“Chúng tôi gặp nhau tại một câu lạc bộ dành cho người nuôi thú cưng cách đây một năm rưỡi. Dù tính cách hai người có nhiều điểm khác nhau, tôi vẫn kiên quyết theo đuổi cô ấy”, Lee, nhân viên bất động sản 28 tuổi ở thành phố Paju, Hàn Quốc, cho biết.
Bỏ qua những khác biệt lớn trong tính cách, điều khiến Lee phải cân nhắc nhiều nhất trước khi kết hôn là vấn đề tài chính. “Tôi hẹn hò với cô ấy khi công việc kinh doanh của tôi vừa bắt đầu ổn định nên tài chính là mối bận tâm lớn”, Lee chia sẻ.
Lee có lý do để cân nhắc chuyện kết hôn. Chi phí tổ chức đám cưới trung bình ở Hàn Quốc là 230 triệu won (tức 196.000 USD), theo kết quả nghiên cứu 1.000 đôi mới cưới trong hai năm của DUO Info Corporation, công ty tư vấn hôn nhân hàng đầu ở Hàn Quốc.
Số tiền này cao gấp 6 lần thu nhập trung bình của một người Hàn Quốc ngoài độ tuổi 30 (32.900 USD) và gần 9 lần thu nhập của những người dưới 29 tuổi, theo số liệu của chính phủ Hàn Quốc. Trong khi đó, thống kê của Cơ quan tiêu dùng Hàn Quốc năm 2017 chỉ ra chi phí cơ bản cho một đám cưới là 40.000 USD, chưa tính tiền mua nhà.
Hệ quả là tỷ lệ kết hôn ở Hàn Quốc giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi số liệu này được thống kê năm 1970, khi ngày càng nhiều người trẻ Hàn Quốc trì hoãn kết hôn vì chi phí đám cưới và mua nhà quá tốn kém.
“Chúng ta có thể nghĩ tỷ lệ kết hôn giảm là do những giá trị sống thay đổi trong thời đại hiện nay, nhưng cũng cần thấy rằng nó còn là hệ quả của các vấn đề xã hội phát sinh từ kinh tế, thị trường lao động và chi phí sinh hoạt”, Park Soo-kyung, người sáng lập DUO Info Corporation, cho biết.
Park nói thêm chi phí nhà ở và kết hôn quá lớn, tư tưởng môn đăng hộ đối và quan điểm tiêu cực về hôn nhân là các yếu tố góp phần làm giảm tỷ lệ kết hôn của Hàn Quốc. Công ty của Park khảo sát hơn 40.000 cặp kể từ khi thành lập năm 1995.
Cô dâu chú rể làm lễ trước mặt bố mẹ trong một lễ cưới truyền thống ở Hàn Quốc. Ảnh: Lovedevani. |
Theo thống kê của chính phủ Hàn Quốc, tỷ lệ kết hôn ở nước này năm 2018 là 5/1.000 người, với tổng cộng 257.622 đôi kết hôn, giảm mạnh so với mức 9,6/1.000 người kết hôn năm 1996, năm có 430.000 đôi kết hôn.
Trong khi đó, tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc là 10/1.000 người và ở Nhật là 5/1.000 người, theo khảo sát toàn cầu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) năm 2017.
Theo DUO Info Corporation, nhà ở chiếm 73,5% chi phí đối với các cặp mới cưới, tương đương hơn 146.000 USD, tiếp theo là quà cưới (23.500 USD) và tiệc cưới (hơn 11.500 USD). “Chúng tôi phải bỏ ra 380 triệu won (324.500 USD) để mua căn hộ mới ở Paju, nhưng không thể mơ nổi một căn hộ ở trung tâm hoặc ngoại ô Seoul”, Lee nói.
Park giải thích rằng, hầu hết cặp mới cưới đều muốn sống trong căn nhà mơ ước. “Thế hệ trẻ hiện nay lớn lên trong thời đại kinh tế khá thịnh vượng và được bố mẹ hỗ trợ tài chính nhiều, nên các đôi mới cưới khó có thể chấp nhận sống trong các căn hộ chỉ có một phòng”, Park cho biết. Chỉ 1,9% số đôi tham gia khảo sát sống cùng bố mẹ sau khi kết hôn.
