ĐBQH Phạm Văn Hòa: Không thể nào cứ duy trì mãi việc viên chức suốt đời!

0
1466

Khắc phục tình trạng chây ì trong đội ngũ viên chức?

Quốc hội mới đây đưa ra bàn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức. Theo đó, một điểm thu hút sự quan tâm của dư luận về quy định thực hiện chế độ hợp đồng xác định thời hạn đối với viên chức tuyển dụng mới hiện có 2 phương án được đưa ra.

Phương án 1 theo hướng đối với tất cả các trường hợp viên chức được tuyển dụng mới sau khi luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức có hiệu lực sẽ thực hiện ký kết hợp đồng xác định thời hạn nhằm bảo đảm cơ chế cạnh tranh, khắc phục tình trạng và tâm lý “viên chức suốt đời” trong đội ngũ viên chức.

Phương án 2 giữ như quy định hiện hành, theo đó đối với viên chức được tuyển dụng mới thì sau khi ký kết hợp đồng xác định thời hạn (tối đa 2 lần) sẽ ký hợp đồng không xác định thời hạn để bảo đảm tâm lý ổn định, tránh cơ chế xin-cho khi đến hạn ký lại hợp đồng.

Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, dự thảo Luật mà Chính phủ trình Quốc hội thể hiện theo phương án 1. Và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất với phương án mà Chính phủ trình, đó là bỏ hình thức “viên chức suốt đời”.

Lý do được UBTVQH đồng ý phương án này nhằm tạo động lực làm việc cho đội ngũ viên chức, “tiến tới bỏ chế độ biên chế suốt đời” và thực hiện yêu cầu của nghị quyết Trung ương.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp)

Trao đổi với phóng viên, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) lại khẳng định “UBTVQH giải thích rất phù hợp” – bỏ viên chức suốt đời nhằm “tạo động lực làm việc cho đội ngũ viên chức”. Mặc dù, đây là một nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau- cho rằng, khi luật có hiệu lực sẽ ảnh hưởng nhiều tới giới giáo viên và y tế.

Nhưng theo đại biểu Hòa, “chúng ta không thể nào cứ duy trì mãi việc viên chức suốt đời”. Mà ngay cả công chức “lâu dài cũng phải tính tới việc này (không duy trì công chức suốt đời – PV), phải có ký hợp đồng lao động rõ ràng, cụ thể, có thời hạn để giữa người ký hợp đồng lao động và người lao động có sự thỏa thuận thống nhất với nhau”.

Tuy nhiên, ông Hòa cũng lưu ý, trong trường hợp chủ sử dụng không tiếp tục ký hợp đồng “cần có nguyên nhân, lý do rõ ràng. Nếu đối tượng viên chức đó muốn tiếp tục ký hợp đồng lại với cơ quan đơn vị, người chủ không ký hợp đồng cũng phải đưa ra lý do chính đáng”.

“Trong luật cũng có quy định cụ thể, chi tiết trường hợp không ký lại hợp đồng lao động, trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc trường hợp người lao động không muốn tiếp tục lao động thì cũng có quy định rất rõ, cụ thể… Như vậy cũng đảm bảo được quyền lợi cho người lao động là viên chức chứ không phải không. Nếu anh làm việc tốt, anh làm việc bình thường thì anh cũng được phân công chức vụ chứ không phải viên chức thông thường”, đại biểu Hòa giải thích rõ hơn.

Không công bằng trong cùng đơn vị

Trái ngược với quan điểm trên, đại biểu Triệu Thanh Dung (đoàn Cao Bằng) cho rằng, đối với người lao động, ý nghĩa của quy định: Không được ký hợp đồng lao động xác định thời hạn quá 2 lần trong Bộ luật Lao động hiện hành, cũng như trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) trình kỳ họp này là nhằm bảo vệ người lao động, giúp họ ổn định công việc và được hưởng đầy đủ các chế độ của người lao động, từ đó ổn định cuộc sống, tâm huyết với công việc của mình.

“Do đó, viên chức, người lao động làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập cũng cần được hưởng quy định nêu trên”, đại biểu Thanh Dung nhấn mạnh.

Ngoài ra, đối với đơn vị sử dụng viên chức, việc quy định không ký hợp đồng không xác định thời hạn đối với viên chức được tuyển dụng mới sẽ làm giảm khả năng thu hút lao động có trình độ cao, chuyên môn nghiệp vụ giỏi vào làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập, tạo tâm lý tạm thời, khiến viên chức không hết mình với công việc.

“Như vậy, ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào viên chức cũng như chất lượng công việc của viên chức. Điều này hoàn toàn ngược lại với mong muốn của chúng ta khi sửa đổi quy định này đó là, tạo động lực làm việc cho đội ngũ viên chức khi tiến tới bỏ chế độ biên chế suốt đời” – đại biểu Dung nêu ý kiến.

Theo đại biểu, sức hút lao động của các đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay là tính ổn định, được làm việc suốt đời mặc dù mức lương rất thấp. Vì vậy, nếu thay đổi quyết định như dự thảo luật sẽ làm giảm khả năng thu hút lao động, nhất là lao động có trình độ cao vào làm việc tại các đơn vị này.

Đặc biệt, quy định như dự thảo sẽ dẫn tới không công bằng khi trong cùng một đơn vị, có người cùng làm một công việc nhưng có người làm hợp đồng không thời hạn, có người làm hợp đồng có thời hạn.

“Nếu người lao động không đủ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực thì trong thời gian đang làm hợp đồng có thời hạn, đơn vị sử dụng lao động có thể không tiếp tục ký hợp đồng lao động, tuyển chọn lao động mới. Còn nếu người lao động có đủ năng lực, trình độ, đáp ứng được yêu cầu công việc thì nên ký hợp đồng không thời hạn để họ có thể yên tâm công tác”, đại biểu Thanh Dung bày tỏ.

,

TIN LIÊN QUAN

Bỏ viên chức suốt đời: Giáo viên, ngành y chịu xáo trộn nhiều nhất?

N. Huyền