Đội quân ngăn tấn công sứ quán Mỹ

0
1419

Các video trên mạng xã hội cho thấy hàng nghìn người biểu tình hôm 31/12 vây kín đại sứ quán Mỹ bên trong Vùng Xanh, khu vực an ninh hàng đầu tại thủ đô Baghdad của Iraq. Các phần tử quá khích sau đó dùng ôtô phá cổng, tràn vào bên trong sứ quán, đốt phá phòng tiếp tân.

Sự cố khiến nhiều người liên tưởng đến vụ các phần tử cực đoan tấn công vào lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi, Libya năm 2012 khiến 4 người thiệt mạng, trong đó có đại sứ Mỹ tại Tripoli.

Đội quân ngăn người biểu tình tấn công sứ quán Mỹ

Đội quân ngăn người biểu tình tấn công sứ quán Mỹ

Người biểu tình tấn công đại sứ quán Mỹ ở Baghdad hôm 31/12. Video: BBC.

Tuy nhiên, thảm kịch Benghazi đã không lặp lại ở Baghdad, khi đơn vị thủy quân lục chiến Mỹ bảo vệ sứ quán đã cố thủ trên nóc tòa nhà chính, chĩa súng về phía người biểu tình, liên tục bắn hơi cay, lựu đạn choáng và phát loa răn đe, yêu cầu họ không xâm nhập cơ sở ngoại giao Mỹ. Người biểu tình sau đó rút lui khỏi sứ quán.

Những người lính này thuộc Lực lượng Cảnh vệ Thủy quân Lục chiến Mỹ (MSG), một bộ phận nhỏ của thủy quân lục chiến nhưng không thực hiện nhiệm vụ tác chiến đổ bộ trên chiến trường, thay vào đó đảm nhận công việc mang tính chuyên biệt hơn.

Họ có trách nhiệm “đảm bảo an ninh vũ trang” cho hơn 170 cơ sở ngoại giao Mỹ trên khắp thế giới, bảo vệ quan chức, nhân viên các đại sứ quán, lãnh sự quán, tài sản, thiết bị liên quan đến an ninh quốc gia cũng như công dân Mỹ ở nước ngoài.

Có những MSG chỉ có 5 thành viên được giao nhiệm vụ canh gác đại sứ quán cả ngày lẫn đêm, và họ được yêu cầu hành xử một cách chuyên nghiệp nhằm thể hiện chính sách ngoại giao của Mỹ, nhưng cũng phải sẵn sàng sử dụng mọi loại vũ khí được trang bị để đẩy lùi các mối đe dọa an ninh.

Để gia nhập MSG, các binh sĩ thủy quân lục chiến phải hoàn thành khóa huấn luyện tại Trường đào tạo Lực lượng bảo vệ sứ quán, ngôi trường được mệnh danh là khắc nghiệt nhất của binh chủng ở Quantico, bang Virginia.

Binh sĩ thủy quân lục chiến mang quân hàm từ binh nhất đến trung sĩ sau khi nộp đơn theo học trường MSG sẽ được huấn luyện thành nhân viên bảo vệ sứ quán, còn từ cấp trung sĩ nhất trở lên được huấn luyện thành chỉ huy biệt đội bảo vệ đại sứ quán.

Binh sĩ thủy quân lục chiến Mỹ tham gia khóa huấn luyện tại Trường đào tạo Lực lượng bảo vệ sứ quán. Ảnh: ABC News.

Binh sĩ thủy quân lục chiến Mỹ tham gia khóa huấn luyện tại Trường đào tạo Lực lượng bảo vệ sứ quán tại Quantico, bang Virginia. Ảnh: ABC News.

Ứng viên từ cấp trung sĩ trở xuống sẽ bị loại nếu đã kết hôn, còn trung sĩ nhất trở lên nếu đã có gia đình phải đảm bảo các thành viên trong gia đình có tình trạng sức khỏe tốt để có thể theo họ thực hiện nhiệm vụ tại nước ngoài.

