Năm 2015, tính riêng ở Mỹ đã có 20 trẻ sơ sinh bị chết vì nắng nóng. Ở New York hồi tháng 9 đã có một đợt nóng kỷ lục chưa từng có trong vòng 96 năm. Một bản hòa nhạc vang lên tại trung tâm kinh tế và văn hóa của thế giới, mang theo câu hỏi khắc khoải: “Liệu đến bao giờ những đứa con hư hỏng mới ngừng tàn phá người mẹ Trái Đất?“
Biến đổi khí hậu đã trở thành một chủ đề tranh luận không ngớt – người dân phàn nàn trước thời tiết nóng lạnh thất thường, liên hợp quốc thảo luận về môi trường hết cuộc họp này đến cuộc họp khác, các nhà khoa học liên tục công bố thành quả nghiên cứu đáng báo động, thậm chí số ít đã bướng bỉnh phủ nhận ảnh hưởng từ khí thải của con người tới nhiệt độ hành tinh. Còn Vladislav Boguinia có một cách hoàn toàn khác để thể hiện tấm lòng của một người nghệ sĩ dành cho tự nhiên: âm nhạc.
Nhìn vào hàng chồng số liệu thể hiện sự biến đổi của Cacbonic trong tầng khí quyển, và những biểu đồ nhiệt độ Trái đất, nội tâm nhà soạn nhạc trẻ Vladislav chợt vang lên tiếng vọng của tự nhiên, những giai điệu vừa tuyệt vời, vừa ám ảnh. Bạn có thể nghĩ rằng trí tưởng tượng của Vladislav thật phong phú, nhưng không! Những nốt nhạc thật sự được tạo ra từ các con số.
Sử dụng lý thuyết về thang âm và những quãng tám, Valdislav khám phá ra rằng, mật độ Cacbonic trong bầu khí quyển có thể được chuyển thành những nốt nhạc. Ví dụ như, vào năm 1900, con số này là 295,7 ppm (đơn vị đo mật độ), và nó có thể chuyển thành các cao độ (Re, La, Fa) tạo nên âm giai Re thứ. Điều trùng hợp là, khi Valdislav thử tạo ra âm thanh với một sóng hình Sin tần số 295,7 Hz, anh cũng nhận được một nốt Re tương tự. Người nghệ sĩ trẻ chợt nhận ra: bản hòa nhạc của tự nhiên vẫn luôn vang lên không bao giờ dứt…
Cao, mảnh khảnh, với một vẻ nghiêm trang đặc biệt, Vladislav kể về hành trình tìm kiếm cảm hứng của mình trước khi buổi hòa nhạc “Cho một Trái đất bền vững” diễn ra tại New York. Người nghệ sĩ đã tìm kiếm các dữ liệu thời tiết của Cơ quan Nghiên cứu khí tượng thủy văn Mỹ (NOAA) cùng Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), rồi thổi hồn cho những con số khô khan đó.
Anh trai của Vladislav, Yuri Boguinia, cũng xuất hiện cùng em trong buổi phỏng vấn. Là một nhà soạn nhạc, nhạc công Violin, Yuri góp phần quan trọng trong việc đưa buổi hòa nhạc “Cho một Trái đất bền vững” tới nhà hát “Symphony Space” danh tiếng. Từng tham gia biểu diễn trong những dàn nhạc giao hưởng và nhóm nhạc nổi tiếng, Yuri kể về sự gắn bó với Vladislav: họ vừa là anh em, vừa là cộng sự, vừa là hai nhà soạn nhạc.
Sinh ra tại Stavropol, phía Nam nước Nga, hai anh em nhà Boguinia tới Mỹ vào năm 2000, khi Vladislav 8 tuổi và Yuri 9 tuổi. Trong suốt buổi phỏng vấn, họ thể hiện sự hòa hợp và ăn ý đến tuyệt vời. Người nọ tiếp nối câu chuyện của người kia một cách tự nhiên và hào hứng. Họ sáng tác những tác phẩm soạn nhạc riêng, nhưng luôn chia sẻ cùng nhau ý tưởng và sáng kiến.
Tác phẩm nổi bật nhất trong buổi hòa nhạc “Cho một Trái đất bền vững” là “Rise” (Tạm dịch: Tăng vọt). Để sáng tác bản nhạc này, Vladislav đã sử dụng một phong cách giống với thần tượng âm nhạc của mình – Johann Sebastian Bach, người đã thể hiện đức tin mạnh mẽ khi đề tựa cho rất nhiều tác phẩm của ông dòng chữ “Soli Deo gloria” (Chỉ dành sự huy hoàng cho Chúa). Nhưng “Rise không sao chép lại Bach, mà là một điều gì đó gợi nhớ đến phong cách của ông,” Vladislav chia sẻ.
Mỗi nốt nhạc vang lên trong “Rise” đều là một số liệu mật độ khí Cacbonic của Trái Đất, mỗi thanh âm xướng lên trong “Rise” đều là nhiệt độ trung bình của hành tinh, kéo dài 115 năm, từ 1900 tới 2015. Vladislav giải thích: “Bạn sẽ thấy tần suất âm thanh cứ tăng lên, với mỗi một giây là biểu hiện của một tháng.” Khoảng 10 phút sau khi bắt đầu, khán giả sẽ cảm nhận thấy một điều gì đó bất ổn đang vang vọng, đó chính là những năm 60 của thế kỷ trước.
“Khi mật độ khí Cacbonic tăng lên, âm nhạc trở nên méo mó và bất hòa, cho thấy sự thiếu cân bằng của Trái Đất.”
– Vladislav Boguinia
Cũng có những khoảnh khắc, người nghe được trở lại với một điều gì đó lắng dịu, như thể mật độ Cacbonic và nhiệt độ của Trái Đất đã được điều tiết ổn thỏa, nhưng rồi chỉ ngay sau đó, khán giả lại rơi vào vực sâu mâu thuẫn bất hòa.
Thật ra, “Rise không bao giờ kết thúc, khi thời gian trôi qua, chúng ta lại nhận được dữ liệu mới,” Vladislav chia sẻ, “Toàn nhân loại có thể ảnh hưởng tới tác phẩm này, chúng ta có muốn nó tiếp tục tăng vọt lên, chát chúa hơn, hỗn loạn hơn, méo mó hơn hay không, điều đó tùy thuộc vào chính bạn.“
“Toàn nhân loại có thể ảnh hưởng tới tác phẩm này … điều đó tùy thuộc vào chính chúng ta.”
– Vladislav Boguinia
Đằng sau các nhạc công là màn hình biểu hiện sự nóng dần lên của Trái Đất, hãy cùng suy ngẫm với tác phẩm hòa nhạc “Rise“
Quang Minh
Xem thêm:
- Trồng cây dưới biển, dự án viển vông trở thành hiện thực (Video)
- Những loài vật độc đáo bên bờ tuyệt chủng có thể bạn chưa biết
- Thuốc kháng sinh đang ngập tràn trong các tuyến sông ở Trung Quốc