Mạng xã hội nước ngoài vào Việt Nam làm ăn phải làm Việt Nam thịnh vượng

0
1472

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng sáng nay, ĐB Tô Thị Bích Châu (TP.HCM) đề nghị có giải pháp xây dựng thương hiệu Việt Nam thực sự hiệu quả để ngăn chặn tin xấu độc.

ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) hỏi: “Đến lúc nào mạng xã hội trong nước đủ mạnh để có thể thay thế được mạng xã hội nước ngoài?”.

ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp)

Mạng xã hội Việt Nam không đặt mục tiêu thay thế Facebook, Google

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Kinh tế số mà không làm chủ không gian mạng thì rất khó nói mức độ tự chủ nền kinh tế”.

Ông kể khi mới nhậm chức Bộ trưởng 15 ngày, ông đã quyết định là thành lập tổ công tác hỗ trợ phát triển mạng xã hội Việt Nam.

“Đây là hành động đầu tiên của tôi”, Bộ trưởng chia sẻ.

Tư lệnh ngành TT&TT cũng cho biết, Việt Nam có thuận lợi là có rất nhiều công ty công nghệ thông tin và có công nghiệp phần mềm đứng thứ 6 thế giới.

Thời điểm Bộ trưởng nhậm chức, các mạng xã hội Việt Nam có gần 50 triệu người dùng. Sau 1 năm, hiện nay, mạng xã hội Việt Nam có 65 triệu người dùng, tăng 30%, trong đó có 2 mạng xã hội lớn, 8 mạng xã hội nhỏ, mỗi mạng xã hội có khoảng 1 triệu người dùng. Nếu tiếp tục đẩy mạnh cộng với sự hỗ trợ của người dân ưu tiên dùng hàng Việt Nam, đến năm 2020, mạng xã hội Việt Nam có 90 triệu người dùng.

Mục tiêu chúng ta đặt ra cũng tương đương với các mạng xã hội nước ngoài như Facebook, Google có khoảng 80 triệu, nếu cộng với Twitter, Instagram khoảng 90 triệu người dùng.

Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng:Bây giờ chúng ta nghĩ gì, nói gì, thậm chí yêu ai, mua gì đều nằm trên mạng xã hội

“Bây giờ chúng ta nghĩ gì, nói gì, thậm chí yêu ai, mua gì đều nằm trên mạng xã hội. Điều gì sẽ xảy ra nếu tất cả các thông tin đó nằm trên một mạng xã hội? Có nghĩa rằng não người Việt Nam tập trung vào một chỗ mà ở chỗ đấy hiện nay không nằm ở Việt Nam. Rồi sau này người ta sẽ dùng vào việc gì? Bây giờ mới dùng vào quảng cáo. Điều này rất nguy hiểm đến an ninh quốc gia”, Bộ trưởng lưu ý.

Vì vậy, nếu có 1 không gian mạng của người Việt, mỗi người đều dùng nhiều mạng xã hội, không tập trung 100% vào đâu cả mà phân tán dữ liệu ra sẽ tạo sự an toàn.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng khẳng định: “Chúng ta không đặt mục tiêu thay thế mạng xã hội nước ngoài, mỗi mạng xã hội có chức năng riêng, không gian riêng, khách hàng riêng”.

Theo ông, đất nước mở phải mời gọi mọi người vào đây làm ăn, thậm chí Thủ tướng còn đi động viên kêu gọi đầu tư nước ngoài.

Chúng ta chỉ có mỗi một điều kiện là, ai vào đây làm ăn cũng được, càng nhiều càng tốt nhưng phải tuân thủ luật pháp Việt Nam.

“Vào đây làm ăn thịnh vượng nhưng phải làm cho Việt Nam thịnh vượng chứ không thể vào đây mà DN thịnh vượng còn làm cho dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam lụn bại đi”, người đứng đầu ngành TT&TT nhấn mạnh.

