Mùa giải tại Việt Nam chưa bắt đầu nên TP HCM và Quảng Ninh chưa “nóng máy”. Đó là một cách giải thích có phần hợp lý, cho kết quả kém ấn tượng ở lượt ra quân giải AFC Cup của hai CLB đứng trong top 3 V-League mùa trước. Nhưng thực tế trên sân chỉ ra rằng khả năng chiến thắng của các đại diện Việt Nam là hầu như không có.
Công Phượng (phải) tranh chấp bóng với cầu thủ của Yangon United. Ảnh: AFC. |
TP HCM cầm bóng 57%, sút cầu môn 15 lần nhưng chỉ ba lần đưa bóng hướng mục tiêu. Các con số này kém xa so với đội chủ nhà Yangon United, khi chỉ sút tám lần thì đã đưa bóng đi đúng hướng cầu môn bốn lần và ghi hai bàn. Như vậy, đội bóng được đánh giá cao hơn, trên thực tế đã thi đấu đúng với nhận định ấy, thậm chí còn mở tỷ số, nhưng hiệu quả thì không tương xứng. Điều được nói nhiều nhất sau trận là bàn thắng của Công Phượng, người được mượn về sau thời gian dài ngồi dự bị ở Bỉ. Nhưng, chính vì Công Phượng ghi bàn, càng thấy rõ chất lượng đội hình của TP HCM là không ổn.
Với Quảng Ninh, thất bại càng dễ hiểu khi bị mất người từ quá sớm. Và lỗi ấy, lại đến từ một tình huống thô bạo như vẫn thấy ở V-League. Thua thiệt về quân số trong khi trình độ không cao hơn, thất bại của Quảng Ninh là không bất ngờ. Nhưng, việc mở được tỷ số mà không có phương án phòng thủ hiệu quả, rồi để thua đậm, có thể nói là sản phẩm của sự thiếu kinh nghiệm.
Việc các CLB Việt Nam không thành công trên đấu trường quốc tế, dù chỉ là giải hạng hai ở cấp châu Á như AFC Cup chẳng phải là chuyện gì nghiêm trọng. Bởi từ trước đến nay, ngoài Hà Nội (2019) và Bình Dương (2009), sự có mặt của các đội bóng Việt Nam gần như mặc định sẽ khó “làm nên cơm cháo”. Nhưng ở góc độ rộng hơn, các kết quả không tốt của CLB TP HCM và Quảng Ninh lại cho thấy những điểm yếu nghiêm trọng của nền bóng đá nước nhà. Hơn thế, kết hợp với thất bại ở vòng chung kết U23 châu Á hồi tháng 1, thì đã xuất hiện những dấu hiệu đáng lo ngại. Cả hai thành công của Hà Nội và Bình Dương đều gắn liền với sự thăng hoa mà đội tuyển quốc gia tạo ra trong năm liền kề trước đó, nhưng sau niềm vui ngắn ngủi, là thất vọng triền miên. Lần này chưa chắc đã khác hơn khi mà về bản chất, bóng đá Việt Nam hầu như không có thay đổi nào so với những “vết xe đổ” trước đó.
Lấy trường hợp của TP HCM. Về lý thuyết, họ là đội bóng mạnh thứ nhì của bóng đá Việt Nam. Lực lượng hiện nay không tồi, có ít nhất năm cầu thủ đang và từng khoác áo đội tuyển, còn HLV là chuyên gia hàng đầu của bóng đá Hàn Quốc. Nhưng TP HCM để thua Buriram United (Thái Lan) ở vòng play-off AFC Champions League rồi bị Yangon United cầm hòa. Xét về kết quả, nó cho thấy bóng đá Việt Nam chưa vượt khỏi trình độ Đông Nam Á. Trận thua của Quảng Ninh càng củng cố thêm nhận định đó.
Nếu so sánh với các thành tích của đội tuyển quốc gia dưới thời HLV Park Hang-seo, với những suy nghĩ tin rằng bóng đá Việt Nam đang vươn đến một đẳng cấp châu lục, thậm chí là mơ đến chiếc vé dự World Cup thì các thất bại của những CLB nói trên có vẻ bất hợp lý. Nhưng kỳ thực, nó lại liên quan mật thiết với nhau.
Sự tiến bộ của bóng đá Việt Nam là không thể phủ nhận, nhưng các thành tích trong năm 2018-2019 dường như mang tính thời điểm hơn là một quá trình. Nó là sự thăng hoa của một thế hệ đặc biệt, sự xuất hiện đúng lúc của nhà cầm quân giàu kinh nghiệm, diễn ra trong thời gian mà bóng đá Đông Nam Á, đặc biệt là Thái Lan, gặp khủng khoảng vì các vấn đề nội bộ thượng tầng quản lý. Cũng cần phải thừa nhận, để thế hệ cầu thủ dưới tay HLV Park Hang-seo tỏa sáng đúng lúc – đúng chỗ, còn phải nhắc đến khoảng thời gian năm năm mà V-League bị can thiệp quá mạnh, giảm số lượng ngoại binh, tăng cơ hội cho các cầu thủ trẻ được trải nghiệm sớm trong môi trường khắc nghiệt.
Nhưng cái gì cũng có hai mặt. Bóng đá Việt Nam đạt được các tiến bộ không nhỏ trong tiến trình thay đổi đẳng cấp nhưng khi cần tiến thêm một bước nữa, vươn đến một trình độ có thể chơi bóng theo cách áp đặt thế trận trước các đối thủ ngang tầm, hoặc tung hết sức để giành một chiến thắng theo ý đồ, thì từ đội tuyển cho đến cấp CLB đều không làm được.
Vấn đề nằm ở hệ thống thi đấu nội địa. Năm ngoái, Hà Nội chơi tốt ở AFC Cup đơn giản vì các nội binh của họ đều là tuyển thủ quốc gia, đã trải qua năm 2018 chơi bóng quốc tế liên tục tầm châu Á, thêm vào đó là ngoại binh chất lượng cao. Nhưng năm nay, TP HCM và Quảng Ninh đều bộc lộ rõ sự non nớt khi bước ra sân chơi quốc tế, nơi mà họ phải gặp các đối thủ xa lạ. Khi ấy bản lĩnh thi đấu được đề cao, khả năng giải quyết tình huống cụ thể trên sân mới là mấu chốt. Muốn có được những phẩm chất đó thì ngay từ các trận đấu tại V-League, cầu thủ Việt Nam phải va chạm nhiều hơn với ngoại binh, các CLB phải được phép tuyển cầu thủ ngoại để gia tăng sức mạnh và tham gia nhiều hơn vào cuộc đua vô địch một cách sòng phẳng.
Ở đâu cũng vậy, các cầu thủ trẻ, do CLB tự đào tạo, luôn cần có cơ hội ra sân nhiều hơn. Nhưng nếu ủng hộ hạn chế ngoại binh một cách quá đà, cực đoan để lấy “đất” cho cầu thủ trẻ thì đó chỉ là một giải pháp ngắn hạn, triệt tiêu khả năng trui rèn bản lĩnh “thi đấu với Tây” của các cầu thủ.
Từ các trận vòng loại World Cup, đến U23 châu Á và bây giờ là AFC Cup, đã cho thấy: Chúng ta có tốt, nhưng chưa đủ phẩm chất để “ngồi mâm trên”.
Song Việt