Trung Quốc hôm qua cho biết 1.716 y bác sĩ nước này nhiễm virus corona, chiếm 3,8% tổng số ca mắc bệnh trên toàn quốc. Chủ yếu trong số này là các nhân viên y tế tỉnh Hồ Bắc, riêng thành phố Vũ Hán đã chiếm tới 1.102 người. 6 nhân viên y tế nhiễm bệnh đã tử vong.
Nhân viên y tế tại một bệnh viện ở Vũ Hán ngày 25/1. Ảnh: AFP. |
Tháng 5/2003, khi dịch SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng) gần bị dập tắt, giới chức cho biết 963 y bác sĩ bị nhiễm trong tổng số 5.309 ca bệnh được xác nhận trên toàn cầu. Số ca nhiễm SARS ở Trung Quốc đại lục cuối cùng tăng lên 5.237 người, trong đó 349 người tử vong.
Tại Hong Kong, 386 y bác sĩ nhiễm SARS, 8 trường hợp tử vong. Tổng cộng thành phố ghi nhận 1.755 ca nhiễm và 299 ca tử vong.
Theo một bài luận của các nhà khoa học từ WHO và hai viện khác trên Tạp chí Truyền nhiễm và Y tế Công cộng, MERS (hội chứng hô hấp Trung Đông) đã khiến 415 y bác sĩ nhiễm bệnh trong số 2.223 ca nhiễm được xác nhận từ tháng 9/2012 đến tháng 6/2018.
Thái Hạo Đông, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm từ bệnh viện Địa Đàn Bắc Kinh, cho biết số y bác sĩ nhiễm Covid-19 cao hơn nhiều so với dịch SARS và MERS vì có nhiều bệnh nhân ban đầu nhập viện mà không có triệu chứng rõ ràng. Nhiều y bác sĩ bị nhiễm vào tháng một, khi chính quyền vẫn khẳng định có rất ít trường hợp lây từ người sang người.
“Kẻ thù ở trong bóng tối. Y bác sĩ có thể đã thiếu cảnh giác khi bệnh nhân không có bất kỳ triệu chứng nào”, bà Thái nói.
Hoàng Triệu Lâm, phó giám đốc bệnh viện Kim Ngân Đàm Vũ Hán, người có bài viết đăng trên tạp chí Lancet về các triệu chứng lâm sàng của Covid-19, bắt đầu xuất hiện các triệu chứng vào ngày 17/1 và được xác nhận nhiễm nCoV 5 ngày sau.
Ông Hoàng cho rằng ông đã bị lây từ hai bệnh nhân không có triệu chứng khi gặp họ vào ngày 10/1. Ban đầu, ông nghĩ mình chỉ bị cảm lạnh và tiếp tục làm việc tại bệnh viện, thậm chí còn tiếp các chuyên gia đến từ Bắc Kinh và tổ chức một cuộc họp báo vào ngày 19/1. Ngày 20/1, Trung Quốc thừa nhận virus lây từ người sang người.
Tình trạng thiếu quần áo bảo hộ và khẩu trang cũng đặt ra rủi ro cao cho nhân viên y tế. Một số y bác sĩ ở Hồ Bắc phải tự bỏ tiền túi để mua, nhờ vả bạn bè hoặc dựa vào hàng ủng hộ từ những nơi khác ở Trung Quốc và nước ngoài. Các y tá trẻ tuổi được chỉ định chăm sóc cho các trường hợp nghiêm trọng hơn vì nếu không may nhiễm virus, họ có nhiều khả năng phục hồi hơn so với các đồng nghiệp lớn tuổi.
Hơn 1.700 nhân viên y tế nhiễm là “con số lớn”, giáo sư Joseph Lau Tak-fai của Trường Y tế Công cộng và Chăm sóc Ban đầu thuộc Đại học Trung văn Hong Kong, nói.
Ông cho rằng trong giai đoạn đầu của dịch, nhiều bệnh nhân không biểu hiện triệu chứng và các bác sĩ không nhận thức được họ mắc bệnh truyền nhiễm. “Ở giai đoạn hai, mặc dù y bác sĩ đã nhận thức được việc virus lây từ người sang người, họ vẫn phải ra tiền tuyến dù không có đủ đồ bảo hộ”.
“Cái giá phải trả quá cao”, bà Thái nói.
Lượng lớn y bác sĩ nhiễm virus cũng làm tăng nguy cơ lây nhiễm chéo trong bệnh viện. “Khi các bác sĩ bị nhiễm bệnh, họ có thể lây cho bệnh nhân không nhiễm nCoV”, bà Thái nói thêm.
WHO cũng khẳng định việc lây nhiễm chéo trong bệnh viện là vấn đề đáng lo ngại. “Điều quan trọng là các nhân viên y tế có thể tự bảo vệ mình trước dịch bệnh. Lây chéo tại bệnh viện là mối lo ngại với tất cả quốc gia đối phó Covid-19”, WHO viết trên Twitter.
Phương Vũ (Theo SCMP)