Camera lắp đặt trước nhà của một cán bộ trong ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng. Ảnh: Zing |
Những ngày qua người dân Sóc Trăng không ngớt bàn tán về việc Phó Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Huỳnh Văn Sum ký quyết định số 1542-QĐ/TU về việc cấp kinh phí lắp đặt camera an ninh nhà riêng của các đồng chí trong ban Thường vụ Tỉnh ủy. Theo đó, tỉnh Sóc Trăng chi gần 1 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Đảng để lắp camera tại nhà 16 cán bộ trong ban thường vụ tỉnh ủy, trong đó có nhà của Bí thư tỉnh ủy (nguyên là Tổng Thanh tra Chính phủ) Phan Văn Sáu.
Theo ông Sum, việc lắp đặt camera đã thực hiện từ 2-3 tháng trước và ngoài lắp camera còn có màn hình, đầu thu… tất cả đều được thẩm định giá.
Đại tá Nguyễn Minh Ngọc, Phó giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng cho biết, đơn vị này từng kiến nghị cấp trên lắp camera tại trụ sở các cơ quan Đảng, Nhà nước và cán bộ trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy vì đây là mục tiêu bảo vệ của cơ quan Công an.
Trong khi đó, Đại tá Lê Minh Quang, Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng, nói: “Gắn camera ở đây là những điểm phòng chống khủng bố nằm trong quy định. Những điểm cần bảo vệ như trụ sở ủy ban, Tỉnh ủy, nhà riêng các lãnh đạo là những điểm cần đảm bảo an ninh trật tự. Một số trục đường cần thiết chúng tôi cũng lắp camera”.
Tỏ ra rất bất ngờ với việc làm của Sóc Trăng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng nhận định, “nhìn vào con số gần 1 tỷ đồng đã thấy “chênh” với giá cả thị trường”.
“Việc làm này cho thấy một tỉnh nghèo như Sóc Trăng đang tự đặt ra cho mình những “đặc quyền, đặc lợi”. Không có chủ trương nào cho phép dùng ngân sách dự phòng của Đảng để mua camera lắp cho nhà riêng của các lãnh đạo tỉnh”, ông Nhưỡng nói và cho rằng “cần làm rõ, lắp camera để làm gì, có giúp phòng chống tham nhũng không? Nếu lắp để giám sát, theo dõi thì rõ ràng là xâm phạm đời tư. Còn nếu như để đảm bảo an ninh cho nhà riêng lãnh đạo thì ai cho phép anh sử dụng ngân sách. Đó là câu chuyện không chấp nhận được”.
Nhận định đây là sai phạm nghiêm trọng liên quan đến tỉnh, ông Nhưỡng đề nghị Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc xem xét. Ông cũng đặt vấn đề nếu giả sử có quy định cho phép việc này thì cũng không có chuyện áp dụng đầu tiên ở một tỉnh như Sóc Trăng, mà trước hết sẽ được áp dụng với các lãnh đạo cấp cao ở Trung ương.
“Đến cấp Trung ương còn chưa có mà Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng lại được trang bị như thế thì lạ quá”, ông Nhưỡng nói.
Đồng tình với quan điểm này, ông Phạm Văn Hòa, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, cũng thấy việc này “kỳ quá”. Bởi theo ông Hòa, “không có quy định nào cho phép dùng ngân sách lắp camera ở nhà riêng lãnh đạo tỉnh. Từ trước đến nay chưa có địa phương nào làm việc này”.
Theo ông, đây có lẽ là sáng kiến của Tỉnh ủy Sóc Trăng, muốn lắp đặt camera theo đề xuất của cơ quan công an nhằm đảm bảo an ninh cho các lãnh đạo tỉnh. “Nhưng như vậy hoàn toàn không nên”, vị đại biểu Đồng Tháp góp ý.
Ông Hòa cho rằng nếu lãnh đạo muốn lắp để đảm bảo an ninh, an toàn thì phải tự bỏ tiền, không được lấy tiền ngân sách. Ngân sách Đảng hay ngân sách Nhà nước cũng đều là của công nên không được lấy dù chỉ một đồng. Điều này khiến người dân bức xúc, không hài lòng, nhất là khi nó lại xảy ra ở Sóc Trăng, một tỉnh nghèo.
“Kể cả bộ trưởng ở Trung ương hay lãnh đạo của các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM còn chưa tính đến việc này mà Sóc Trăng chi gần một tỷ thì không phải ít”, ông Hòa nhấn mạnh.
Trong khi đó, không ít đại biểu Quốc hội tỏ ra bất bình, và cho rằng lý do mà Công an Sóc Trăng đưa ra “lắp camera là để chống khủng bố” là “ngụy biện”, “khó vậy mà các anh cũng nói được”, “không lẽ các ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy Sóc Trăng đang đứng trước nguy cơ bị khủng bố? Ác cái là, trang bị bình quân mỗi camera hơn 60 triệu. Chẳng nhẽ Sóc Trăng sử dụng loại camera của công nghệ 40.0 sao?”.
Quyết định do Phó bí thư Thường trực Sóc Trăng Huỳnh Văn Sum ký viện dẫn một trong những căn cứ là Thông tư số 1539 của Bộ Tài chính quy định chi tiết về quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước đối với các cơ quan của Đảng. Thông tư quy định rõ nguồn thu của các cơ quan Đảng gồm: Thu Đảng phí để lại được sử dụng cân đối vào nguồn kinh phí hoạt động công tác Đảng; thu từ hoạt động sự nghiệp của các cơ quan Đảng; và một phần kinh phí ngân sách Nhà nước cấp theo dự toán trong năm. Ngoài ra, còn một số khoản thu khác. Nhiệm vụ chi của các cơ quan Đảng được quy định gồm các khoản như chi thường xuyên, gồm chi để đảm bảo hoạt động thường xuyên của các cơ quan Đảng, chi đảm bảo các nhiệm vụ đặc thù của các cấp ủy Đảng dự tính theo yêu cầu, nhiệm vụ và chi đảm bảo hoạt động đối ngoại, và các khoản chi thực hiện chính sách cán bộ, chi cho các đối tượng có công với cách mạng và các khoản đặc biệt khác (lão thành cách mạng, bà mẹ Việt Nam Anh hùng…). Ngoài ra, còn có các khoản chi viện trợ, chi chuyển nguồn hay chi cho đầu tư phát triển. Trong khoản chi đầu tư, Thông tư này cũng nêu rõ chỉ chi đối với các dự án thuộc các cơ quan Đảng hoặc các khoản chi đầu tư phát triển khác theo quy định của pháp luật. Xét các tiêu chí được quy định trong Thông tư mà Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng viện dẫn, không có bất cứ quy định nào đề cập đến việc cho phép dùng ngân sách của Đảng để chi phục vụ riêng các lãnh đạo tỉnh. |