Tôi không biết người cha ấy tên gì, ở đâu, nghề nghiệp ra sao…; nhưng nhìn cách anh đội mũ bảo hiểm, tôi đoán anh là một người lao động bình thường như bao người dân lao động khác, và có thể cuộc mưu sinh của anh gắn liền với chiếc xe máy rong ruổi trên đường, nên bên dưới mũ bảo hiểm còn lót thêm chiếc mũ lưỡi trai cho êm đầu, bớt nóng…
Ảnh H.C. |
Nhìn đôi bàn tay nổi gân guốc, gương mặt cứng cỏi, tôi đoán anh không còn trẻ nữa. Và đặc biệt là anh rất yêu con. Vì vậy, dù không còn trẻ nữa nhưng anh vẫn còn nhớ cách thắt khăn quàng đỏ của thời anh còn học cấp 1, cấp 2 để bây giờ giúp con đeo khăn quàng đỏ trước khi vào dự lễ khai giảng.
Nhìn hai cha con anh chăm chú vào nút thắt khăn quàng đỏ, rồi trông ánh mắt đầy biết ơn mà con gái anh nhìn vào anh, tôi biết, dù là một người lao động bình thường, lam lũ đi nữa, thì anh vẫn là một người cha hạnh phúc. Anh yêu con, biết cách chăm lo cho con, nên được con dành cho ánh mắt mà không phải bất cứ người làm cha, làm mẹ nào cũng có thể nhận được từ con mình!
Niềm hạnh phúc của anh, có lẽ, cũng như niềm hạnh phúc của người cha bên lề đường tranh thủ sửa sang lại đồng phục của con trai cho chỉnh tề để vào dự lễ khai giảng. Hay cũng có lẽ là niềm hạnh phúc của người mẹ cẩn thận đội mũ bảo hiểm cho con gái trước khi cho con ngồi lên xe máy… mà chúng tôi ghi nhận qua những hình ảnh ở trên.
Như thế để thấy rằng có rất nhiều hình ảnh đẹp, ấn tượng và đầy xúc động trong buổi khai giảng năm học mới ở TP này. Thật tiếc, giữa những hình ảnh đẹp ấy, vẫn còn xuất hiện những phụ huynh chưa thật làm gương cho con cái như chở ba, không đội mũ bảo hiểm…
Trong đó, tôi lại nhắc đến việc chọn tấm hình người cha đeo khăn quàng đỏ cho con làm ảnh đại diện cho phóng sự ảnh này, bởi đằng sau hình ảnh rất đẹp của hai cha con họ lại là những cảnh tượng về lối hành xử thiếu ý thức, thậm chí rất ngang ngược của những người có điều kiện kinh tế khá giả gấp bội phần.
Đó là người đi chiếc ô tô màu trắng ngang nhiên dừng xe ngay giữa đường Lê Lợi, thậm chí ngay trên vạch cho người đi bộ qua đường trước cổng trường THPT Phan Châu Trinh, cho cô ‘nữ sinh” của trường này xuống xe, vào dự lễ khai giảng!
Đó là người đi chiếc ô tô màu đen dừng ngay giữa đường Yên Bái, và cũng ngay trên vạch cho người đi bộ băng qua đường trước cổng trường THCS Trưng Vương suốt cả 15 phút để chờ đón con em sau lễ khai giảng, bất chấp việc gây cản trở giao thông!
Và ngang ngược nhất là trường hợp chiếc xe ô tô “hậu cảnh” của hình ảnh người cha đeo khăn quàng đỏ cho con gái nêu trên. Chiếc xe này đậu trên đường Lê Duẩn, ngay trước cổng cơ sở 2 trường tiểu học Trần Cao Vân. Lúc 6h sáng, chúng tôi đi ngang qua đây thì cổng trường hoàn toàn thông thoáng; thế nhưng khi quay lại vào khoảng 6h15 thì đã thấy chiếc xe này đậu ở đây, còn chủ xe bỏ đi đâu mất!
