Boney M – “một thời để nhớ, một thời để thương”

0
1471

Boney M sẽ tái ngộ công chúng Việt

Boney M – nhóm nhạc nằm trong ký ức người Việt hồi thập niên 1980 – sẽ tái ngộ công chúng trong một sự kiện âm nhạc được tổ chức trong năm 2019 tới đây.

Những người yêu mến giai điệu vui tươi hứng phấn của Boney M sẽ có dịp được nghe lại những ca khúc in hằn trong ký ức của họ một thời gian khó. Trong sự kiện âm nhạc hứa hẹn gây sốt này, Boney M sẽ đem đến cho khán giả một đêm nhạc của những giai điệu rộn ràng, hưng phấn nhưng cũng gợi nhắc sự quen thuộc đầy xao xuyến của một thời đã qua.

Boney M

Boney M

Nhiều ca khúc của Boney M chỉ cần vang lên đã khiến người nghe muốn nhún nhảy. Họ nằm trong nhóm những ban nhạc huyền thoại đối với ký ức người yêu nhạc quốc tế tại Việt Nam. Nhiều ca khúc của Boney M đã được thuộc nằm lòng đối với một thế hệ công chúng người Việt.

Boney M lần đầu đến Việt Nam hồi năm 2016. Khi ấy, họ đã thực sự gây sốt, để lại kỷ niệm đáng nhớ cho người hâm mộ. Boney M của thuở ban đầu giờ đã tan rã, nhưng giọng nữ lĩnh xướng đầy khỏe khoắn của nhóm – Liz Mitchell – vẫn có thể đưa lại cho công chúng một không gian âm nhạc của ký ức, hoài niệm mà người nghe từng có về Boney M.

Trở lại Việt Nam trong năm 2019, Boney M sẽ có đêm nhạc cùng với nhóm nhạc nam đình đám một thời đến từ nước Áo – nhóm Joy. Tại Việt Nam, người yêu nhạc quốc tế từng săn lùng những cuốn băng cát-sét để nghe những ca khúc của Joy, như “Touch by Touch”, “Hello”, “Valerie”, “Japanese Girl”…

Đây là lần đầu tiên nhóm Joy đến với khán giả Việt. Cùng “hợp lực” với Boney M, sự kiện âm nhạc hoài niệm về “một thời để nhớ” sẽ thực sự bùng nổ. Đêm nhạc của Boney M và Joy sẽ được tổ chức vào tối ngày 8/3/2019 tại Hà Nội.

Touch By Touch – Joy

Duyên cớ tình cờ đưa đến sự ra đời của Boney M

Boney M là một ban nhạc “tình thế”, ra đời không hề có chủ định trước, mọi thứ phát sinh rất ngẫu nhiên, do ông bầu ca nhạc Farian bỗng dưng một ngày cho ra đĩa hát của riêng mình, nhưng lại không muốn xuất hiện trước công chúng, thế là Boney M… “xuống trái đất”.

Đã 42 năm kể từ khi Boney M cho ra mắt album kinh điển đầu tay của nhóm – “Take the Heat off Me” (1976) và bắt đầu chặng hành trình chinh phục mọi sàn disco trên khắp thế giới với những bản hit trong album như “Daddy Cool”, “Sunny”, “Baby Do You Wanna Bump”…

Boney M

Boney M

Về cái tên Boney M trứ danh, có một câu chuyện được kể lại nhiều, đó là ông bầu có công thành lập nhóm và giúp đưa Boney M lên đỉnh cao thành công – ông Frank Farian – đã có lần xem một loạt phim truyền hình của Úc phát trên sóng truyền hình Đức, trong đó có một nhân vật nam tên là Boney.

