Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị |
Hoàn thành chỉ tiêu Quốc hội giao
Báo cáo với Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, trong năm 2018 toàn ngành đã đạt được những chỉ tiêu cơ bản đặt ra như: Tháo gỡ những vướng mắc về thể chế để phát huy nguồn lực tài nguyên cho phát triển KT-XH tăng nguồn thu ngân sách; Hoàn thành chỉ tiêu Quốc hội giao về tỷ lệ các KCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung, nhiều chỉ tiêu khác về môi trường đều có chuyển biến tích cực; kiểm soát chặt chẽ các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao để đi vào vận hành, đóng góp cho tăng trưởng.
Đánh giá cao báo cáo mà Bộ trưởng Trần Hồng Hà trình bày, Thủ tướng đề nghị các đại biểu thảo luận nhiều hơn, nói thẳng, nói thật, “không sợ mất lòng” về các vướng mắc, vấn đề bức xúc hiện nay trong ngành. Ví dụ như, vấn đề xã hội hóa một số lĩnh vực trong ngành TN&MT được triển khai đến đâu, hay vướng mắc về thủ tục hành chính, phân cấp, giao quyền như thế nào. Tình hình đánh giá môi trường (DTM) tại các dự án ra sao, có thực chất hay không? “Rồi vấn đề cán bộ trong hệ thống chúng ta mà tôi cho rằng rất quan trọng vì có quyền hạn lớn trong lĩnh vực quản lý, phẩm chất, đạo đức, năng lực cán bộ như thế nào?”, Thủ tướng nói và đánh giá cao việc khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh của Bộ TN&MT.
Đặc biệt, Thủ tướng muốn nghe các ý kiến về các bức xúc hiện nay của ngành TN&MT, có phải vấn đề dòng sông chết, hay là vấn đề hạ mực nước ngầm do khai thác bừa bãi, đất đai nông, lâm trường, khai thác cát bừa bãi… và nhất là thể chế, chính sách. Thể chế, chính sách nào để giải phóng, tạo điều kiện cho hệ thống TN&MT phát triển, chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, phục vụ sản xuất và bảo vệ môi trường.
Thủ tướng đề nghị xoáy vào bức xúc, vấn đề nổi cộm hiện nay để tập trung xử lý, giải quyết như việc áp dụng công nghệ 4.0, một vấn đề quan trọng đối với ngành, có quan hệ trực tiếp đối với công tác phòng chống thiên tai, “chúng ta hiện đại hóa, kết nối, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới của thế giới thì sẽ giảm thiệt hại thế nào?”. Hay vấn đề hạn chế sử dụng túi nilon, rác thải nhựa, rác thải đại dương, cũng như việc xử lý rác thải ở nông thôn thế nào, trách nhiệm chính thuộc về cơ quan, ngành nào: TN&MT, nông nghiệp và phát triển nông thôn hay xây dựng? Rác thải nhiều nhưng có tình trạng nhà đầu tư không có rác để xử lý thì trách nhiệm quản lý ra sao?
Đề cao vai trò của các tổng cục, các cục thuộc Bộ TN&MT, các sở TN&MT, UBND các tỉnh trong xử lý các vấn đề này, Thủ tướng cho biết, phương châm hành động “12 chữ” của Chính phủ có chữ “bứt phá” và đặt vấn đề đề “bứt phá” trong ngành TN&MT là gì và nếu tổng cục, sở không có chuyển biến, không nhúc nhích thì có nên chuyển công tác đối với cán bộ liên quan hay không?
Ngay sau đó, đại diện UBND TP Hà Nội, Quảng Ninh, An Giang, Bộ Y tế… đã có những tham luận đóng góp vào bản báo cáo đồng thời đưa ra những kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho địa phương.
Công khai minh bạch, xử lý nghiêm vi phạm
Kết luận tại hội nghị, biểu dương những kết quả mà Bộ TN&MT đạt được trong năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại mà ngành cần khắc phục.
Đó là, trong báo cáo khảo sát xã hội do Văn phòng Chính phủ cung cấp có câu hỏi “vấn đề lo lắng nhất hiện nay là gì?”, thì nhận được tới 14 vấn đề như: việc làm, y tế- giáo dục, nhà ở, tham nhũng, ô nhiễm không khí, an toàn thực phẩm, thiên tai, an ninh năng lượng, khí hậu… Bộ TN&MT chiếm 4/14 “sự lo lắng” của người dân. Thủ tướng nhấn mạnh, “làm phục vụ nhân dân mà để nhân dân lo lắng, là trách nhiệm của chúng ta trong đó có Bộ TN &MT”.
