Sự thật về tác dụng của collagen đối với làn da, mái tóc và xương

0
1494

Những viên uống bổ sung collagen được nhiều người coi như “thuốc tiên” có tác dụng chống nếp nhăn và tốt cho tóc, móng. Nhưng collagen có thực sự hiệu quả, hay đây đơn giản chỉ là sự thổi phồng quá mức?

Collagen là gì?

Đây là một trong những loại protein có nhiều nhất trong cơ thể (chiếm 25%), là thành phần chính cấu tạo nên da, mái tóc và móng tay bạn. Do vậy, hiển nhiên nó chiếm một vị trí quan trọng trong thế giới sắc đẹp.

Collagen có bản chất là polypeptid, tức là bao gồm nhiều amino acid liên kết với nhau, chúng hiện diện ở mọi mô liên kết, sụn, xương và làn da. Chức năng của nó là kết nối các mô trong cơ thể với nhau, đặc biệt đóng vai trò quan trọng trong việc làm các vết thương mau lành.

“Cơ thể bạn cần collagen, nhưng là do tự bạn tạo ra, vì vậy hầu hết chúng ta không thực sự cần thêm bột collagen vào món ăn hoặc dùng thực phẩm chức năng”, theo Nicole Osinga, một chuyên gia dinh dưỡng. Vậy mọi lời tán dương xung quanh collagen đều là thổi phồng.

Ứng dụng trong y học

Trong ngành y, collagen là thành phần trong các chất liệu dùng cầm máu khi mổ xẻ, dùng để sửa và khâu vết mổ, dùng làm da nhân tạo trị bỏng, dùng tiêm vào da sửa sẹo. Collagen còn được dùng trong ngành dược thông qua chất gelatin mà nó phân giải tạo thành, dùng tạo vỏ nang đựng thuốc (thường gọi là viên nang hay viên nhộng).

Thông thường collagen được lấy từ da heo hoặc bò. Đặc biệt, nếu lấy từ da bò (từ bò mới sinh) phải thông qua kiểm tra chất lượng rất gắt gao để phòng ngừa bệnh bò điên (BSE: bovine spongiform encephalopathy) lây nhiễm cho người.

Ứng dụng làm đẹp – thần dược có thể “cải lão hoàn đồng”?

Collagen được nhiều phụ nữ ưu dùng vì mục đích làm đẹp

Khi người càng lớn tuổi, lượng collagen được cơ thể tổng hợp ít dần đi khiến tuổi càng cao thì da càng khô và nhăn dần. Từ đó, nhiều người nghĩ đơn giản “nếu thiếu thì bù” và cho rằng nếu uống chế phẩm collagen hoặc dùng mỹ phẩm chứa collagen bôi lên da sẽ cho làn da tươi mịn, săn chắc.

Tuy nhiên, nếu uống hay bôi collagen thì chắc chắn sẽ không có tác dụng “thần kỳ” như mong muốn đâu. Bởi vì uống collagen thì không khác ăn thịt, cá vì cơ thể không hấp thụ nguyên vẹn collagen mà sẽ tiêu hóa ở dạ dày – ruột tạo các axít amin và các axít amin có được cơ thể tổng hợp tạo thành collagen ở da giúp trẻ hóa da mặt thì cho tới nay chưa có chứng cứ khoa học xác nhận.

Còn dùng collagen bôi lên da mặt, việc hấp thu collagen nguyên chất chắc chắn là không xảy ra, nếu có đóng vai trò nào đó cho da thì collagen chỉ có tác dụng giữ ẩm (tức giúp giữ nước ở da) giúp da không bị khô, thế thôi.

Hiện nay cũng vẫn chưa có nghiên cứu xác nhận bất kỳ tác dụng thần kỳ nào của collagen khi bôi lên da mặt.

Lời khuyên của thầy thuốc

Nếu điều kiện kinh tế cho phép muốn dùng thêm collagen cũng được (chỉ uống chứ tuyệt đối không tiêm chích), nhưng không nên xem đó là “thần dược” mà quên đi các các biện pháp có lợi cho sức khỏe. Đó là: nên ăn uống đầy đủ và cân bằng dưỡng chất (nên ăn nhiều trái cây rau củ), tập thể dục đều đặn, nghỉ ngơi, ngủ đầy đủ, sống lạc quan, tâm lý thoải mái, tránh phiền muộn lo âu.

Bạn cần tránh gì trong thực phẩm chức năng bổ sung collagen

Mặc dù một số sản phẩm bổ sung collagen có chứa vitamin C và acid hyaluronic để tối ưu hóa hiệu quả, cùng với đó vẫn có một số thành phần bạn nên tránh, như CoQ10, glucosamine, và arginine.

Mặc dù bản thân những chất này đều có lợi cho sức khỏe, nhưng lại ít có giá trị đối với mục đích thúc đẩy sản xuất collagen, đồng thời làm tăng giá thành cho sản phẩm.

Bạn cũng không nên mua các sản phẩm có maltodextrin, đường, dầu hay các thành phần nhân tạo, vì chúng thực sự không cần thiết.

Hoàng Kỳ (T/h)

Xem thêm:

  • 5 nguồn collagen tự nhiên giúp bạn có làn da sáng bóng và trẻ trung
  • Bí quyết làn da đầy sức sống của phụ nữ Nhật khiến phụ nữ trẻ đẹp dù đã tuổi 50
  • Những câu chuyện vô cùng kỳ lạ xảy ra trong đời của cựu tiếp viên hàng không

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.