Trường MSG không chấp nhận ứng viên và thành viên gia đình phụ thuộc mang quốc tịch kép và người nộp đơn phải đủ điều kiện để xóa danh tính theo diện an ninh tuyệt mật. Các binh sĩ bị kết án với tội nặng, có tiền sử lạm dụng rượu hoặc mang thai đều không đủ điều kiện theo học.

Binh sĩ trước khi tham gia trường MSG phải đối mặt với các thử thách như kỹ năng sử dụng vũ khí theo hướng dẫn của Bộ Ngoại giao, kỹ năng báo động, sử dụng thiết bị điện tử, kiến thức về từ viết tắt của ngành ngoại giao và huấn luyện thể chất. Sau cuộc phỏng vấn với sĩ quan chỉ huy, binh sĩ sẽ phải vượt qua cuộc phỏng vấn sàng lọc với các nhân viên thuộc MSG.

“Họ sẽ đưa ra một câu hỏi giả định, ví dụ ‘Bạn sẽ làm gì nếu một ai đó dí dao vào cổ một đứa trẻ trước cửa đại sứ quán hoặc lãnh sự quán? Bạn có mở cửa không'”, theo cựu binh thủy quân lục chiến Ben Feibleman, người từng bảo vệ cơ sở ngoại giao Mỹ tại Liberia, Malta và Iraq. Feibleman nói ứng viên thường được hỏi những câu tương tự khi đối mặt với hội đồng gồm các sĩ quan thủy quân lục chiến cấp cao, nhà thầu chính phủ và sĩ quan tình báo.

Binh sĩ Mỹ bảo vệ sứ quán Mỹ tại Baghdad, Iraq sau vụ người biểu tình xâm nhập và đốt phá hôm 31/12. Ảnh: Reuters.

Binh sĩ Mỹ bảo vệ sứ quán Mỹ tại Baghdad, Iraq sau vụ người biểu tình xâm nhập và đốt phá hôm 31/12. Ảnh: Reuters.

Sau khi được nhận vào trường MSG, học viên sẽ trải qua 6 tuần huấn luyện để trở thành bảo vệ sứ quán hoặc 8 tuần để trở thành chỉ huy biệt đội. Đại úy Gregory Wolf nói 25% học viên bị loại khỏi khóa huấn luyện tại trường MSG.

“Có những học viên bị loại vì hắt hơi khi phải giữ tác phong chuyên nghiệp hoặc cài không chặt duy nhất một chiếc cúc áo. Cả quãng thời gian giống như đi trên dây, phải có thần kinh thép”, theo Feibleman.

Các thử thách khó khăn nhất tại trường đào tạo MGS là học viên bị xịt hơi cay và phải chiến đấu với những kẻ tấn công khi không thể nhìn được gì. “Nói đơn giản, khóa huấn luyện tại trường MSG gồm các bài tập thể chất cường độ cao tại trại huấn luyện tân binh thủy quân lục chiến cộng thêm việc bạn phải thực hiện chúng sau khi bị xịt hơi cay vào mặt”, binh nhất Antwaun Jefferson nói.

Sau khi tốt nghiệp, binh sĩ thủy quân lục chiến làm nhiệm vụ bảo vệ sứ quán sẽ được chuyển công tác đến các cơ sở ngoại giao của Mỹ trên thế giới. Cựu binh Feibleman nói nhiệm vụ có thể khác nhau tùy tình hình nước sở tại, song thường là “đứng trong một căn phòng rất nhỏ với nhiều thiết bị liên lạc, một cái bàn và có kính chống đạn”.

Các binh sĩ thuộc lực lượng MSG mang theo mình một khẩu súng ngắn khi làm nhiệm vụ. Ngoài ra họ có một súng shotgun và một khẩu carbine M4 trên giá súng.

“Với quá trình huấn luyện cùng các trang bị này, các thành viên MSG được kỳ vọng trở thành ‘chốt gác’ đáng tin cậy khi lợi ích của Mỹ ở nước ngoài bị đe dọa”, chuyên gia quân sự Adam Luckwaldt cho hay.

Nguyễn Tiến (Theo Business Insider, TBC)