Thầy Văn Như Cương – người mở đường giáo dục ngoài công lập

0
1446

Tới dự Hội thảo có các nhà nghiên cứu, quản lý giáo dục và đặc biệt là nhiều thế hệ thầy trò trường Lương Thế Vinh – những người đã có cơ hội được học tập, làm việc cùng thầy giáo Văn Như Cương.

Tại Hội thảo, nhiều đại biểu đều chung nhận định, thầy Văn Như Cương là người thầy lớn, người anh cả, người ông, người cha, người bạn của nhiều thế hệ giáo viên và học sinh. Trọn vẹn cuộc đời thầy cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, ươm mầm những thế hệ tương lai của đất nước vừa hồng vừa chuyên, vừa có kiến thức tốt vừa có nhân cách tốt. Thầy đã để lại cho thế hệ sau nhiều di sản trong chuyên môn, tư tưởng, phương pháp giáo dục. Trong ký ức của hàng chục thế hệ học sinh, hình ảnh thầy Văn Như Cương hiện lên như một ông tiên giữa đời thực, cương nghị, thẳng thắn, nghiêm khắc nhưng đầy bao dung, nhân hậu và đầy lòng vị tha.

Không gian tưởng nhớ thầy Văn Như Cương

Năm 1989, thầy Văn Như Cương là người đặt những viên gạch đầu tiên cho giáo dục ngoài công lập Việt Nam, là người tiên phong mở đường xây dựng hệ thống giáo dục tư thục – nơi đề cao giáo dục dân chủ với tinh thần độc lập và tư duy phản biện, nơi đề cao nhân cách con người hơn kiến thức sách vở, nơi mà học sinh được học làm người tử tế trước khi học để thành công trên đường đời.

Cô Vũ Thị Tuyết Thu, Phó Hiệu trưởng – Trường Tiểu học Vietschool Pandora chia sẻ: Trong quá trình hội nhập phát triển, xã hội sẽ có những thay đổi tích cực và cả những hạn chế. Từ những người mở đường đầu tiên như GS. Văn Như Cương hay những người tiếp bước trên con đường khai mở tri thức đều nhận thức được rằng: những giá trị tốt đẹp được truyền lại từ cha ông sẽ là kim chỉ nam cho người Việt vượt qua những biến động của thời đại.

Thầy Văn Như Cương đã luôn dặn dò các thế hệ sau cần khôi phục lại những truyền thống tốt đẹp của ông cha, những truyền thống đã cấu thành nên văn hóa Việt. “Chúng ta không nên để chúng bị mai một đi, cũng không nên chê chúng là lạc hậu, là thủ cựu. Những điều tốt đẹp của truyền thống thì phải bảo vệ cho bằng được.”

Những bức ảnh về thầy được trưng bày tại hội thảo.

Cô Vũ Thị Tuyết Thu còn cho hay, Giáo sư đề cập rất nhiều trong các bài giảng, bài chia sẻ và truyền lửa về những giá trị Việt cần được phát huy, trong đó đặc biệt là cách đối nhân xử thế của cha ông. Trong quá trình giáo dục nhân cách, thầy luôn coi trọng và mong muốn thầy cô, học trò ghi nhớ chữ Tín để tạo lập lòng tin giữa con người và con người.

“Muốn giữ gìn chữ Tín trong xã hội hiện đại, trước hết, phải có những tấm gương, đó là những người lãnh đạo phải hành động trước. Trong môi trường giáo dục, đó là những người thầy, người cô. Học sinh phải tin yêu và thấy thầy cô của mình giữ lời hứa thì các em mới hình thành nhân cách quý báu và trân trọng chữ tín với mọi người”- Cô Vũ Thị Tuyết Thu bày tỏ.

Những thế hệ trường tư thục sau nên tiếp nối những bài học giáo dục đạo đức lối sống theo tinh thần Việt của GS Văn Như Cương để làm kim chỉ nam trong quá trình hoạt động giáo dục dù rất cạnh tranh nhưng vẫn phải đề cao mục tiêu đào tạo con người lên trên hết.

TIN LIÊN QUAN

Học sinh Lương Thế Vinh rạng rỡ trong lễ trưởng thành và tri ân

“Kỷ luật thép” như Trường Lương Thế Vinh cũng không bao giờ phạt học sinh quỳ!

Hoàng Thanh
Từ khóa: thầy Văn Như Cương trường Lương Thế Vinh người mở đường giáo dục ngoài công lập