Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un lâu nay vẫn đe dọa sẽ “tìm một con đường mới” nếu Mỹ giữ nguyên các biện pháp trừng phạt với nước này. Nhưng Bình Nhưỡng trong suốt năm qua vẫn úp mở về con đường này, dường như chờ đợi phản ứng của Mỹ đến hạn chót cuối năm 2019.
Và khi Kim Jong-un công bố con đường “cách mạng” mới hôm 1/1, chiến lược này đã cho thấy cả thái độ thách thức lẫn sự thận trọng của Bình Nhưỡng khi đối phó với Tổng thống Donald Trump.
Kim tuyên bố sẽ phát triển lực lượng hạt nhân của Triều Tiên, đưa ra những lời đe dọa mơ hồ về “một vũ khí chiến lược mới” trong tương lai gần và chuyển hướng sang thực hiện những “hành động thực tế gây sốc”. Ông cảnh báo Triều Tiên sẽ không đình chỉ thử nghiệm vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa nữa.
Kim Jong-un tại cuộc họp của Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên ngày 29/12. Ảnh: KCNA. |
Tuy nhiên, Kim cũng làm dịu những lời đe dọa đó bằng cách trấn an rằng các nỗ lực nhằm tăng cường năng lực hạt nhân Triều Tiên có thể được điều chỉnh “phụ thuộc vào thái độ của Mỹ”. Giới quan sát đánh giá đây rõ ràng là cách tiếp cận kiểu thăm dò nhằm tạo thêm không gian cho đàm phán.
Các chuyên gia phân tích nhận định Kim đang đưa ra tính toán của mình dựa trên bối cảnh chính trị bất ổn ở Mỹ, nơi Trump đang đối diện nguy cơ bị bãi nhiệm trong khi phải dồn sức cho cuộc đua vào Nhà Trắng đầy cam go năm 2020. Lãnh đạo Triều Tiên không muốn nôn nóng ký một thỏa thuận có nguy cơ bị hủy bỏ nếu Trump không tái đắc cử.
“Kim Jong-un sẽ tiếp tục trì hoãn”, Jean H. Lee, chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm Học giả Quốc tế Woodrow Wilson ở Washington, bình luận. “Chúng ta sẽ nhìn thấy Kim tiếp tục tìm cách khiêu khích Washington nhằm chiếm thế thượng phong trong các cuộc đàm phán tương lai mà không thách thức trực tiếp Trump”.
Trong lúc chờ đợi, Kim có thể duy trì việc đóng vai một lãnh đạo cứng rắn, gia tăng những lời đe dọa hạt nhân. Triều Tiên có thể mở rộng kho vũ khí hạt nhân, chế tạo thêm nhiều đầu đạn và cải thiện năng lực tên lửa.
Điều khó dự đoán hơn là liệu Kim có gửi thông điệp gây phẫn nộ cho Trump bằng cách thử vũ khí hạt nhân hoặc tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) không, nếu có thì bao giờ.
Một cuộc thử nghiệm như vậy chắc chắn sẽ kích động “lửa giận” từ Trump. Hồi năm 2017, khi Kim tiến hành các cuộc thử nghiệm tương tự, Trump đã đe dọa sẽ “phá hủy hoàn toàn Triều Tiên”, làm dấy lên mối quan ngại về một cuộc chiến tranh.
Căng thẳng được xoa dịu sau khi Triều Tiên tuyên bố ngừng thử hạt nhân, tên lửa hồi tháng 4/2018. Sau cuộc gặp Trump – Kim ở Singapore hồi tháng 6/2018, Tổng thống Mỹ nói hai người “có cảm tình với nhau”.
Tiếp cận Mỹ một cách chậm rãi, Bình Nhưỡng cũng tránh được nhiều hơn những tổn thương kinh tế. Tiến hành một cuộc thử nghiệm tên lửa tầm xa mới chắc chắn sẽ khiến Liên Hợp Quốc áp đặt thêm trừng phạt với họ, đồng thời gây khó chịu cho Trung Quốc và Nga, ở vào thời điểm mà Triều Tiên cần họ nhất nhằm giảm bớt các áp lực từ biện pháp trừng phạt.
Lệnh trừng phạt từ Liên Hợp Quốc buộc Nga, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác trục xuất các lao động Triều Tiên về nước trước hạn chót 22/12/2019, ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn cung ngoại tệ của Bình Nhưỡng. Bên cạnh đó, các du khách Trung Quốc hiện mang đến nguồn thu nhập không nhỏ cho Triều Tiên.
Trong báo cáo chính sách công bố tuần qua, Kim thừa nhận những nỗ lực của Triều Tiên nhằm cải cách kinh tế đang đối mặt “những vấn đề nghiêm trọng” và “chưa đạt được tiến bộ rõ rệt”. Ông phàn nàn về những “hoạt động mờ ám và tình trạng đình trệ” trong các ngành công nghiệp mũi nhọn, chỉ trích các quan chức kinh tế vì “chỉ đơn thuần hô khẩu hiệu tự lực” mà không thể hiện khả năng lãnh đạo cùng trách nhiệm để cải tổ nền kinh tế.
