Cách đây không lâu, nhiều chương trình về bolore tràn ngập trên các kênh sóng truyền hình nhưng thời gian gần đây lại đang thưa vắng dần. Bạn nghĩ sao về hiện tượng này?
Thực ra, điều đó cũng đã được cảnh báo từ rất lâu rồi và nhiều người đã phát biểu về điều này rất thẳng thắn. Cái gì mà bị lạm dụng nhiều quá sẽ dẫn đến việc thoái trào cũng nhanh.
Phải nói thêm rằng, bolero là âm nhạc của đời sống chứ không phải là một xu hướng mới xuất hiện. Nhiều năm trước đây, khi chưa có sự bùng nổ đến ngỡ ngàng trên truyền hình thì bolero vẫn sống rất tốt trong lòng khán giả, nhất là khu vực phía Nam. Nhưng việc các nhà sản xuất chương trình truyền hình đẩy dòng nhạc này lên quá mức khiến cho bolero bị nhìn nhận sai lệch đi.
Tôi nghĩ rằng, âm nhạc sẽ có từng giai đoạn, từng thời kỳ. Những cái gì đã gắn bó với đời sống người dân thì sẽ vẫn luôn tồn tại. Còn thể loại âm nhạc hiện tại mà chúng ta luôn nghĩ rằng có sự đổi mới, có sự định hướng theo dòng chảy, luôn cập nhật những xu hướng mới của thế giới thì đó là sự bắt chước.
Rõ ràng chúng ta đi sau quá nhiều nên chúng ta chỉ học hỏi thôi chứ để gọi là sáng tạo thực sự thì rất mông lung. Sáng tạo nghệ thuật là phải có sự kết hợp, sự giao hòa giữa Việt Nam và âm nhạc thế giới. Nó phải có chính chúng ta ở trong đó.
Phải chăng vì thế mà thị trường âm nhạc Việt Nam nhiều năm qua tưởng chừng như có nhiều sự mới mẻ nhưng lại loanh quanh luẩn quẩn với những điều đã biết?
Nhìn đi nhìn lại thì chúng ta cần phải có thời gian. Âm nhạc của Việt Nam chúng ta còn đi sau cả Mỹ hẳn hàng trăm năm. Họ đã có một quãng thời gian khá dài để hình thành nên nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác nhau, trong đó có âm nhạc.
Bản thân thể loại nhạc nhẹ ở Trung Quốc cũng rất phát triển và cũng có màu sắc rất riêng. Ở Việt Nam, dòng nhạc nhẹ chưa có được nét riêng vì chúng ta đang bắt chước theo cái hay, cái lạ của thế giới chứ chưa phát triển từ những gì chúng ta có.
Tại sao ở dòng nhạc bolero lại có những bài hát tồn tại rất lâu vì về cơ bản nó có những nét rất đặc trưng của Việt Nam nên gần gũi với đời sống. Còn những bài hát thời thượng, sáng tác chớp nhoáng… thì chỉ vụt sáng thoáng chốc rồi lụi tàn ngay. Đó là lí do vì sao cho đến bây giờ bolero vẫn sống được và ca sĩ theo đuổi dòng nhạc này vẫn sống tốt.
Vì những lí do đó mà âm nhạc Việt Nam nhiều năm qua vẫn chưa có một “tượng đài âm nhạc” nào đúng nghĩa?
Tôi nghĩ dùng từ “tượng đài” thì hơi lớn lao nhưng những cái tên bảo chứng khi nói về tài năng trong âm nhạc thì chúng ta có. Chẳng hạn, trong lĩnh vực sáng tác, nhiều người vẫn xem nghệ sĩ Đàm Linh là bậc thầy đã có công đào tạo ra nhiều nhạc sĩ nổi danh khác, trong đó có nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng.
Có thể nói, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng hiện đang là nhạc sĩ hàng đầu ở Việt Nam trong âm nhạc giao hưởng thính phòng và các thể loại âm nhạc giao thoa. Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng đối với nhiều người trẻ không khác gì một “tượng đài” âm nhạc.
Trong mỗi lĩnh vực chúng ta sẽ nhìn nhận hình tượng “tượng đài” theo một cách nhìn khác nhau. Chẳng hạn, trong dòng nhạc bolero cũng có những nghệ sĩ nổi danh từ rất sớm và sau rất nhiều thời gian khán giả vẫn xem họ là thần tượng.
Và tôi nhớ không nhầm, mới đây, bản thân diva Mỹ Linh cũng chia sẻ trên trang cá nhân là chị ấy xem diva Thanh Lam là một thần tượng, là đàn chị đáng ngưỡng mộ. Câu chuyện đó cũng giống như một hình ảnh để mình nói theo, hướng đến…
Trong mắt bạn, thế hệ ca sĩ – nhạc sĩ 8x trở về sau có ai xứng đáng là “hiện tượng âm nhạc”?
