Hôm 30/1, Mitsibushi cho biết không có lý do gì để tin rằng hãng đã gian lận và là nghi can trong một cuộc điều tra ở Đức. Trong một thông báo, hãng này cho biết không động cơ nào mà họ sản xuất và sử dụng trên các mẫu xe có gắn “thiết bị gian lận”. Thương hiệu xe Nhật nói thêm, rằng dòng động cơ dầu 1,6 lít thuộc diện bị điều tra, gồm cả hệ thống kiểm soát, do tập đoàn PSA của Pháp chế tạo.
Một đại diện của PSA khẳng định, rằng họ là nhà sản xuất của loại động cơ bị nghi vấn, và động cơ đáp ứng các tiêu chuẩn ở mỗi thị trường mà thương hiệu này hoạt động.
Mitsubishi cho biết thêm, hãng có thể tiếp tục thực hiện điều tra riêng, đồng thời phối hợp với các công tố Đức trong vụ việc này.
Một đường ống nối vào ống xả của một mẫu xe động cơ dầu trong thử nghiệm khí thải tại Cơ quan kiểm tra kỹ thuật ở Ludwigsburg, Đức. Ảnh: AFP |
Tuần trước, văn phòng công tố Frankfurt cho biết đang điều tra một nhân viên của một hãng xe nước ngoài về nghi vấn gian lận, cũng như một bộ phận của một đại lý quốc tế, và hai nhà cung ứng ôtô về việc gian lận.
Nhà cung ứng Continental của Đức nói rằng họ là nhân chứng hợp tác trong cuộc điều tra.
Cũng trong tuần trước, giới chức Hà Lan ra quyết định, rằng các mẫu xe động cơ dầu của Fiat Chrysler và Suzuki đã vi phạm các quy định khí thải châu Âu, và phải sửa lại hoặc sẽ đối mặt với lệnh cấm bán trên toàn khu vực.
Fiat từ chối bình luận, còn Suzuki nói đang hợp tác với giới chức Hà Lan tìm cách giải quyết.
Mitsubishi là hãng xe mới nhất liên quan tới nghi vấn sử dụng các thiết bị bất hợp pháp nhằm đối phó với các quy định về khí thải. Trước đó, tháng 9/2015, gian lận khí thải của Volkswagen bị phơi bày. Sau đó, các hãng xe Đức lần lượt chìm trong bê bối. Ngành công nghiệp Đức hứng chịu hậu quả, và các hãng xe bị ảnh hưởng uy tín nghiêm trọng. Hàng loạt vụ khám xét, điều tra, triệu hồi xe đi kèm các khoản tiền phạt và bồi thường lớn.
Mỹ Anh(theo Reuters)