Hàn Quốc cũng là quốc gia có chi phí đám cưới lớn nhất ở châu Á. Theo một báo cáo đăng trên Asean Post hồi tháng 9, chi phí đám cưới ở Malaysia là 11.900 USD, trong khi Campuchia, nơi thường tổ chức tiệc cưới 3 ngày, là 15.000-20.000 USD. Tại Philippines, chi phí này là 19.000 USD, trong khi đám cưới ở Indonesia có chi phí trung bình 8.200 USD.
Chi phí đám cưới ở Trung Quốc là 12.000 USD, còn người Nhật Bản mất trung bình hơn 34.000 USD để tổ chức lễ cưới.
“Đối với các gia đình truyền thống, hình thức là một điều rất quan trọng khi tổ chức cưới xin, do đó ở Hàn Quốc, đây giống như cuộc hôn nhân giữa các gia đình”, Kim Sang-eun, nhân viên của DUO Info, nói và cho biết việc mời khách dự đám cưới là một minh chứng cho điều này.
Hơn một nửa số khách tham dự đám cưới hồi tháng 11 của Lee Min-jun là những người vợ chồng anh chưa từng gặp mặt. “Khoảng 20% là gia đình và họ hàng, 30% là bạn bè của vợ chồng tôi, còn 50% là khách của bố mẹ chúng tôi”, Lee nói.
Cha mẹ thường đóng góp một phần lớn trong chi phí đám cưới. Theo khảo sát năm 2016 của công ty bảo hiểm Samsung Life, 63,8% phụ huynh cho biết họ đóng góp 40-100% chi phí đám cưới của con. Mặt khác, khách mời thường tặng tiền mừng khi tham dự đám cưới. “Nhiều người mời khách tham dự đám cưới của họ như một cách lấy lại tiền mừng của các đám cưới tham dự trước đó”, Kim giải thích.
Hai cô gái ngồi bên bờ sông Hán ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: AFP. |
Theo nghiên cứu của DUO Info, quan niệm cố hữu về một đám cưới truyền thống là lý do hàng đầu khiến nhiều đôi không thể cắt giảm chi phí hoặc nghi thức kết hôn. Bên cạnh đó, tư tưởng suy bì với đám cưới của bạn bè hoặc người quen, lo ngại ảnh hưởng tới danh tiếng của gia đình hay suy nghĩ của bố mẹ hai bên cũng tác động đến điều này.
“Họ nói rằng nhiều phong tục đã thay đổi, nhưng việc tặng quà cưới cho gia đình hai bên vẫn phải giữ”, Kim cho biết. Quà cưới là khoản chi tốn kém thứ hai đối với các cặp mới cưới, với ước tính 27,6 triệu won (khoảng 23.500 USD) cho các món quà từ trang sức tới tiền mặt.
Với những người Hàn Quốc trong độ tuổi 20-30, chi phí đám cưới và sự đồng thuận của bố mẹ về kế hoạch kết hôn có thể trở thành rào cản để tiến tới hôn nhân.
“Tôi không nghĩ sẽ kết hôn ngay bây giờ nếu có bạn trai, bởi tôi chỉ nghe nhiều về khó khăn của hôn nhân khi chúng tôi già đi. Tôi không thích vừa phải chiều lòng nhà chồng, vừa phải cân bằng quan hệ giữa gia đình hai bên”, Yoon N.K, nhân viên 28 tuổi của một tổ chức phi chính phủ ở Seoul, cho biết.
Bạn của Yoon, Park H.R, giáo viên 28 tuổi ở Seoul, chia sẻ cô cảm thấy việc bàn bạc với gia đình bạn trai về đám cưới tương lai như một gánh nặng. “Bạn trai tôi nói rằng bố mẹ anh không cần quà cưới”, Park nói và cho biết bố mẹ cô cũng đồng ý như vậy. “Nhưng tôi chưa thể nói trước điều gì vào lúc này, bởi mối quan hệ giữa hai gia đình có thể nhanh chóng tan vỡ chỉ vì một bất đồng”.
Park nhận ra cô phải chấp nhận sự can thiệp của bố mẹ khi lên kế hoạch cho đám cưới. “Bố mẹ hai bên hỗ trợ phần lớn chi phí nên tôi không thể ngăn họ can thiệp nhiều vào đám cưới”, Park nói.
Thanh Tâm (Theo SCMP)