Những tình nhân ‘ngủ cùng’ nhau qua video chat

0
1453

Kaci Alvarez, sinh viên báo chí 20 tuổi sống ở Ontario, Canada có thói quen xem YouTube trước khi ngủ. Khi nghe một số video, đặc biệt giọng nói của Ryan Klepacs, cô thấy bớt căng thẳng. Hai năm trước, cả hai tình cờ gặp nhau và nhanh chóng hẹn hò, dù sống cách nhau vài giờ ôtô.

Một tối, Alvarez đi ngủ và Klepacs cũng làm vậy, mà không kết thúc cuộc gọi. Khi tỉnh dậy, video chat của họ vẫn đang chạy. Họ tìm thấy sự thoải mái đến nỗi từ đó ngủ với nhau bằng cách này. Dù sống ở hai thành phố khác nhau, họ vẫn như một cặp vợ chồng. Những giấc ngủ cùng ảo giúp họ duy trì sự thân mật.

Công nghệ đã giúp các đôi yêu xa thêm gắn kết hơn. Ảnh: Theatlantic.

Công nghệ đã giúp các đôi yêu xa thêm gắn kết. Ảnh: Theatlantic.

Các đôi yêu xa sử dụng cách này vì nhiều lý do, từ thực dụng đến lãng mạn. Đơn cử nó giúp xác nhận sự chung thủy. “Anh ấy không thể lừa dối tôi trong khi tôi đang xem cuộc trò chuyện”, Krissy Celess, một rapper 24 tuổi ở Miami, còn bạn trai cô sống gần nhưng hay đi công tác.

Hay đơn giản, ngủ cùng qua màn hình là một thói quen. Một số người nói họ không thể ngủ khi mà không có người yêu ở đầu dây kia. Khi Kaci Alvarez về thăm nhà, nơi wifi hạn chế, cô và bạn trai duy trì dữ liệu bằng cách không bật video chat ban ngày, mà dành để ngủ với nhau ban đêm. “Đó là điều bắt buộc với chúng tôi”, Alvarez nói.

Sự thiếu đụng chạm cơ thể có thể khiến các cuộc gọi video ít thân mật hơn so với khi ngủ cùng giường nhưng nó mang đến sự thân mật kiểu khác: Một người có thể ngủ chung giường với tình một đêm, nhưng sẽ không bao giờ ngủ với người lạ qua FaceTime.

Hầu hết những đôi áp dụng cách này đều nhấn mạnh họ cảm nhận được sự hiện diện của người yêu. Rachel Griffin, nhân viên bảo vệ 22 tuổi ở Florida, nói việc trò chuyện thâu đêm với bạn trai giúp cô vượt qua những đêm ở phòng trọ một mình. “Tôi không cảm thấy cô đơn. Tôi thức dậy vào giữa đêm và biết anh ấy ở đó”, cô nói.

Cảm giác gần gũi này đặc biệt mạnh với các cặp vợ chồng ở xa. Như Pia, 20 tuổi, làm việc tại một bệnh viện động vật ở Florida, thì việc gọi video suốt đêm với chồng giúp cô yên tâm. “Anh ấy luôn ở đó”, cô nói về chồng, một giám định viên đất đai ở New Jersey.

Ngủ qua videochat có thể rất giống với việc nằm chung một chiếc giường. Có những người nghe được tiếng ngáy của người kia, hay tiếng báo thức từ đầu máy kia cũng đủ đánh thức họ dậy.

Nhưng cũng có những hạn chế khác của công nghệ, như tốn kém gói dữ liệu, pin. Max Edgington, 25 tuổi, sống một thị trấn phía bắc Canada, đã không mua wifi nhiều tháng nay, mà đặt điện thoại ở bậu cửa sổ, có thể cho phép anh vừa đủ truy cập mạng công cộng. Song thi thoảng anh bị mất kết nối.

Jeff Hancock, giáo sư truyền thông Stanford và người sáng lập phòng thí nghiệm truyền thông xã hội của trường cho biết, ngủ qua video là một cách thức thể hiện sự chung thuỷ. Nó “báo hiệu rằng tôi sẽ dành thời gian, sức lực và công nghệ của mình để ở bên bạn”, ông nói. Mặc dù một màn hình không thể mang lại hơi ấm như hai cơ thể cạnh nhau, sức mạnh của sự tận tâm giúp duy trì mối quan hệ.

Đây là tiến bộ trong công nghệ truyền thông. Từ những lá thư, đến tin nhắn, cuộc gọi điện thoại tới các cuộc gọi video, việc tăng thân mật cho các đôi yêu xa đã trở nên dễ dàng hơn.

Nhưng một số đôi nhấn mạnh rằng, việc ở gần nhau vẫn hơn là ngủ cùng qua mạng ảo. Đôi tình nhân Klepacs và Alvarez gần đây đã thu hẹp khoảng cách và không còn cần phải dựa vào công nghệ mỗi đêm. “Khi chúng tôi ngủ chung giường, điều đó rất tuyệt. Mỗi sáng trở nên đẹp hơn”, Klepacs nói.

Dù vậy, ngủ qua màn hình vẫn mang đến những trải nghiệm đẹp. Tim McArthur, nhà quay phim 21 tuổi ở Colorado cho biết khi ngủ qua video với bạn gái cũ, anh nghe thấy hơi thở của cô và những âm thanh xào xạc trong căn phòng yên tĩnh. Anh hiểu cô rất rõ, có những lúc cô gặp ác mộng và những lúc khác khi âm thanh êm đềm, chầm chậm, anh biết cô đang say ngủ…

Bảo Nhiên (Theo Theatlantic)