Từ người nghiện thành ‘hiệp sĩ’

0
1370

Anh Hiệp gạt chân chống chiếc xe máy cũ trên vỉa hè phố Tô Hiệu, rồi đi như chạy đến bên thanh niên lạ mặt đang nằm bất động. “Sốc khá nặng”, anh Hiệp nói sau khi quan sát rồi đặt hai tay lên ngực người đàn ông đang nằm vật ở vỉa hè để ép tim. Hơn 10 phút trôi qua, mồ hôi túa ra trên người anh, hơi thở dồn dập hơn. Lay gọi liên tục mà nạn nhân không tỉnh, anh mở túi dụng cụ, lấy ra một ống Naloxone (thuốc dùng cấp cứu cho người nghiện quá liều) tiêm cho nạn nhân. Hơn một phút sau, thanh niên sốc thuốc đã có thể ngồi dậy. Anh Hiệp hỏi lại tên, tuổi, địa chỉ rồi rời đi. Không một lời cảm ơn nào được thốt ra.

Đó là một trong gần nghìn trường hợp sốc ma túy được anh Hiệp cứu sống kể từ khi tham gia nhóm “Vòng tay bạn bè” của Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI).

Hà Quang Hiệp có thời trẻ nông nổi. Ảnh từng vào tù vì tội tàng trữ ma túy, nhiều lần vào trung tâm cai nghiện ma túy nhưng cai nghiện không thành. Ảnh: Phạm Nga.

Hà Quang Hiệp có thời trẻ nông nổi, từng vào tù vì tội tàng trữ ma túy, nhiều lần vào trung tâm cai nghiện nhưng không thành. Ảnh: Phạm Nga.

Hà Quang Hiệp ở Hàng Kênh, quận Lê Chân, Hải Phòng, bị teo chân trái sau trận sốt lúc một tuổi. Thiệt thòi đó khiến ông bố đạp xích lô và người mẹ buôn bán nhỏ bao bọc cậu con trai này nhiều hơn hẳn ba đứa con còn lại.

Những năm 1990, ma túy tràn về Hải Phòng, Hiệp dính vào “chất trắng”. “Đến năm 1996 thì tôi chuyển sang chích”, Hiệp kể.

Mỗi ngày, bà Đàm Thị Ngọc Khang, 67 tuổi, đều gói sẵn tiền, để chỉ nghe tiếng con gọi “Mẹ ơi!” là đưa. Một lần, do không đáp ứng Hiệp rủ bạn đi ăn cắp ngay trước mặt mẹ. “Khi về, tôi thấy cửa nhà khóa trái, qua cửa sổ, tôi thấy mẹ nằm bất động, gọi không phản ứng. Tôi vội vàng phá cửa thì thấy một bức thư mẹ để lại. Vỏ hộp thuốc ngủ lăn lóc nơi đầu giường”, anh Hiệp kể.

Bà Khang được đưa đi cấp cứu kịp thời. Thương mẹ, nhưng “cơn vật” khiến Hiệp mụ mị đầu óc, không thể dứt ra. Quần áo đang mặc trên người, anh sẵn sàng cởi bán để có tiền mua thuốc. Năm 2006, sau khi rời trại giam vì tàng trữ ma túy, Hiệp biết mình nhiễm HIV.

“Lúc đó tôi nghĩ đằng nào cũng chết, nên càng bất cần hơn”, anh nói. Vài năm sau, Hiệp bị lao hạch, cổ đầy những u cục, bị trung tâm cai nghiện trả về. Hàng ngày, bố anh – đang mang bệnh tiểu đường vẫn đạp xe hơn 10 km đèo con đi chữa trị, uống ARV (thuốc làm giảm sự sinh sôi của virus HIV). Nhưng chỉ được ba tháng, hành trình của cha con anh kết thúc vì bố qua đời.

“Biến cố đó khiến tôi nghĩ đến gia đình nhiều hơn. Nhìn kỹ khuôn mặt mẹ, tôi nhận ra bà lầm lũi, đau khổ và già nua đi rất nhiều. Tôi nghĩ mình cần phải đi làm để chỉ phải xin mẹ ít thôi”, Hiệp kể.

Tình cờ thấy người hàng xóm vốn cũng nghiện ngập như mình trở nên khỏe mạnh, dứt được ma túy nhờ uống methadone (thuốc cắt cơn nghiện), anh quyết định thử. Đó là chuỗi ngày diễn ra cuộc đấu tranh căng thẳng giữa lý trí và ham muốn. “Nhìn bạn bè phê thuốc, tôi rạo rực khắp người. Cơn thèm thuốc thôi thúc tôi cầm kim tiêm, nhưng khuôn mặt của mẹ đã giữ tôi đứng vững”, người đàn ông cánh tay đầy hình xăm nhớ lại.

