12 cách để ‘xử lý’ nỗi cô đơn

0
3320

Stephanie Cacioppo – PGS, tiến sĩ tâm thần học và khoa học thần kinh hành vi tại Đại học Chicago là người chuyên nghiên cứu về sự cô đơn và nhận thức xã hội. Theo vị chuyên gia này, cô đơn là sự khác biệt giữa những gì bạn có và muốn có từ các mối quan hệ của mình.

Nhiều người nhầm lẫn giữa hai trạng thái cô đơn và cô lập. Cô đơn là khi đứng giữa đám đông người ta vẫn thấy lạc lõng. Ảnh: Shuttlestock.

Nhiều người nhầm lẫn giữa hai trạng thái “cô đơn” và “cô lập”. Cô đơn là khi đứng giữa đám đông người ta vẫn thấy lạc lõng. Ảnh: Shuttlestock.

Để đối phó với cảm giác này, không thể chỉ đơn giản đứng giữa đám đông bởi đôi khi ở giữa nhiều người bạn vẫn thấy mình lạc lõng.

Dưới đây là những điều bạn có thể làm để cảm thấy bớt cô đơn, tự tin hơn và kết nối hơn với người khác.

1. Thừa nhận

Bước đầu tiên cần làm là đối mặt với thực tế. Hầu hết mọi người cố phủ nhận việc họ đang cô đơn mà chỉ cho rằng họ lo lắng hoặc chán nản. Tại sao? “Bởi vì có rất nhiều sự kỳ thị về cô đơn”, Ami Rokach, Tiến sĩ, nhà tâm lý học lâm sàng tại Đại học York, cho biết.

Nhiều người xấu hổ khi thừa nhận họ cô đơn vì cho rằng nó giống như bị cô lập hoặc lập dị. Tuy nhiên, chối bỏ sự cô đơn đồng nghĩa với việc mất cơ hội để đấu tranh với nó.

2. Nhắc nhở bản thân không chỉ mình thấy cô đơn

“Chúng ta không đơn độc trong nỗi cô đơn”, Rokach nói. Tuy nhiên, không nhất thiết phải cô đơn vì những người khác cũng vậy. Thay vào đó, đây là cơ hội tuyệt vời để nhớ rằng, giống như bất kỳ ai khác, bạn có sức mạnh để thoát khỏi tình huống này.

3. Suy nghĩ thực tế

Mặc dù có những việc bạn có thể làm để giúp bản thân bớt cô đơn, nhưng không phải lúc nào cũng có kết quả. “Đôi khi bạn sẽ không thành công”, Rokach nói. Mọi người không muốn kết nối với bạn, họ quá bận rộn hoặc cuối cùng bạn vẫn cảm thấy cô đơn.

Những khoảnh khắc đó sẽ rất khó khăn, nhưng điều quan trọng là phải kiên trì. Nếu bắt đầu giải quyết nỗi cô đơn của mình với nhận thức đây là trò chơi có lúc thắng, lúc thua, bạn sẽ không nhanh chóng từ bỏ.

4. Đừng từ chối hoặc giữ khoảng cách

Cảm giác xấu hổ và tự ti thường đi kèm với sự cô đơn, phản ứng phổ biến là khiến bản thân nghĩ rằng bạn không thực sự cần bất cứ ai, mọi thứ sẽ tốt hơn và bạn sẽ tự làm tốt.

Tuy nhiên, phản ứng này sẽ gây hại cho sức khỏe tinh thần và thể chất. Mọi người cần nhau và mọi người cần cảm thấy được yêu thương. Vì vậy, ngay khi bạn muốn “gắn nhãn” cho sự cô đơn, hãy thử làm điều gì đó để ngăn chặn nó.

5. Viết ra những kỷ niệm vui

Chỉ cần dành 15 phút mỗi ngày để ghi lại những khoảnh khắc đặc biệt mà bạn đã có với bạn bè và gia đình là đủ để vượt qua cảm giác tiêu cực. Quá trình này sẽ nhắc nhở bạn không cô đơn, và những ký ức tốt đẹp chắc chắn sẽ cải thiện tâm trạng của bạn.

