Ngày Tết Độc lập đầu tiên ở Sài Gòn

0
1376

Những dấu mốc lịch sử

Sau khi phát xít Nhật đầu hàng, thời cơ cách mạng đã đến. Thực hiện kế hoạch của Xứ ủy Tiền phong, Thành ủy Sài Gòn và Tỉnh ủy Gia Định trực tiếp lãnh đạo nhân dân vùng lên giành chính quyền. Ngày 15/8/1945, Thường vụ Xứ ủy Tiền phong chỉ định Ủy ban khởi nghĩa và tổ chức họp tại chợ Đệm (Bình Chánh), quyết định: Khi có tin Hà Nội khởi nghĩa thì Sài Gòn lập tức phải khởi nghĩa.

Sáng 18/8/1945, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Tổng thư ký Thanh niên Tiền phong tự treo cờ Đảng búa liềm trước nhà mình. Thành ủy Sài Gòn chủ trương treo cờ đỏ trước nhà hàng Anh Long, cơ quan liên lạc của Thành ủy. Chiều cùng ngày, tại sân bóng Vườn Ông Thượng (nay là Công viên Tao Đàn), trong lễ tuyên thệ lần thứ hai của Thanh niên Tiền phong, đồng chí Phạm Ngọc Thạch đã đọc diễn văn khích lệ lòng yêu nước, cổ vũ quần chúng đứng lên làm cách mạng, giành độc lập dân chủ.

Sáng 21/8/1945, cờ đỏ sao vàng của Việt Minh cắm trên 10 xe ô tô chạy khắp các phố của Sài Gòn để cổ vũ phong trào nổi dậy của quần chúng. Cũng trong ngày, Xứ ủy Tiền phong tổ chức hội nghị mở rộng, quyết định cho Tỉnh ủy Tân An khởi nghĩa thí điểm vào đêm 22 rạng ngày 23/8.

Sáng sớm ngày 23/8, được tin Tân An khởi nghĩa thắng lợi, Xứ ủy Tiền phong lại họp và quyết định đêm 24/8, Sài Gòn khởi nghĩa. Sáng 25/8 sẽ tổ chức biểu tình vũ trang để ra mắt Ủy ban Hành chính lâm thời Nam Bộ.

19 giờ ngày 24/8/1945, đồng bào khởi nghĩa tiến về chiếm các sở: Công an, Cảnh sát, Nhà ga, Bưu điện… của địch. 22 giờ, Tráng đoàn Lê Lai thuộc Thanh niên Tiền phong chiếm dinh Khâm sai, cắm cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc dinh.

Sáng sớm ngày 25/8, cả triệu quần chúng Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định và các tỉnh lân cận hừng hực khí thế cách mạng, ào ạt kéo vào thành phố giành chính quyền.

Ngày 2/9/1945, tại Sài Gòn, Lâm ủy Hành chính Nam Bộ tổ chức mít tinh chào mừng Ngày Độc Lập với hơn 1 triệu người tham gia trong niềm vui khôn tả.

Một góc phục dựng không khí sục sôi của quân và dân miền Nam tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh.

Vẹn nguyên những địa danh lịch sử

Tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh, hiện vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn hình ảnh của những địa danh lịch sử, những con người lịch sử năm xưa. Đó là ngôi nhà của đồng chí Chung Văn Năm ở ấp 5, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, nơi các đồng chí vượt ngục Tà Lài về bàn kế hoạch cho Cách mạng Tháng Tám năm 1945; nhà ông Nguyễn Văn Thọ, nơi Xứ ủy Nam kỳ họp quyết định khởi nghĩa thí điểm ở Tân An.

Ngôi nhà của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, nơi treo cờ búa liềm công khai năm 1945, nằm giữa những vườn cây xanh tốt, nay vẫn còn đó trong con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3).

Rạp Nguyễn Văn Hảo trên đường Gallieni (nay là đường Trần Hưng Đạo), nơi truy điệu chí sĩ cách mạng Nguyễn An Ninh và Việt Minh ra mắt công khai ngày 20/8/1945. Đây được coi là “thánh đường cải lương” của người Sài Gòn trước năm 1975, nơi những người làm cải lương được thỏa sức sáng tạo. Trải qua nhiều thăng trầm, sau năm 1975, rạp Nguyễn Văn Hảo đổi tên thành Công Nhân. Thập niên 1990, rạp Công Nhân được cải tạo, trở thành trụ sở của Nhà hát kịch Thành phố Hồ Chí Minh.

Và chính tòa nhà Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh cũng là một chứng tích lịch sử của những ngày tháng hào hùng năm 1945 đó. Tòa nhà được khởi công xây dựng năm 1885 và hoàn thành năm 1890, được Phó Toàn quyền Đông Dương Henri Eloi Danel (1850 – 1898) dùng làm tư dinh.

Đặt ở vị trí trung tâm Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh là bức ảnh chụp không khí mít tinh mừng Ngày Độc Lập 2/9/1945 ở Sài Gòn. Từ bức ảnh quý giá này, Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh đã phục dựng lại không khí tưng bừng, nô nức và hừng hực quyết tâm của hàng triệu đồng bào Nam Bộ dự mít tinh ở Quảng trường Norodom sau lưng Nhà thờ Đức Bà ngày ấy.

Lễ Độc Lập ở Sài Gòn được cử hành lúc 14 giờ với rợp trời cờ đỏ sao vàng và băng rôn, biểu ngữ ủng hộ cách mạng.

Ông Trần Văn Giàu khi ấy là Bí thư Xứ ủy Nam kỳ, Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Nam bộ, Chủ tịch Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam bộ đã nhanh chóng lên lễ đài ứng khẩu bài diễn văn.

Sau khi tuyên bố một sự đổi thay lớn đã đến với lịch sử nước nhà sau Cách mạng Tháng Tám, ông nhấn mạnh: “Việt Nam từ một xứ thuộc địa đã trở thành một nước độc lập. Việt Nam từ một đế chế đã trở thành một nước Cộng hòa. Việt Nam đương tiến bước trên đường sống”. Ông lại hỏi: “Đồng bào ở đây có ai thừa nhận một quan toàn quyền cai trị xứ ta không. Có ai bó tay để cho chế độ thực dân – ra mặt hay giấu mặt, trở lại không?”

Ông kết thúc bài diễn văn bằng lời kêu gọi: “Quốc dân hãy sẵn sàng chiến đấu. Đứng lên! Ngày độc lập bắt đầu từ nay. Tiến tới vì độc lập, vì tự do, tiến tới mãi. Không một thành lũy nào ngăn nổi chí của muôn dân trên đường giải phóng”.

Cụ Trần Văn Sáng nhà ở đường Bàu Cát 6 (phường 11, quận Tân Bình), năm nay đã hơn 90 tuổi xúc động nhớ lại: “Khi bác Giàu lên lễ đài phát biểu, mọi người vỗ tay hò reo, sau đó im lặng lắng nghe. Bác Giàu nói dài nhưng tôi vẫn nhớ mấy ý chính: Một, chúng ta từ một nước nô lệ bị trị trở thành một nước độc lập. Từ một nước quân chủ trở thành chế độ dân chủ Cộng hòa. Chúng ta đang đứng trước một thử thách rất lớn là họa xâm lăng bên ngoài đang đe dọa. Như vậy, tất cả chúng ta phải đem tất cả tinh thần và lực lượng để bảo vệ nền độc lập đó…”.

Đức Hạnh