Mỗi lần Tết đến là một lần thêm lo với chị Hoa (ảnh minh họa) |
“Tết này sẽ không biếu tiền ông bà nội nữa”, chị Hoa kiên quyết nói với anh Trung chồng chị – mặc cho mặt anh đổi sắc. Nhà đông con, anh Trung là cả. Dưới anh còn 5 em, tất cả đều đi làm ăn xa, Tết mới về đoàn tụ cùng gia đình. Năm nào cũng vậy, từ ngày 23 Âm, vợ chồng chị Hoa đã phải chuyển dần đồ về quê chuẩn bị cho Tết.
Với phương châm “mình ăn cháo để các em ăn cơm” nên gần 20 chục năm về làm dâu nhà anh, mỗi lần Tết đến chị Hoa thêm một lần trĩu nặng âu lo. Nỗi lo lớn nhất làm sao xoay đủ tiền để mua đủ thực phẩm, bánh kẹo cho đại gia đình gần 30 người trong 5 ngày Tết. Gia đình các em về không biết rằng vợ chồng chị Hoa cũng chỉ là cán bộ công chức, lương ba cọc ba đồng.
“Mang tiếng về ăn Tết với ông bà nội nhưng vợ chồng tôi phải đứng ra lo hết từ củ hành, mớ rau cho đến thịt bò, giò, cá, gà…. Gia đình các em cũng ăn cùng nhưng mặc nhiên chuyện ăn uống là do anh chị cả. Mà chẳng lẽ ba ngày Tết chỉ cơm canh bình thường?
Vì thế, mỗi đận Tết về tôi chỉ biếu ông bà một ít tiền gọi là tượng trưng trong khi các con dâu khác biếu bà nhiều hơn tôi. Bà tỏ thái độ ra mặt. Bà cưng nựng con các chú, trông chúng cho bố mẹ đi chơi. Có gì ngon (do tiền tôi mua sắm) bà cũng để phần cho chúng. Thậm chí, cô dâu út Tết nào về cũng nại ra lý do khi thì đau lưng, lúc đau đầu, bà còn bê cơm lên tận giường. Các cô dâu khác bà cũng chẳng bảo phụ tôi cơm nước mặc tôi úp mặt vào bếp từ lúc bước chân về nhà cho đến lúc đi.
Tủi thân chứ. Cũng là phận làm dâu với nhau, phận đàn bà với nhau, nhưng đứa được coi là bà hoàng, đứa coi như rẻ rách. Đôi khi chỉ vì ít tiền tươi biếu bố mẹ chồng”, chị Hoa ấm ức.
Chị bảo, có năm chị cũng thử biếu ông bà số tiền có thể lo cho cả đại gia đình mấy ngày Tết từ khá sớm và nại lý do bận không sắm Tết được. Cứ nghĩ ở nhà bà sẽ chợ búa sắm sửa hết và chị về chỉ việc nấu nướng. Ai ngờ, 29 Tết vợ chồng con cái chị về, ngoài nồi bánh chưng ra thì không có lấy một món đồ gì chuẩn bị cho mấy ngày Tết. Chị lại tất tả đi sắm Tết từ đầu đến cuối. Sau đó cái Tết đó vì vượt chi tiêu nên cả năm trời chị không dám sắm sửa gì cho bản thân.
Năm ngoái, chị càng nổi điên hơn khi vừa ăn Tết xong chồng chị lần lữa không đưa lương. Chị đành phải tạm ứng tiền cơ quan để chi tiêu trong gia đình. Căn vặn mãi, anh mới nói là đã biếu bố mẹ tiền Tết.
“Tôi chết đứng. Không phải tôi ki bo với bố mẹ anh nhưng cái gì cũng có giới hạn. Nếu chúng tôi dư giả thì không nói làm gì. Đằng này việc gì vợ chồng tôi cũng phải lo toan, ghánh vác hết. Bà chẳng thương vợ chồng tôi thì thôi sao cứ vành vẻ, sao chỉ nhìn thấy mấy đồng trước mắt mà không nghĩ, những lúc đau ốm, tiền ăn hàng tháng, vợ chồng tôi vẫn gửi đều đặn cho ông bà… ?”, chị Hoa than thở.
Vì thế, Tết này chị kiên quyết không biếu tiền ông bà nữa. Chị bảo bà không ưa thì cũng đã không ưa rồi. Nhưng bà cũng chẳng thể ghét mình mãi được, vì chị vẫn làm tròn bổn phận dâu trưởng – mọi việc lớn trong gia đình vợ chồng chị vẫn cáng đáng. Vì thế chị sẽ kiên quyết “cải thiện” suy nghĩ của bố mẹ chồng lúc nào cũng “tiền tiền” mặc chồng không vui.
Chia sẻ với chị Hoa điều này, chuyên gia tâm lý TS Vũ Thu Hương cho rằng, Tết ngoài những háo hức vui xuân, các cặp vợ chồng còn thêm nỗi lo lắng về việc sắm Tết, việc sắp đặt thời gian đón xuân hai bên gia đình, việc nấu cỗ chuẩn bị, gói bánh chưng, mua giò chả… Ngoài ra, một việc không kém phần lo lắng, thậm chí có thể là nguồn cơn của các vụ mâu thuẫn, cãi vã giữa hai bên. Đó chính là việc tặng quà Tết hai bên gia đình.
Với các bậc phụ huynh, theo TS Vũ Thu Hương, đem lại niềm vui cho con cháu và đón nhận tấm lòng hiếu thảo của con cháu mới là điều hạnh phúc.
“Vì thế, với vai trò là bậc làm cha mẹ, các cụ nên nhìn nhận bao dung và đánh giá món quà mang giá trị tinh thần nhiều hơn là vật chất. Sự bao dung của người lớn bao giờ cũng đem lại nhiều niềm vui và hạnh phúc cho cả nhà”, TS Vũ Thu Hương bày tỏ.
Theo đó, người lớn mà so bì hơn kém với những bậc cha mẹ khác trong xóm hay bên nội/ngoại của con hoặc giữa các con với nhau thì chính các cụ đang hủy hoại không khí vui vẻ, thoải mái hạnh phúc của gia đình mình và của chính mình. Đồng thời chính các bậc sinh thành cũng trở thành nguyên nhân gây bất hòa cho vợ chồng của con và khiến con mình đau khổ. TS Vũ Thu Hương mong rằng, Tết đã cận kề, sẽ chẳng còn các bậc phụ huynh nào dù vô tình hay cố ý khiến gia đình của các con sứt mẻ, khổ đau.