Tôi nghĩ là có, có một số người phát triển khả năng âm nhạc của họ rất tốt và được giới chuyên môn đánh giá cao nhưng họ lại đột ngột chuyển hướng. Tôi cảm thấy tiếc cho những người như thế vì họ đang được đà và đang có nhiều sản phẩm âm nhạc chất lượng thì lại xoay qua hướng khác.
Thời gian vừa qua, Dương Cầm nổi lên với nhiều phát biểu khá thẳng thắn về Miu Lê, Khắc Hưng… Bạn có nghĩ là “thẳng thắn” thường đi liền với “thua thiệt”?
Tôi vốn dĩ chưa bao giờ quan tâm đến chuyện người khác có thích mình hay không hoặc nghĩ gì về mình. Tôi nghĩ, mình có quan điểm về việc đó như thế nào thì sẽ bày tỏ như thế.
Tôi cũng chưa thấy mình bị thua thiệt gì cả mà sau những câu chuyện đó tôi vẫn nhận được sự ưu ái của các anh chị nghệ sĩ. Đặc biệt, nhiều ngôi sao vẫn tin tưởng và đặt lời hợp tác với tôi.
Chỉ có điều, thỉnh thoảng tôi lại nhận được một số lời đe dọa rất ghê rợn. Nhưng tôi cũng không lấy đó làm phiền bởi cuộc sống thì mình vẫn phải sống, vẫn phải làm việc.
Tất nhiên, sau khi có một số lời đe dọa thì mỗi khi ra đường mình phải cẩn thận hơn thôi. Tôi nghĩ là sẽ đến một lúc nào đó mọi người sẽ nhìn nhận những điều đó một cách thấu đáo hơn. Thực ra, những lời tôi đã chia sẻ chỉ là một cách góp ý và trên tinh thần muốn mọi thứ tốt đẹp hơn.
Cuộc sống của bạn như thế nào khi vừa lập gia đình trong một thời gian ngắn đã làm bố của hai cậu nhóc?
Việc đã có gia đình và trở thành ông bố của hai con đưa tôi vào guồng làm việc khoa học hơn trước. Ngày xưa, các sự kiện diễn ra trước 10h sáng là không bao giờ tôi có thể tham dự được nhưng các sự kiện gần đây diễn ra buổi sáng tôi đều có mặt cực chuẩn giờ. Đó là một sự nỗ lực vô cùng lớn đối với tôi.
Sở dĩ như vậy vì buổi sáng cậu lớn sẽ dậy đi học từ lúc 8h kém và nó tạo thành thói quen khiến tôi phải dậy sớm.
Nói chung là từ khi có hai cậu nhóc, nhịp sóng của tôi thay đổi rất nhiều. Tôi ít đi chơi ở ngoài và thích ở nhà chơi với con hơn. Tôi nghĩ, thời gian này con còn quá bé, con chưa thể đi ra ngoài giao lưu được với bạn bè nên mình tranh thủ ở nhà chơi với con như một người bạn.
Thời gian dành cho con nhiều như thế thì thời gian đâu để bạn sáng tạo âm nhạc?
Thì cũng phải cân đối thôi, ai có con nhỏ cũng vậy mà. Thời gian bố làm nhạc thì con cũng sẽ cùng bố chơi cùng âm nhạc. Mình đánh đàn thì con lại đánh trống bên cạnh. Nghĩa là trong không gian đó con có thể chơi mà mình vẫn làm việc được. Tất nhiên, thời gian dành cho âm nhạc cũng sẽ ít đi chứ không thể nhiều như trước.
Việc đẻ liền hai cậu nhóc là nằm trong kế hoạch và cũng dự tính là sẽ không thuê giúp việc mà cùng nhau chăm các con. Vì thế, người thiệt thòi ở đây không phải là tôi mà là bà xã. Bà xã từ hồi sinh cậu lớn là không đi làm nữa mà ở nhà giúp tôi điều phối công việc.
Phải chăng vì thế mà Dương Cầm nổi tiếng về độ chiều chuộng vợ con?
Tôi nghĩ đó cũng là chuyện bình thường thôi. Tôi hoạt động nghệ thuật nhưng lại không phải là người lãng mạn, bay bổng… nên khi nào tranh thủ được thời gian hoặc cảm thấy mệt mỏi vì công việc thì cả nhà lại cùng nhau đi đâu đó mấy ngày. Với lại, bà xã hy sinh nhiều cho mấy bố con nên có chiều theo ý cô ấy một chút cũng là để bù đắp cho những gì cô ấy đã chịu đựng.
Cảm ơn bạn đã chia sẻ thông tin.
Hà Tùng Long