Bao nhiêu cán bộ bị kỷ luật, mất chức khi xảy ra hàng nghìn vụ cháy?

0
1426

Đại biểu Quốc hội đặt vấn đề tại phiên giám sát tối cao về kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014 – 2018”, sáng 13/11.

Chưa thẩm duyệt, nghiệm thu đã sử dụng: Vì sao?

Đại biểu Cao Thị Xuân (đoàn Thanh Hóa) dẫn thống kê cho thấy bên cạnh tác động của thời tiết cực đoan thì hàng chục vụ cháy rừng dường như xuất phát từ sự bất cẩn của con người. Nhiều người dân dù không cố tình nhưng do không đủ kiến thức đã gây cháy dẫn đến hậu quả mất rừng và bản thân họ phải vướng vòng lao lý, mà đáng ra điều này có thể phòng tránh được nếu công tác thông tin truyền truyền, vận động thực hiện tốt.

“Câu hỏi đặt ra là trong bối cảnh chưa đủ nguồn lực bố trí cho công tác PCCC, vậy mà khi tổ chức thực hiện tuyên truyền còn hình thức, đối phó thì làm sao PCCC đạt hiệu quả? Việt Nam có khoảng 188 tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC nhưng thử hỏi bao nhiêu tổ chức, cá nhân nắm được? Và nếu không nắm được thì nguy cơ cháy nổ vẫn hiện hữu” – bà Xuân nói.

Đại biểu Quốc hội Cao Thị Xuân

Báo cáo giám sát cho thấy hiện vẫn còn 2.662 công trình có nguy hiểm về cháy, nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế hoặc đã thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC. Tính đến tháng 7/2018, còn 110 công trình chung cư, nhà cao tầng đã được chủ đầu tư đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC.

“Tại sao còn tình trạng trên? Do chủ đầu tư vi phạm hay có tiêu cực trong kiểm tra, xử lý sai phạm? Điều gì xảy ra nếu hỏa hoạn tiềm ẩn xảy ra ở hàng trăm cao ốc?” – bà Cao Thị Xuân đặt câu hỏi và đề nghị Chính phủ, Bộ Công an, chính quyền địa phương có biện pháp chấn chỉnh vấn đề này.

Dẫn lại vụ cháy quán karaoke ở Cầu Giấy hậu quả thương tâm cách đây 3 năm, bà Cao Thị Xuân cho biết, khi đó báo chí đặt ra nhiều câu hỏi về trách nhiệm quản lý thế nào khi quán chưa được nghiệm thu PCCC đã tự ý hoạt động kinh doanh. Tương tự là các nhà hàng, nhà nghỉ, khu chợ có hay không tiêu cực trong cấp phép, kiểm tra, giám sát?

“Hàng nghìn vụ cháy xảy ra, hàng trăm người thiệt mạng, nhưng bao nhiêu cán bộ bị kỷ luật, mất chức, bị xử lý liên quan trách nhiệm quản lý Nhà nước trong công tác PCCC?” – bà Xuân đặt vấn đề và cho rằng xử lý cán bộ không tương xứng với tồn tại, vi phạm, sai phạm. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến hậu quả đáng tiếc như vừa qua.

“Qua giám sát lỗ hổng pháp luật sẽ được phát hiện và bịt lại, kinh phí còn thiếu sẽ được quan tâm cấp bù, nhưng lỗ hổng nhận thức, khoảng trống trách nhiệm cần có giải pháp đích đáng để lấp đầy” – nữ đại biểu đoàn Thanh Hóa bày tỏ và đề nghị trong Nghị quyết của Quốc hội tới đây cần quy định một điều tái giám sát về trách nhiệm thực thi công vụ về PCCC.

Hãy ngừng đổ lỗi

Qua tham gia một số đoàn giám sát, Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) thấy rằng có sự chồng chéo bất cập và thiếu thống nhất, sự lạc hậu của các quy định trong hệ thống pháp luật, không chỉ là những pháp luật trực tiếp về phòng cháy, chữa cháy về phòng, chống cháy nổ mà các quy định liên quan ở các lĩnh vực như xây dựng, giao thông, điện lực… Đây là những nguyên nhân khiến cho các địa phương lúng túng trong triển khai thực hiện.

“Lỗ hổng trong việc triển khai thực hiện khá rõ. Cơ quan chức năng khẳng định là làm tốt công tác tuyên truyền nhưng người dân nói không biết. Cơ quan chức năng khẳng định là có kiểm tra, có giám sát và rất quan tâm tới công tác kiểm tra, giám sát nhưng những sai phạm trong cháy nổ thì được xử lý rất ít” – đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa

Cũng theo vị đại biểu này, thực tế cho thấy khi sự cố cháy nổ xảy ra thì lúc đó mới truy cứu nguyên nhân và quy trách nhiệm. Cháy rừng ở một vài địa phương các địa phương khác quan tâm tới công tác phòng, chống cháy rừng. Cháy quán karaoke ở một địa phương thì các địa phương khác rà soát việc phòng, chống cháy nổ ở các quán karaoke. Hay cháy chung cư ở một vài địa phương thì người dân cũng như chính quyền ở các địa phương khác bắt đầu quan tâm lo lắng và cũng rà soát nhiều hơn tới việc phòng chống cháy nổ.

“Đáng buồn là khi truy cứu trách nhiệm thì đang có vấn đề là đổ lỗi. Trên thì đổ lỗi cho dưới là không chấp hành, dưới quy là trên không hướng dẫn. Người dân thì cho là chính quyền không quan tâm, chính quyền thì cho là người dân không chấp hành. Đây là văn hóa đổ lỗi trong khi chúng ta truy xét trách nhiệm” – bà Nguyễn Thị Mai Hoa thẳng thắn chỉ rõ.

Từ đó, đại biểu đề nghị hãy nhìn thẳng vào các tồn tại, phát hiện cũng như bịt các lỗ hổng từ công tác xây dựng luật pháp, hướng dẫn triển khai thực hiện cho đến giám sát việc triển khai thực hiện. Và hơn hết hãy ngừng đổ lỗi để truy xét trách nhiệm rõ hơn, nhận trách nhiệm nghiêm túc hơn và từ đó tìm ra giải pháp khắc phục phù hợp hơn.

Báo cáo giám sát của Quốc hội cho thấy, từ tháng 7/2014 đến tháng 7/2018, cả nước đã xảy ra 13.149 vụ cháy, làm chết 346 người, bị thương 823 người; thiệt hại về tài sản ước tính 6.524,8 tỷ đồng và 6.462 ha rừng. Trung bình mỗi năm xảy ra 3.287 vụ cháy, làm chết 87 người, bị thương 206 người, thiệt hại về tài sản trị giá 1.631,2 tỷ đồng và 1.615,5 ha rừng. Trung bình mỗi ngày xảy ra 9 vụ cháy, làm chết hoặc bị thương 1 người, thiệt hại về tài sản ước tính 4,4 tỷ đồng và 5,3 ha rừng.

TIN LIÊN QUAN

Kỷ luật loạt cán bộ liên quan đến sai phạm chung cư Đại Thanh

Theo Ngọc Thành/VOV