Farian ngay lập tức bị ấn tượng bởi cái tên này và bắt đầu lẩm nhẩm trong đầu để rồi cuối cùng bật ra – Boney M. Thế là tên ban nhạc ra đời…

Trong làng nhạc quốc tế, khi một nghệ sĩ hoặc nhóm nhạc muốn được đưa lên hàng sao quốc tế, đòi hỏi họ phải có được những dấu ấn nhất định trong thị trường âm nhạc lớn hàng đầu thế giới – Mỹ. Tuy vậy, Boney M thực tế chưa bao giờ có được một thành công đáng kể nào ở Mỹ, chủ yếu họ gây được tiếng vang trong dòng nhạc disco ở Châu Âu hồi thập niên 1970.

Daddy Cool – Boney M

Cái duyên thành lập nên Boney M phải kể đến bản hit “Baby Do You Wanna Bump” – đĩa đơn đầu tay của nhóm nhưng lại không do nhóm thể hiện.

Câu chuyện bắt đầu từ ông bầu ca nhạc người Đức Frank Farian, sau khi thực hiện xong đĩa đơn “Baby Do You Wanna Bump” (mà sau này sẽ rất thành công ở Hà Lan và Bỉ), ông liền quyết định sáng tạo ra một nhóm nhạc “giả tưởng” có tên Boney M để quảng bá cho đĩa đơn này.

Thực tế, Frank Farian không chỉ là một nhạc sĩ, một ông bầu ca nhạc, mà còn là một ca sĩ với giọng hát không tệ, nhưng Farian (tên thật Franz Reuther) không có hứng thú với việc phát triển sự nghiệp ca hát của bản thân.

Boney M

Boney M

Sau khi tự mình ghi âm xong đĩa đơn “Baby Do You Wanna Bump” hồi tháng 12/1974, trong đó Farian chính là người hát lặp đi lặp lại câu “Do you do you wanna bump?” với gam trầm và cũng đồng thời là giọng nam cao thể hiện những “tiếng hú” trong nhạc phẩm, Farian nghĩ cách làm sao để đĩa đơn được ra mắt công chúng mà mình không cần lộ danh, lộ diện.

Vậy là, khi cho ra mắt đĩa đơn, Farian đã đề tên ca sĩ thể hiện là Boney M – một biệt hiệu Farian dành để chỉ chính mình sau khi bắt gặp nhân vật Boney trong một loạt phim truyền hình của Úc. Điều khiến Farian thích thú với cái tên Boney M là bởi những thanh âm này theo ông nghe rất hay mà lại đơn giản.

Sau khi nhạc phẩm này trở thành bản hit ở Hà Lan và Bỉ, Farian bắt đầu nhận được những yêu cầu đặt hàng Boney M biểu diễn, ông chợt nảy ra ý tưởng – hay là sáng tạo ra một ban nhạc Boney M thực sự để đi biểu diễn…

Ban đầu, Boney M liên tục có sự biến động về thành viên, nhưng sau cùng đã có một Boney M như công chúng biết đến và quen thuộc, với 3 nữ 1 nam.

Thực tế, trong các đĩa hát của Boney M, chính ông bầu Frank Farian cũng thường là người góp giọng trong các bản ghi âm trong phòng thu, thay cho thành viên nam Bobby Farrell. Farrell thường chỉ biểu diễn thực sự tại các show truyền hình và các liveshow.

Boney M

Boney M

Đĩa đơn “Baby Do You Wanna Bump” định mệnh đã góp phần đưa tới sự ra đời của Boney M huyền thoại, hàng loạt bản hit xuất hiện sau đó, như “Daddy Cool”, “Sunny”, “Ma Baker”… cũng gây sốt trên khắp các sàn disco Châu Âu.

Năm 1978, Boney M ở vào thời kỳ đỉnh cao danh tiếng với “Rivers of Babylon”, “Brown Girl in the Ring”, “Rasputin”, “Mary’s Boy Child/Oh My Lord”. Tới hôm nay, đã 42 năm trôi qua kể từ ngày đầu ra mắt, âm nhạc của Boney M vẫn tiếp tục được những người yêu nhạc disco vintage tìm nghe.

