Rượu bia là tác nhân gây ra nhiều vụ TNGT thảm khốc, tài xế vào tù |
Liên tiếp những vụ tai nạn thương tâm có nguyên nhân từ rượu. Nhiều đứa trẻ bỗng chốc mồ côi, nhiều người sau những chén say bỗng trở thành tội đồ. Mạng xã hội phẫn nộ lan truyền kêu gọi cũng như mệnh lệnh “uống rượu bia, không lái xe”!
Nhưng đó cũng chỉ là những hành động giải quyết “phần ngọn” của vấn đề. Vậy căn nguyên vấn đề do đâu, làm cách nào để Việt Nam không còn là đất nước “vô địch” Đông Nam Á về tỷ lệ uống rượu bia?
Infonet xin đăng bài viết của Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Trần Trang về vấn đề này. Vụ Pháp chế là đơn vị được Bộ Y tế giao chủ trì soạn thảo dự án Luật Phòng chống tác hại rượu bia. Dưới đây là bài viết của Phó Vụ trưởng Trần Trang:
Cụm từ “có trách nhiệm” đã khiến cho không ít người, kể cả những người có trình độ và vị thế xã hội lầm tưởng hoặc có đủ tri thức để hiểu nhưng vì một lý do nào đó cố gắng (muốn) cho rằng, rượu bia vô hại và chỉ có người uống là có lỗi mà thôi.
Cách đánh tráo khái niệm này đã hoán đổi hoàn toàn trách nhiệm của ngành công nghiệp rượu bia sang người uống và làm cho rượu bia không còn bất bình thường, lờ đi các giải pháp căn nguyên, gốc rễ của vấn đề, về tác hại của rượu bia.
Thông điệp này đã được họ tuyên truyền ở khắp nơi, thậm chí họ tài trợ trực tiếp hoặc thông qua các tổ chức trung gian để tạo nên những chương trình “uống có trách nhiệm”.
Để kiểm chứng, bạn có thể vào Facebook của Quang Hải, một cầu thủ tài năng tôi rất mến mộ để thấy, họ dùng Quang Hải quảng bá thông điệp này thế nào. Và nếu để ý thêm sẽ thấy chiếc micro phỏng vấn Quang Hải, chữ uống được viết to đùng còn chữ trách nhiệm thì bé tí teo.
Lần đầu tiên tôi tiếp cận với cụm từ này khoảng năm 2007, tại một hội nghị quốc tế ở Singapore. Nơi đó, các nhà sản xuất rượu bia hàng đầu thế giới và cả một số tổ chức nghiên cứu có nguồn tài trợ từ ngành công nghiệp rượu bia say xưa thuyết phục về “uống có trách nhiệm”, khuyến nghị nên dùng nó trong các quảng cáo, trong các chương trình uống rượu bia không lái xe và trong các cảnh báo ghi nhãn rượu bia.
Với nhận thức non nớt, vốn sống mỏng lại mù kiến thức khoa học về rượu bia và về y tế công cộng lúc đó đã làm tôi bị choáng ngợp, gần như đã nghĩ rằng, nếu biết có trách nhiệm thì rượu bia sẽ không gây hại hoặc gây rất ít.
Nhưng không, càng tìm hiểu tôi mới biết mình đã bị lừa ngoạn mục thế nào. Nó giống như cô gái bị cơn say nắng trước một chàng trai lăng nhăng, nhưng khéo mồm. Mà không ít phụ nữ hay bị thích và hay bị lừa bởi tuýp người đó.
Cái gốc của rượu bia là chất cồn có trong sản phẩm đã được giới khoa học xếp vào nhóm chất gây nghiện, sẽ tác động đến hệ thần kinh ngay khi ta uống.
