Chứng khoán châu Á đỏ lửa

0
1413

Chỉ số Nikkei 225 tại thị trường Nhật Bản đến giữa phiên sáng nay giảm 5,8%, nới rộng so với mức giảm gần 5% đầu giờ. Chỉ số Topix cũng mất 5,82%.

Hang Seng Index của Hong Kong hiện giảm gần 4%. Trong khi đó, các thị trường chính của Trung Quốc cùng chìm trong sắc đỏ, với các chỉ số thành phần trên sàn Thượng Hải và Thâm Quyến mất trên 2%. Tại Hàn Quốc, Kospi cũng giảm gần 4%, tăng biên độ hơn 1% so với khi mở cửa.

Chứng khoán Australia cũng không nằm ngoài xu hướng chung, khi S&P/ASX 200 giảm gần 6%. Trong khi đó, Straits Times Index của thị trường Singapore hiện mất hơn 3%.

Diễn biến các chỉ số chính của chứng khoán châu Á sáng nay (9/3). Ảnh: Bloomberg

Diễn biến các chỉ số chính của chứng khoán châu Á sáng nay (9/3). Ảnh: Bloomberg

Hợp đồng tương lai các chỉ số chứng khoán Mỹ cũng chứng kiến sự sụt giảm mạnh. DJIA tương lai giảm 1.066 điểm, đồng nghĩa chỉ số này có thể mất hơn 1.000 điểm khi mở cửa tối nay. Hợp đồng tương lai S&P 500 và Nasdaq-100 cũng chìm trong sắc đỏ.

Dòng tiền của giới đầu tư đang tìm cách rời khỏi thị trường chứng khoán và tìm đến những tài sản mang tính trú ẩn an toàn. Lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có thời điểm giảm xuống dưới 0,5%, trước khi phục hồi lên 0,521%. Lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 30 năm cũng xác lập mức thấp kỷ lục 0,974%, lần đầu tiên trong lịch sử xuống dưới 1%.

Yen Nhật – tài sản an toàn được ưa chuộng – hiện giao dịch ở mức 103,8 yen đổi 1 USD, tăng mạnh so với cuối tuần trước. Trong khi đó, giá vàng đã vượt 1.700 USD mỗi ounce – mức cao nhất từ cuối năm 2012. Giá kim loại quý liên tục lập đỉnh trong thời gian gần đây, khi giới đầu tư lo ngại về Covid-19 ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế, cộng thêm hiệu ứng mới từ đà giảm của giá dầu.

Trên thị trường dầu thô, giá Brent trên sàn London sáng nay giảm tới 21,16%, xuống 35,69 USD một thùng. Trong khi đó, dầu thô Mỹ WTI cũng mất 21,08% về 32,58 USD. Đà giảm khiến cả hai loại dầu có mức giảm ngày mạnh thứ nhì trong lịch sử, chỉ sau mức hơn 30% tháng 1/1991.

Dầu thô lao dốc sau khi Saudi Arabia hạ giá bán chính thức (OSP) với các sản phẩm thêm 6 – 8 USD một thùng và công bố kế hoạch tăng sản xuất mạnh tay, châm ngòi cho cuộc chiến giá. Thứ sáu tuần trước, OPEC và Nga thất bại trong việc thống nhất giảm thêm sản lượng để cứu giá dầu, trong bối cảnh chịu tác động của Covid-19.

Minh Sơn