6. Mỉm cười

Cacioppo khuyên bạn nên nhắm mắt lại và nghĩ về lần cuối cùng bạn khiến ai đó cười hoặc vui vẻ, sau đó để cơ thể làm phần còn lại.

Chỉ cần nghĩ đến lúc đang tếu táo, nụ cười sẽ tự động nở trên khuôn mặt bạn. Mỉm cười là động tác khơi dậy tất cả những chất dẫn truyền thần kinh tốt trong não và khiến bạn hạnh phúc hơn so với chỉ vài giây trước. Hãy giữ cảm giác đó bằng cách dựa vào thứ khiến bạn cảm thấy thực sự dễ chịu, chẳng hạn như đọc cuốn sách yêu thích hoặc chạy bộ.

7. Ghi lại tất cả những điều cảm thấy biết ơn

Khi cô đơn, bạn sẽ vùi bản thân trong suy nghĩ của mình. Để thoát khỏi đó, hãy viết ra một vài điều bạn thấy biết ơn hay trân trọng như bạn đang có một công việc, một mái nhà và những người thân yêu. Cách này sẽ giúp chuyển suy nghĩ sang những người mà bạn quan tâm và các yếu tố tích cực trong cuộc sống của bạn.

8. Làm tình nguyện viên

Cacioppo nói: “Bản thân cô đơn không nguy hiểm. Nguy hiểm ở những gì chúng ta làm với nó và cách chúng ta vượt qua nó có thể tổn hại sức khỏe thể chất và tinh thần”. Để chắc chắn bạn đang để sự cô đơn dẫn đến điều đúng đắn, hãy cân nhắc đăng ký làm tình nguyện.

Dành một ngày để làm việc với người già hoặc giúp đỡ mọi người sẽ thỏa mãn mong muốn cảm thấy là người có ích. Ngoài ra, thời gian bạn dành để làm quen với những người bạn mới sẽ giúp bạn có được sự thân mật và kết nối mà bạn mong muốn.

9. Nuôi thú cưng, hoặc dành thời gian với người khác

Tương tác với động vật có khả năng giải phóng dopamine trong não. Đây là một chất dẫn truyền thần kinh dẫn đến cảm giác vui vẻ và hạnh phúc. Hơn thế nữa, các hoạt động ngoài trời như dắt chó đi dạo cũng là cơ hội để bắt đầu cuộc trò chuyện với những người nuôi thú cưng khác và thậm chí có thể giúp kết bạn.

10. Tham gia một câu lạc bộ hoặc một lớp học

Tương tác với những người có chung sở thích sẽ tạo cơ hội tốt hơn để hình thành các kết nối có ý nghĩa. Đó là điều mà những người cô đơn thường bỏ lỡ trong cuộc sống.

11. Đi dạo

Nó khiến cơ thể bạn chuyển động, giải tỏa tâm trí và thậm chí còn mang đến cơ hội gặp gỡ mọi người. Ngay cả khi bạn không tương tác với bất kỳ ai, các nghiên cứu cho thấy đi bộ có ảnh hưởng đáng kể đến tâm trạng. Chỉ vài phút bên ngoài có thể ngăn tâm trạng trở nên tồi tệ hơn và giúp chống lại cảm giác sợ hãi mà sự cô đơn mang lại.

12. Biến cô đơn thành đơn độc

Mặc dù nghe có vẻ giống nhau, nhưng đơn độc lại khác bởi vì đó là một sự lựa chọn, Rokach giải thích. Bạn để sự cô đơn choán hết tâm trí hoặc biến cô đơn thành đơn độc bằng cách dành thời gian một mình làm điều gì đó có ý nghĩa và yêu thích.

Sự cô đơn có thể biến mất một lúc để bạn có cơ hội thoát ra.

Ánh Dương(Theo Women’s Health)