Vậy thì khi đã uống vào rồi liệu còn đủ tỉnh táo để suy nghĩ đến trách nhiệm không? Và ngay cả trước khi uống ta có đau đáu đến trách nhiệm nhưng uống một cốc, một ly vào nó chuếnh choáng rồi mà các em nhân viên phục vụ “trắng như trứng gà bóc” bên cạnh cứ mải mê khui hết chai này đến chai khác; rồi những tiếng dzô ở các bàn nhậu xung quanh; rồi sếp, đối tác, bạn bè cứ đứng chờ uống hết để bắt tay thì ta có còn đủ tỉnh táo nghĩ được trách nhiệm không, hay chỉ nhắm mắt tu ừng ực như một cái máy???
Rồi với những đứa trẻ hay thanh niên mới lớn thiếu kiến thức sống nhưng thừa sự ngông nghênh, tự phụ ở cái lứa tuổi coi trời bằng vung thì trách nhiệm cái nỗi gì???
Đấy là chưa kể không ít người cứ truyền tai nhau mỗi ngày một ly rượu vang sẽ tốt cho tim mạch, mà không biết rằng cái đó chỉ được dành cho một số ít người trên tuổi 40, không có chống chỉ định chất cồn.
Và với họ cũng phải có ít nhất 2 ngày trong tuần không uống, đồng thời phải theo dõi nguy cơ nghiện và các tác hại sức khỏe khác có thể xảy ra. Bởi vì lợi đâu chưa thấy, nhưng mỗi ngày một ly thì sau một hai năm nó phải là mỗi ngày một chai các giáo sư nhân dân ạ.
Một nửa cái bánh mỳ là bánh mỳ nhưng nói chỉ nửa sự thật là sự phá hoại. Một bàn tay không thể làm nên tiếng vỗ mà cần sự cộng đồng, chung tay. Trách nhiệm là thứ có thể khơi gợi, khích lệ và giáo dục nhưng mình nó thôi không đủ mà cần tạo điều kiện, môi trường để nuôi dưỡng, để nó sống được bằng cách dẹp bỏ bớt những cản trở xung quanh.
Vấn đề là phải làm cho rượu bia trở nên khó tiếp cận hơn, không sẵn có, tràn lan như hiện nay bằng cách đánh thuế cao để giá cao, hạn chế/cấm quảng cáo, khuyến mại, tài trợ, hạn chế mật độ điểm bán, giờ bán, điểm uống, giờ uống, lái xe thì không uống và xử phạt nghiêm.
Đấy mới là giải pháp gốc dễ để cho con người có thể còn đủ tỉnh táo mà nghĩ đến trách nhiệm sau mỗi cốc bia, chén rượu.
Sau những tai nạn thương tâm do lái xe uống rượu bia gây ra chúng ta có thể trắc ẩn và thương cảm dành dụm, quyên góp để chia sẻ, vợi bớt một phần nỗi đau và cũng để tìm sự an yên cho tâm hồn mình, có thể kêu gọi cộng đồng thức tỉnh đã lái xe thì không bia rượu để không còn những hậu quả đau lòng. Nhưng đấy chỉ là những ân tình tự phát, nhất thời.
Để bền vững thì cần giải quyết được căn nguyên vấn đề bằng một chính sách bền vững, phải để cho mọi người nhận thức được rượu bia không phải là hàng hóa bình thường và có cơ chế quản lý chặt chẽ với nó bằng các quy định pháp luật như hàng trăm quốc gia khác đã và đang làm từ vài chục thập kỷ trước.
Một hành động đẹp có thể cứu sống một con người, nhưng một chính sách tốt có thể cứu sống hàng vạn người và làm cho hàng triệu người khác hạnh phúc.
Xin đừng bao giờ dùng cụm từ “uống có trách nhiệm” khi bạn chưa thật sự hiểu hay chưa muốn hiểu về nó bằng cả tâm và trí của mình. Nó không phải là một thông điệp đơn giản vì nó được khởi nguồn từ ngành công nghiệp rượu bia quốc tế. Mà trách nhiệm tối thượng của ngành chỉ là uống và uống mà thôi!!!