Kim còn ngụ ý rằng ông đang chuẩn bị cho một cuộc đối đầu “dài hơi” với Mỹ, kêu gọi người dân Triều Tiên chấp nhận “thực tế là chúng ta phải sống dưới các lệnh trừng phạt”. Sau 18 tháng ngoại giao với Mỹ, Kim cho hay ông nhận ra rằng đất nước nên gắn chặt với “tự lực” thay vì tin vào lời hứa khiến nền kinh tế Triều Tiên “chuyển mình rực rỡ” của Trump nếu Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Ông cũng kêu gọi người dân “không bao giờ đánh đổi an ninh và phẩm giá” mà chương trình hạt nhân Triều Tiên đã mang lại dù “phải thắt lưng buộc bụng”. Với những tuyên bố đó, Kim về cơ bản thừa nhận phương pháp tiếp cận trước đây của ông với Washington đã thất bại.
Một cuộc duyệt binh ở Bình Nhưỡng năm 2018. Ảnh: AFP. |
Năm 2012, trong bài phát biểu đầu tiên trước công chúng với tư cách lãnh đạo đất nước, Kim hứa rằng người dân Triều Tiên “sẽ không bao giờ phải thắt lưng buộc bụng nữa”.
Một năm sau, ông thông báo Triều Tiên sẽ theo đuổi chính sách phát triển song song kinh tế và vũ khí hạt nhân.
Đến tháng 4/2018, Kim khẳng định lực lượng hạt nhân Triều Tiên đã hoàn thiện, vì thế ông sẽ ngừng thử nghiệm hạt nhân và ICBM để tập trung toàn bộ sức lực phát triển kinh tế.
Hai tháng sau, Kim và Trump gặp nhau ở Singapore. Nhưng đàm phán giữa hai bên bị đình trệ sau hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội vào tháng hai năm ngoái, khi không có bất kỳ thỏa thuận phi hạt nhân hóa nào được ký kết.
Bế tắc trong đàm phán dẫn tới việc Kim đề ra cho Mỹ hạn chót vào cuối năm 2019 để thể hiện thiện chí, nếu không sẽ được nhận một “món quà Giáng sinh” từ Bình Nhưỡng. Đây dường như là lời cảnh báo ngầm rằng Triều Tiên sẽ quay trở về con đường cũ. Nhưng hạn chót này cũng cho thấy Triều Tiên mong muốn được nới lỏng những kìm kẹp về kinh tế như thế nào.
“Thông điệp năm mới Kim phát đi vô tình phơi bày thế khó của Triều Tiên”, giáo sư Leif-Eric Easley tại Đại học Nữ sinh Ewha ở Seoul, Hàn Quốc, nhận xét. “Kim cố gắng tìm kiếm lợi ích tài chính từ Nga và Trung Quốc nhưng không muốn bị xem là phụ thuộc. Ông ấy thúc đẩy các kỹ sư quân sự của mình phát triển những vũ khí tinh vi hơn nhưng phải cân nhắc tới cả rủi ro thất bại. Ông ấy muốn gia tăng áp lực chính trị lên Hàn Quốc và Mỹ nhưng hiểu rõ rằng một động thái khiêu khích quá đáng có thể mang đến nhiều biện pháp trừng phạt hơn”.
Trong thông điệp năm mới 2020, Kim không xuất hiện trên truyền hình như thông lệ. Thay vào đó, kênh truyền hình trung ương Triều Tiên KCNA chỉ dẫn lại thông báo chính sách của ông.
Trump – Kim gặp nhau ở Khu Phi quân sự liên Triều hồi tháng 6. Ảnh: NYTimes. |
Chỉ dẫn mới từ Kim có nghĩa “Triều Tiên sẽ từ bỏ đối thoại phi hạt nhân hóa với Mỹ, chấp nhận một cuộc đối đầu lâu dài và các biện pháp trừng phạt là một thực tế, đồng thời tăng cường khả năng tự lực, trong đó có cả năng lực hạt nhân và tên lửa”, Cheong Seong-chang, nhà phân tích cấp cao tại Viện Sejong, Hàn Quốc, đánh giá.
Mặt khác, Kim dường như đang có ý định trao cho quân đội vai trò nổi bật hơn trong chính quyền, dù chưa rõ ông có thử nghiệm ICBM không.
Truyền thông nhà nước Triều Tiên mới đây đưa tin Kim đang thúc đẩy phát triển những công nghệ vũ khí mới, chẳng hạn như tên lửa nhiên liệu rắn khó bị đánh chặn hơn và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm mới.
“Nhiều tiếng nói trong chính quyền Triều Tiên ủng hộ việc thử nghiệm các hệ thống vũ khí mới, có thể là tên lửa nhiên liệu rắn hay ICBM, cũng như các thiết kế đầu đạn mới”, Adam Mount, chuyên gia tại Liên đoàn các Nhà khoa học Mỹ, nhận định. “Khi đàm phán bị đình trệ, những tiếng nói này sẽ nhanh chóng gia tăng ảnh hưởng”.
Vũ Hoàng (Theo New York Times)