Gỡ, hạ 46 trang mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước

ĐB Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội) lo lắng, gần đây, tình hình phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng ta xảy ra nhiều và phức tạp hơn về đối tượng, độc hại hơn về nội dung, đa dạng hơn về phương thức và tinh vi hơn về thủ đoạn.

“Đề nghị Bộ trưởng cho biết khó khăn, yếu kém của ngành và trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc tìm giải pháp mới mạnh hơn, sát hơn để ngăn chặn kịp thời tình hình trên”, ĐB chất vấn.

ĐB Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội)

Bộ trưởng TT&TT cho hay, vừa rồi Bộ đã xử lý rất nhiều các trang web mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

“Đến một ngày đẹp trời, các trang đấy sau khi lấy niềm tin của người đọc, đưa những thông tin trong tình huống khẩn cấp thì rất nguy hiểm”, ông cảnh báo.

Vừa qua, Bộ đã phối hợp, có hẳn lực lượng để giải quyết vấn đề này. Trong 2 tháng, Bộ đã làm rất mạnh tay và gỡ, hạ 207 website mạo danh. Có trang là website thì ngăn chặn, còn trang trên nền tảng mạng xã hội thì phối hợp ngăn chặn.

“Trong số đó có 46 trang là có tên các lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Bộ TT&TT sắp tới sẽ làm việc với các lãnh đạo, thành viên Chính phủ, Quốc hội, lãnh đạo các địa phương, bộ ngành về vấn đề này”, ông cho hay.

Ai cũng đeo mặt nạ, không hiểu xã hội có được như ngày hôm qua

ĐB Trương Thị Yến Linh cũng nêu tình trạng nhiều người lợi dụng đưa các thông tin lên mạng xã hội không đúng sự thật, nói xấu, xuyên tạc, lôi kéo, kích động gây hậu quả xấu.

“Bộ trưởng nói là thời gian tới sẽ đưa vào trường học giáo dục sớm cho học sinh. Vậy trước mắt, Bộ trưởng có những khuyến cáo gì để giúp cho người dân nhận biết đâu là những thông tin sai lệch và có những giải pháp gì để ngăn chặn những thông tin giả mạo?”, ĐB chất vấn.

Trả lời, Bộ trưởng TT&TT cho rằng, giáo dục là biện pháp căn cơ để mỗi người dân mà có khả năng phân biệt trên không gian mạng tin xấu, tin tốt; có khả năng phản biện, đấu tranh với các thông tin tiêu cực.

“Trước đây chỉ có một nguồn thông tin, chúng ta tin gần như vô điều kiện thông tin do Nhà nước đưa ra. Bây giờ hàng triệu tin trên không gian mạng, ai cũng có thể đưa thông tin trên không gian mạng. Vì vậy, mỗi cá nhân con người phải có kỹ năng sống trên không gian mạng”, Bộ trưởng nhấn mạnh, làm như vậy, tự nhiên cái xấu không tồn tại.

Trả lời câu hỏi của nhiều ĐB sau đó cũng liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng TT&TT cho hay, sắp tới luật An ninh mạng yêu cầu rất nghiêm ngặt các nhà mạng xã hội phải cung cấp danh tính các tài khoản.

Việc này cũng giống như dùng mạng điện thoại, khi cơ quan điều tra vào có thể nắm được danh tính.

Nếu có việc này thì chính những người đưa thông tin giả sẽ phải dừng tay, phải rất thận trọng. Còn như bây giờ, mọi người vẫn tin một điều rằng, ai muốn nói gì cũng được, không ai tìm ra thì thật sự xã hội có vấn đề.

“Hôm qua, tôi nói chuyện với thầy Quyết (ĐB Thích Thanh Quyết) rằng “nếu như ngày mai, tất cả chúng ta đều đeo mặt nạ thì không hiểu xã hội có được như ngày hôm qua. Không gian mạng cũng vậy”, Bộ trưởng Hùng nói.

Thu Hằng – Hồng Nhì – Trần Thường/VNN

Ảnh: Minh Đạt – Video: VTV

TIN LIÊN QUAN

Bộ TT&TT: Các mạng xã hội phải công khai danh tính người dùng