Nữ sát thủ quyến rũ phát xít

0
1412

Oversteegen chỉ là một thiếu nữ chưa đầy 17 tuổi khi phát xít Đức xâm lược Hà Lan tháng 5/1940. Cô trở thành thành viên của phong trào kháng chiến Hà Lan, được giao nhiệm vụ che giấu người Do Thái, người bất đồng chính kiến và đồng tính luyến ái trong những ngôi nhà trú ẩn tại Haarlem, cách Amsterdam gần 20 km về phía tây.

Freddie Oversteegen (phải) và Hannie Schaft. Ảnh: North Holland Archives.

Freddie Oversteegen (phải) và Hannie Schaft. Ảnh: North Holland Archives.

Truus cùng em gái 14 tuổi Freddie và sinh viên luật Hannie Schaft, 19 tuổi, là những cô gái đảm nhận vai trò bí mật để làm suy yếu Đức quốc xã trong Thế chiến II. Trong khi các phụ nữ tham gia phong trào kháng chiến chủ yếu làm gián điệp, giải mật mã và đánh máy, ít người dám đảm nhận công việc của bộ ba này: sát thủ ngầm.

Ba cô gái trẻ trang điểm đậm, tô son đỏ tươi đến các quán bar quyến rũ lính Đức quốc xã và dụ họ đến chỗ chết. Hannie tự học tiếng Đức để phục vụ công việc. Xinh đẹp, yểu điệu với mái tóc đỏ và làn da trắng sữa, cô dễ dàng “hạ gục” những tên lính phát xít. Cô rủ họ vào rừng hẹn hò và những đồng đội nam của Hannie mai phục sẵn để kết liễu.

Các cô gái còn giỏi sử dụng súng và dễ dàng hạ gục mục tiêu trong khi đạp xe. Ngoài lính Đức, họ cũng nhắm mục tiêu vào những người Hà Lan thông đồng với phát xít.

Sau khi chiến tranh kết thúc, hai chị em Truus và Freddie từ chối đưa ra con số cụ thể về số mục tiêu đã bị họ kết liễu. “Bạn không bao giờ hỏi một binh sĩ rằng người đó giết bao nhiêu kẻ địch”, hai chị em nói.

“Sau chiến tranh, họ bị trầm cảm và thường gặp ác mộng”, Sophie Poldermans, tác giả một cuốn sách về bộ ba nữ sát thủ, cho biết.

“Tôi không sinh ra để giết người”, Truus nói với Poldermans. “Sau mỗi lần tấn công, tôi thường ngất đi hoặc gục xuống trong nước mắt”.

Ngoài việc tiêu diệt lính Đức quốc xã, Hannie còn phá hoại các cơ sở quân sự, đánh bom các đường dây điện và đoàn tàu chở vũ khí. Hai chị em Oversteegen hợp tác chặt chẽ với Hannie trong nhóm 7 chiến binh nhiệt huyết và kiên gan. Tuy nhiên, họ từ chối ra tay khi cấp trên ra lệnh bắt cóc con của quan chức Đức quốc xã cấp cao.

“Chúng tôi chỉ chiến đấu chống lại những kẻ phát xít thực sự chứ không làm hại trẻ em”, Truus nói.

Họ gây ra nhiều thiệt hại và giết nhiều lính phát xít đến nỗi Hannie trở thành mục tiêu truy nã của phát xít, được biết đến là “cô gái tóc đỏ”. Đích thân trùm phát xít Adolf Hitler ra lệnh bắt cô.

Truus Oversteegen. Ảnh: North Holland Archives.

Truus Oversteegen. Ảnh: North Holland Archives.

Hannie nhuộm tóc đen và đeo kính khi lẩn trốn. Ngay cả khi Đức quốc xã cầm tù cha mẹ cô để gây áp lực, Hannie vẫn không ra đầu hàng. Gia đình cô cuối cùng được thả khi phát xít thấy họ thực sự không biết tung tích con gái.

Hannie không may bị bắt vào tháng 3/1945, khi phân phát những tờ báo chống phát xít tại một trạm kiểm soát của Đức quốc xã. Lính Đức ban đầu không biết Hannie là mục tiêu đang bị truy nã, vì cô nhuộm tóc đen, nhưng thân phận của cô dần bị lộ khi chúng giam và tra tấn cô trong tù. Cô bị xử bắn ngày 17/4/1945, chỉ 18 ngày trước khi Hà Lan được giải phóng.

Tư lệnh tối cao quân Đồng minh Dwight Eisenhower truy tặng Hannie Huân chương Tự do. Truus được vinh danh tại Jerusalem vì bảo vệ người Do Thái. Cô và Freddie được Thủ tướng Hà Lan trao tặng Huân chương Huy động Chiến tranh năm 2014.

Truus qua đời năm 2016 ở tuổi 92 còn Freddie qua đời hai năm sau đó, cũng ở tuổi 92. Hai chị em luôn nhớ đến câu chuyện về sự kiên cường của Hannie trong ngày bị xử tử mà cảnh sát và nhân chứng đã kể lại.

Khi phát đạn đầu tiên bị trượt, Hannie nhìn chằm chằm người lính xử tử cô với ánh mắt kiên định. “Đồ ngốc, tôi còn bắn giỏi hơn anh”, cô nói.

Phương Vũ (Theo NYPost)