Từ năm 2019, ngôi trường nhỏ bé nằm ở làng Mansa Bigha, quận Gaya, bang Bihar hoạt động với hai giáo viên, một học sinh và một đầu bếp, phụ trách nấu bữa trưa. Mỗi tháng, chính quyền bang Bihar trả 58.000 rupee (khoảng 18 triệu đồng) cho hai giáo viên và 1.500 rupee (480.000 đồng) cho đầu bếp để họ tiếp tục duy trì trường học.
Được thành lập năm 1972, trường tiểu học Mansabigha từng tiếp nhận rất đông học sinh trong quận Gaya, nhưng dần thưa vắng. Ông Dharmaraj Paswan, người đứng đầu làng Mansa Bigha, giải thích: “Người dân giờ có cuộc sống tốt hơn nên muốn đầu tư giáo dục vào các trường tư thục, thay vì trường của chính phủ thường để phục vụ tầng lớp nghèo”.
Chính quyền quận Gaya từng khuyến khích người dân cho con tới học các trường công lập bằng dự án tặng xe đạp, đồng phục, quần áo, bữa trưa miễn phí. Tuy nhiên, theo thời gian, số lượng học sinh, giáo viên tại các trường học chính phủ vẫn giảm mạnh.
Cô Priyanka Kumari là một trong hai giáo viên giảng dạy cho Janhavi Kumari. Ảnh: Manoj Chaurasia. |
Cô bé Janhavi xuất thân từ gia đình khó khăn, cha làm việc ở trạm bơm xăng, mẹ làm nội trợ nên không có đủ tiền cho em theo học trường tư. Với khao khát được tiếp cận con chữ, Janhavi đăng ký vào trường Mansabigha từ niên khóa 2019-2020 và là học sinh duy nhất tại đây.
“Cháu đã học viết tên bằng tiếng Anh, biết kể tên một số trái cây bằng tiếng Anh nhưng cháu không có bạn bè để cùng học, cùng chơi và trò chuyện”, Janhavi nói.
Giáo viên Priyanka Kumari nhận xét Janhavi là học sinh nhanh nhẹn, chăm chỉ, chưa từng bỏ lỡ bất kỳ buổi học nào. Giáo viên và đầu bếp nhà trường đều háo hức chờ đợi Janhavi mỗi ngày vì sự vắng mặt của em đồng nghĩa với việc họ sẽ ngồi không cả ngày.
Pinki Kumari, mẹ của Janhavi vui mừng vì trường học vẫn hoạt động. “Chúng tôi rất nghèo, không thể trả các khoản phí khổng lồ của trường tư. Nếu không có sự hỗ trợ của trường Mansabigha, con gái tôi có thể đã mù chữ”, bà mẹ nói.
Tú Anh (Theo The Guardian, Hindu Stantimes)