại Nghị quyết số 653 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là trong vòng 5 năm, chậm nhất đến năm 2024.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn đề nghị UBND tỉnh Cao Bằng tiếp thu ý kiến Hội đồng thẩm định, chỉnh sửa, bổ sung, giải trình theo yêu cầu.
Thứ trưởng nhấn mạnh việc triển khai thực hiện sau khi có nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là rất khó, nhất là việc sắp xếp, bố trí đối với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư, do đó, cần phải có phương án rõ ràng, có lộ trình cụ thể.
Hội đồng thẩm định nhất trí thông qua Đề án của tỉnh Cao Bằng và yêu cầu tiếp thu, hoàn thiện Đề án trước khi trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.