NSND Thanh Hoa hát “Làng quan họ quê tôi”
Tôi vừa nghe tin Nguyễn Trọng Tạo đã ra đi từ cô bạn thân. Dẫu biết rằng ngày này rồi sẽ đến nhưng lòng không khỏi đau xót, thương bạn vô cùng. Tạo phát hiện mình mắc căn bệnh ung thư phổi từ tháng 9/2018 và từ đó anh thường xuyên nằm bệnh viện điều trị.
Lần gặp nhau cuối cùng trước khi Tạo đi, Tạo chỉ ngồi khóc thôi. Giờ tôi lại khóc Tạo!
Hôm 23/12, tôi cùng vợ chồng nhà thơ Thanh Thảo từ Quảng Ngãi ra và một số người bạn như: nhà thơ Thế Oanh, nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán, Trần Định, nhà báo Thế Khoa… đến thăm, động viên, Tạo khóc. Tạo cũng muốn giữ mọi người ăn cùng bữa cơm nhưng không kịp nữa rồi…
Tôi và những người bạn, những người thân thiết của Tạo sẽ cùng đưa Tạo về quê, nơi anh yên giấc ngàn thu. Sau đêm nhạc “Khúc hát sông quê” của Tạo vào tháng 8/2018 tại Nghệ An, Tạo đã chỉ cho tôi nơi anh muốn nằm cuối cùng. Đó là khu vườn của gia đình Tạo, ở làng Diễn Hoa, Diễn Châu, Nghệ An. Nơi anh chọn nằm dưới một gốc cây to, đẹp lắm!
Thời điểm đó, khi thấy Tạo mạnh khỏe trở lại, lạc quan sau đợt tai biến và thực hiện đêm nhạc “Khúc hát sông quê” kỷ niệm sinh nhật lần thứ 71, tôi vui lắm. Ai ngờ, vận hạn chưa hết, Tạo lại mắc bệnh ung thư phổi…
Tôi và Nguyễn Trọng Tạo đã chơi với nhau 40 năm nay rồi. Nguyễn Thụy Kha với Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Hoa vẫn được người ta gọi là “3 anh em họ Nguyễn” ở trong “Thủy Hử”. Nguyễn Hoa ít uống rượu nhưng tôi và Tạo lại là cặp đôi ưng ý, từng uống qua đêm với nhau.
Sau đợt Tạo bị tai biến cuối năm 2017, rồi phát hiện bị ung thư phổi, Tạo không uống được rượu nữa. Tôi cũng buồn khi không có người uống rượu cùng. Trí nhớ của Tạo cũng bị ảnh hưởng sau đợt tai biến. Là bạn thân mà có lúc mãi Tạo mới nhớ ra… tên tôi.
Trong mọi quan niệm về cách tân thơ, về âm nhạc chúng tôi rất gần gũi nên chia sẻ được nhiều trong những năm tháng vừa qua. Chúng tôi cũng song hành nhiều cuộc đi sáng tác nên sự gắn bó ngày càng bền chặt.
Chúng tôi bổ sung cho nhau. Chúng tôi là những người có năng lực nên biết tôn trọng tài năng của người khác. Chơi với nhau phải biết phục nhau, thế cho nên tôi rất phục Tạo.
Nguyễn Trọng Tạo là người đa tài, hoạt động ở nhiều lĩnh vực, năng lượng rất dồi dào. Về thơ, anh muốn cách tân thơ. Anh dìu dắt nhiều thế hệ làm thơ như Văn Cầm Hải, Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh. Tạo chung thủy đến cùng với quyết tâm cách tân ấy.
Về âm nhạc, anh rất muốn đóng góp gì đó có tính chất dân tộc. Anh làm cả về bìa sách, vẽ.
Với sự đa tài, những đóng góp của Nguyễn Trọng Tạo, tôi đánh giá Tạo chỉ đứng sau Văn Cao, Nguyễn Đình Thi.
Tôi đặc biệt thích bài “Làng quan họ quê tôi” của Nguyễn Trọng Tạo. Tôi đánh giá đó là sáng tác số 1, sẽ còn sống mãi với thời gian. Ca khúc “Làng quan họ” quê tôi được viết với khúc thức nghiêm cẩn. Cảm xúc rất dạt dào. Có thể nói “Làng quan họ quê tôi” là một phát lộ của Tạo trong sáng tác.
Còn thơ của anh Tạo, tôi thích nhất bài “Chia” và bài “Đồng Dao cho người lớn”. Tác phẩm này và Trường ca Đồng Lộc giúp Nguyễn Trọng Tạo giành Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2012.
Bài thơ “Chia” có tứ thơ rất hay:
“chia cho em một đời tôi
một cay đắng
một niềm vui
một buồn
tôi còn cái xác không hồn
cái chai không rượu tôi còn vỏ chai
chia cho em một đời say
một cây si
với
một cây bồ đề
tôi còn đâu nữa đam mê
trời chang chang nắng tôi về héo khô
chia cho em một đời Thơ
một lênh đênh
một dại khờ
một tôi
chỉ còn cỏ mọc bên trời
một bông hoa nhỏ lặng rơi mưa dầm…”
Nguyễn Hằng ghi