Dùng methadone một tháng, Hiệp nói với mẹ: “Con xin một triệu để trả một số chi phí. Hết hôm nay, con hứa sẽ không xin tiền mẹ nữa”. Bà Khang đưa tiền cho con, nhưng không tin Hiệp đoạn tuyệt được ma túy.

“Bốn giờ sáng hôm sau, tôi trở dậy như thường lệ. Tôi hồi hộp, lo lắng chờ con gọi ‘mẹ ơi’, nhưng không thấy. Ngày hôm sau, hôm sau nữa vẫn thế. Sau một tháng, tôi vỡ òa như phép màu đến với gia đình mình”, bà Khang kể.

Hiệp phát biểu trong buổi gặp mặt thường niên năm 2018 ở Bình Định của VNPUD (mạng lưới người sử dụng ma túy ở Việt Nam) khi được bầu làm ban điều hành. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Anh Hiệp (người cầm micro) phát biểu khi được bầu vào khi được bầu vào ban điều hành của Mạng lưới người sử dụng ma túy ở Việt Nam (VNPUD) năm 2018. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Một lần, trong lúc đi uống methadone, Hiệp tình cờ gặp các thành viên nhóm “Vòng tay bạn bè”, đang cứu người sốc ma túy. Trước đây anh chỉ thấy cảnh người sốc ma túy bị đánh, đạp lên người cho tỉnh lại, Hiệp ngạc nhiên khi chứng kiến cảnh ép tim, xoa bóp, không chút thương tích. Anh quyết định tham gia.

Từ đó, anh cùng với 10 thành viên của nhóm tiếp cận, hỗ trợ tư vấn xét nghiệm HIV, viêm gan C, chuyển gửi điều trị ARV, hỗ trợ cai nghiện ma túy bằng methadone… và cứu sốc ma túy cho hàng nghìn trường hợp. Hiệp chạy xe máy đến các điểm nóng, đưa số điện thoại của mình cho mọi người, để ai bị sốc thì gọi.

“Hồi mới vào nhóm, cậu ấy vẫn cộc cằn, hay cãi nhưng ngày càng điềm tĩnh, trách nhiệm và nhiệt tình hơn. Nhà ở gần điểm nóng, nên cậu ấy luôn là người có mặt sớm nhất”, chị Cao Thị Kim Giang, quyền trưởng nhóm “Vòng tay bạn bè” cho biết.

Làm “hiệp sĩ cứu sốc”, Hiệp không ít lần bị đánh oan. Có lần, con nghiện tỉnh lại, sờ không thấy ví, nhìn thấy anh liền đấm túi bụi. Hiệp giải thích không được, phải gọi người đã báo tin cho mình đến giải oan. Anh cũng từng bị người nhà của một người mình vừa cứu sống lao vào đánh, vì tội “rủ rê”.

Hiệp và vợ về sống cùng nhau năm 2016, nhưng đến năm 2019 mới được Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng, thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (SCDI) đứng ra tổ chức đám cưới. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Hiệp và vợ về sống cùng nhau năm 2016, nhưng đến năm 2019 mới được Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) đứng ra tổ chức đám cưới. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

“Anh ấy là người rất nhẫn nhịn. Thi thoảng, bị nói những lời không hay về mình, anh ấy làm thinh. Một giờ, hai giờ đêm, dù mưa gió, chúng tôi gọi cần hỗ trợ cứu sốc, anh vẫn đi”, một cán bộ công an phường Cát Dài, quận Lê Chân, người thường xuyên gọi cho anh Hiệp khi phát hiện có người sốc ma túy trên địa bàn phường mình nói.

Đoạn tuyệt được ma túy, cuộc sống của Hiệp như bước sang một trang mới. Bà Ngọc Khang, mẹ anh hay nói, hay cười với con trai hơn. Hiệp cũng đã nên duyên với một cô gái hiểu và thông cảm với quá khứ của anh. Hoạt động trong nhóm Vòng tay bạn bè, anh thấy mình sống có ý nghĩa hơn.

“Có những người trước đây chưa từng chào tôi, giờ đến bắt chuyện trước. Nhờ tình yêu của mẹ, sự quyết liệt, tôi đã chiến thắng được chính mình”, anh nói, mắt nhìn ra phố đêm bừng sáng ánh đèn.

Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCID) là một tổ chức phi lợi nhuận, được Liên hiệp các Hội Khoa học – Kỹ thuật Việt Nam thành lập và được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy phép hoạt động từ năm 2010.

Phạm Nga