Càng gần đến giờ diễn ra lễ khai giảng, phụ huynh, học sinh đến càng lúc càng đông, và do xe ô tô đậu quá ngang ngược nên đã gây tình trạng ùn tắc ngay trước cổng trường Trần Cao Vân (cơ sở 2), cũng như ách tắc giao thông trên đường Lê Duẩn qua đoạn này.
Trước đó, Sở GD-ĐT Đà Nẵng đã có văn bản số 2322/SGDĐT-VP ngày 15/8 đề nghị Công an các địa phương phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn trật tự giao thông, không để xảy ra kẹt xe khu vực cổng trường trước và sau lễ khai giảng.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng cũng có Công văn 5761/UBND-ĐTĐT giao Sở GTVT (Cơ quan thường trực Ban An toàn giao thông TP) chủ trì, phối hợp với Công an TP, Sở GD-ĐT, UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan nghiên cứu, triển khai thực hiện Công điện 989/CĐ-TTg ngày 14/8/ của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 và khai giảng năm học mới trên địa bàn.
Thế nhưng trong gần 1 giờ đồng hồ cùng nhân viên bảo vệ cơ sở 2 trường Trần Cao Vân đứng ngóng trước cổng trường, chúng tôi không hề thấy có lực lượng chức năng nào xuất hiện; gọi điện báo cho CSGT cũng không thấy có người tới xử lý.
Đáng nói là vào thời điểm đó có 2 cán bộ Cảnh sát trật tự cơ động cưỡi mô tô “bồ câu trắng” đi ngang qua đây, thấy rất rõ xe ô tô 43A-24876 đậu ngang ngược trước cổng trường ngay trong thời điểm diễn ra lễ khai giảng, nhưng họ vẫn bỏ đi thẳng!
Mãi đến gần 7h sáng mới thấy có một cán bộ Thanh tra Sở GTVT Đà Nẵng xuất hiện. Anh này thắc mắc, lẽ ra phải có thêm 01 người của Công an quận, 01 người của Quy tắc đô thị quận Thanh Khê tới trực đảm bảo trật tự ATGT ở điểm này, chứ sao chỉ có mình anh? Loay hoay một hồi không biết ai là chủ xe, anh Thanh tra giao thông đành lấy điện thoại chụp ảnh chiếc xe làm bằng chứng.
Rồi do không đem sẵn Thông báo xử phạt nên anh này phải chạy về cơ quan để lấy. Đế khi anh quay lại thì lễ khai giảng đã diễn ra được một lúc, nhưng chiếc xe ngang ngược thì vẫn đậu ở đó.
Nhân viên bảo vệ của trường yêu cầu cho xe cẩu chiếc 43A-24876 về nơi tập kết xe vi phạm để xử lý và tạo thông thoáng cho cổng trường, tuy nhiên anh Thanh tra giao thông chỉ viết Thông báo dán lên xe, mời chủ xe đến Thanh tra Sở GTVT Đà Nẵng để phạt nguội do lỗi “Đỗ xe trước cổng trường trong phạm vi 5m”.
Theo anh Thanh tra giao thông cho biết, mức phạt đối với vi phạm của xe 43A-24876 khoảng 600.000 – 700.000 đồng. Có lẽ, với chủ nhân những chiếc xe nêu trên, mức phạt này chẳng thấm vào đâu. Nhưng với học sinh thì khi nhìn vào những hành vi này của phụ huynh, của người lớn thì lại có thể đem đến cho các em, các cháu thói quen khinh nhờn pháp luật.
Nói đâu cho xa, ngay sau khi kết thúc lễ khai giảng tại trường THCS Trưng Vương, một trong những “trường điểm” của quận Hải Châu và TP Đà Nẵng, chúng tôi đã thấy có em học sinh mới cấp THCS thôi nhưng đã cưỡi xe máy, đầu không đội mũ bảo hiểm, cứ thế phóng đi vun vút. Điều gì sẽ chờ đợi những em học sinh này ở phía trước?