Nhìn cảnh bé gái mới 12 tuổi không được đi học, phải ở nhà làm nương rẫy, học may vá để chuẩn bị lấy chồng, ai cũng xót xa đến rơi nước mắt.
Mồ côi cha, mẹ sang Trung Quốc làm thuê không thấy về
Theo báo Gia Đình & Xã Hội, cô bé đáng thương trong câu chuyện này tên Ly Thị Dính, 12 tuổi, đang học lớp 6B, Trường THCS nội trú Sủng Là (xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang). Em là người dân tộc Mông, có gương mặt xinh xắn, học khá và rất chịu khó.
Bé Dính có một em trai học lớp 3 ở Trường tiểu học Sủng Là. Bố mất sớm nên hiện tại Dính sống cùng ông nội ruột và bà nội kế.
Ông nội Dính có hai vợ, mỗi bà sinh được một người con trai. Khi con trai bà nội cả – là bố của Dính – chết, theo tục “nối dây” của người Mông nên ông nội bắt mẹ Dính phải lấy người chú mới 24 tuổi, là con của bà nội kế.
Tục “nối dây” của người Mông có ý nghĩa coi con dâu là con cái trong nhà, không muốn dâu đi lấy chồng nhà khác sau khi chồng chết vì sợ các cháu sẽ khổ. Vì vậy mới “nối dây” cho người chú ruột để bù đắp lại tổn thương vì cha mất sớm.
Sau khi mẹ Dính “nối dây”, bà nội kế nói con trai bà năm nay có hạn, vì thế bố dượng của Dính chỉ làm thuê gần nhà. Còn mẹ Dính phải vượt biên sang làm thuê bên Trung Quốc luôn, lâu rồi chưa thấy về.
Không được đi học vì ở nhà kiếm tiền chuẩn bị lấy chồng
Từ lúc khai giảng năm học tới giờ, Dính không đi học nên các cô giáo rất lo lắng. Cô Phạm Thị Huyền, giáo viên chủ nhiệm lớp 6B cùng cô Vừ Thị Kía, Phó hiệu trưởng tìm đến nhà Dính để thuyết phục gia đình cho em đi học. Trước đó, cô Huyền từng đến nhà vận động nhiều lần nhưng đều thất bại.
Khi đến nhà, đập vào mắt các cô là cảnh Dính đang lúi húi bên bếp lửa rang bột ngô làm mèn mén. Ngước lên chào cô bằng ánh mắt cay sè vì khói, Dính lộ rõ vẻ buồn bã, tủi thân.
Các cô giáo gặp bà nội kế của Dính và ngỏ ý xin cho em được đi học. Tuy nhiên, bà nhất định không nghe và dọa nếu hai cháu đòi đi học, bà sẽ bỏ đi và không nuôi hai cháu nữa. Bà còn nói con gái học xong cũng chẳng để làm gì, ở nhà làm rẫy phụ giúp gia đình là tốt nhất.
Ở đây con gái khoảng 13 tuổi là bắt đầu học may áo váy, lo kiếm tiền để lấy chồng rồi. Biết Dính muốn được đi học, bà nội kế chửi mắng không tiếc lời ngay trước mặt các cô.
May thay, lúc đó có bố dượng của Dính và anh con rể của bà về. Người con rể phân tích những lợi ích của việc đi học như biết chữ, biết kiến thức và học được nhiều thứ hơn là làm rẫy.
Hơn nữa các bé đi học cũng không mất tiền và được nhà nước hỗ trợ đầy đủ. Nghe vậy, bố dượng của Dính đồng ý cho bé đi học. Bà nội kế thấy thế cũng đành hứa theo là cho hai cháu đi học.
Sáng hôm sau, cô giáo mừng rỡ vô cùng khi thấy Dính đến trường từ sớm. Dính cho biết sau khi các cô ra về, bà nội kế đã mắng em cả đêm vì “tội đòi đi học”.
Hành trình đi học khó khăn, thiếu thốn trăm bề
Trao đổi với PV Gia Đình & Xã Hội, cô Phạm Thị Huyền, giáo viên chủ nhiệm của Dính cho biết hoàn cảnh của em rất khó khăn, thiếu thốn.
Cô bé phải lê đôi chân nứt nẻ không tất trên dốc đá tai mèo trơn trượt, phong phanh áo mỏng để đến được trường học. Chiều xuống, Dính lại tất tả chạy về nhà để làm đủ các công việc nặng như cõng ngô, xách nước…
“Bây giờ có thể bà đồng ý cho Dính đi học nhưng vài bữa nữa mùa đông tới, mưa phùn gió buốt đi lại không an toàn, dễ đau ốm, Tết lại nhiều việc nên rất có thể bà sẽ lại bắt bé ở nhà làm việc”, cô giáo nghẹn ngào nói.