Mary’s Boy Child – Oh My Lord – Boney M

Ở Việt Nam, cho đến hôm nay, nhiều nhạc phẩm của Boney M vẫn rộn ràng vang lên. Có lẽ không có ban nhạc quốc tế nào gắn liền với những sự kiện tiệc tùng, đám cưới của người dân Việt như Boney M, bởi cứ nhạc của Boney M vang lên là không khí trở nên rộn ràng.

Âm nhạc của Boney M bắt tai, vui vẻ, khiến người nghe ngay lập tức cảm thấy một sự hưng phấn và muốn nhún nhảy.

4 thành viên của Boney M gồm Liz Mitchell (người Jamaica, một quốc đảo ở vùng biển Caribbe), Marcia Barrett, Maizie Williams (cùng đến từ đảo Montserrat thuộc vùng biển Caribbe), và một thành viên nam duy nhất Bobby Farrell (đến từ đảo Aruba cũng thuộc vùng biển Caribbe).

Boney M

Boney M

Ban nhạc được thành lập năm 1976 và đạt danh tiếng đỉnh cao trong “thời đại của nhạc disco” hồi cuối thập niên 1970. Boney M đã từng có một thời kỳ hoàng kim đỉnh cao, khi đó ban nhạc 4 thành viên đã vươn tới đẳng cấp quốc tế với những nhạc phẩm được yêu thích ở nhiều quốc gia và châu lục, bất kể sự khác biệt về ngôn ngữ, màu da.

Nếu Boney M đã không còn được nhắc tới nhiều trong thị trường âm nhạc phương Tây thì có một nhạc phẩm của họ mà vào mỗi dịp Giáng sinh, nhiều người phương Tây vẫn thường nghe thấy vang lên trong các cửa hiệu, đó là “Mary’s Boy Child – Oh My Lord” – nhạc phẩm từng đứng đầu nhiều bảng xếp hạng âm nhạc mùa Giáng sinh năm 1978.

Những phiên bản của Boney M hôm nay

Ban nhạc Boney M tan rã năm 1986, tròn một thập niên sau khi ban nhạc được thành lập. Tuy vậy, những dư âm ảnh hưởng của Boney M vẫn còn tồn tại cho tới hôm nay, nhiều ca sĩ phương Tây vẫn tiếp tục tìm thấy cảm hứng từ các nhạc phẩm đình đám của Boney M một thuở.

Sau khi Boney M tan rã, các thành viên tách lẻ và thành lập nên những ban nhạc Boney M “phiên bản”. Không còn Boney M nguyên gốc của ngày xưa nữa.

Boney M

Boney M

Dù vậy, ban nhạc Boney M do giọng ca nữ chính Liz Mitchell dẫn dắt là ban nhạc duy nhất được ông bầu người Đức Frank Farian ủng hộ cho mang tên gọi này. Frank Farian chính là người đã có công thành lập nhóm và sáng tác nên nhiều bản hit góp phần làm nên tên tuổi của Boney M năm xưa.

Riêng tên gọi Boney M cũng từng là một vấn đề gây tranh cãi giữa các cựu thành viên nhóm nhạc hồi cuối thập niên 1980, khi họ bắt đầu tách lẻ và thành lập các ban nhạc Boney M của riêng mình.

Thậm chí họ đã phải nhờ tới sự phân xử của tòa án và sau cùng tòa đưa ra quyết định hồi năm 1990 rằng tất cả các thành viên trong ban nhạc Boney M “nguyên gốc” đều có quyền đặt tên nhóm nhạc của mình là Boney M sau khi tách lẻ và được quyền trình diễn những ca khúc của Boney M năm xưa.

Sunny – Boney M

Bích Ngọc

Tag :người yêu nhạc, Boney M, nhạc quốc tế, thập niên 1970, Joy