Thủ tướng cũng chỉ ra, mô hình Tổng Cục ở Bộ TN&MT còn nhiều bất cập. Theo đó, Bộ có tới 5 tổng cục “nếu không tổ chức công việc thì cấp trung gian này sẽ xa dân, quan liêu. Thực tế một số tổng cụ làm tốt, nhưng một số chưa hiệu quả”. Đặc biệt, Thủ tướng cũng chỉ ra không chỉ cấp Tổng Cục mà các Sở TN& MT còn quan liêu xa dân, hách dịch chưa có biện pháp mạnh đề xuất giải quyết vấn đề, nhiều nơi buông lỏng, bị động không phát huy nguồn lực. Tình hình khiếu kiện đất đai, đền phù GPMB… vẫn còn. Tình trạng quản lý đất đai tài nguyên khoáng sản còn lãng phí, khiếu kiện có giảm nhưng còn nhiều vụ nổi cộm. “Thủ tướng quyết liệt nhưng nhiều địa phương buông lỏng”, Thủ tướng nhận định.
Thủ tướng cũng chỉ ra tình trạng một số cán bộ trong hệ thống ngành TN&MT chưa gương mẫu gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, thậm chí có cán bộ có hành vi tiêu cực.
“Đây là hệ thống mà người dân rất chú ý. Đề nghị cần xử lý dứt điểm tình trạng này, chúng ta cần phải phát huy tinh thần nêu gương”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Sau khi chỉ ra các tồn tại, Thủ tướng cũng đặt ra cho Bộ TN&MT 4 nhiệm vụ cần thực hiện trong năm 2019 đồng thời đề ra những giải pháp. Trong đó, Bộ cần chú trọng giảm tình trạng xin cho, công khai minh bạch, xử lý nghiêm vi phạm, phân cấp giao quyền mạnh hơn.
“Trong đó đặc biệt phải đẩy nhanh tiến độ sửa đổi Luật Tài nguyên môi trường. Khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Năm 2019, Bộ phải tiến hành rà soát tất cả các quy chuẩn môi trường tiệm cận với các nước, thiết lập hàng rào kỹ thuật; ban hành bộ chỉ số đánh giá kết quả xếp hạng bảo vệ môi trường giữa các địa phương; từng Sở TN&MT làm tốt chức năng được giao; hoàn thiện chính sách sử dụng đất hiệu quả hơn, chống thất thoát lãng phí. Bộ cũng cần làm tốt công tác quy hoạch nâng cao công tác quản lý, quy hoạch sử dụng đất đai, quy hoạch biển quốc gia, quy hoạch nước quốc gia, nhất là quy hoạch đất đai tạo sự đồng bộ hiệu quả”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Bộ TN&MT, năm 2018, Bộ đạt 7 kết quả nổi bật. Cụ thể là kiến tạo thể chế, chính sách, pháp luật nhằm xóa bỏ rào cản, giải phóng các nguồn lực tài nguyên cho phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường cho phát triển bền vững. Công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, giải quyết những vấn đề bức xúc từ thực tiễn. Đẩy mạnh cải cách hành chính với 3 trọng tâm là cải cách thể chế, tổ chức bộ máy và hiện đại hóa nền hành chính; chủ động hội nhập, hợp tác quốc tế; tăng cường nghiên cứu khoa học, ứng dụng thành quả cách mạng công nghiệp 4.0. Theo đó, Bộ đã bãi bỏ, sửa đổi gần 63% điều kiện kinh doanh; giảm 189 tổ chức cấp phòng trở lên; tinh giản 677 công chức, viên chức. Phát huy tài nguyên trở thành thành nguồn lực quan trọng cho phát triển đất nước, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Cụ thể, trong 3 năm đã đưa hơn 50.000 ha đất chưa sử dụng vào các mục đích phát triển kinh tế-xã hội. Đã xử lý, thu hồi, hủy bỏ hơn 1.500 dự án với diện tích gần 30.000 ha. Đổi mới phương thức quản lý môi trường từ bị động giải quyết sang chủ động phòng ngừa. Nâng cao chất lượng dự báo, đổi mới cơ chế hoạt động khí tượng thủy văn; chủ động đề xuất các quyết sách có tính hệ thống, chiến lược về ứng phó vói biến đổi khí hậu. Đặt nền móng cho số hóa hệ thống thông tin địa lý; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ viễn thám phục vụ quản lý, giám sát tài nguyên, môi trường. |