Lần đầu tham gia biểu diễn tại Lễ trao giải Nhân tài Đất Việt, cảm xúc của anh như thế nào?
Đây là lần đầu tiên, tôi tham gia biểu diễn trong chương trình trao giải Nhân tài đất Việt. Là ca sĩ dòng nhạc chính thống, khi tham gia chương trình mang tính chất ngợi ca thành quả, những chương trình tôn vinh những giải thưởng, có cống hiến cho đất nước, trao giải thưởng… tôi cũng rất tự hào.
Ngoài chương trình được tổ chức trang trọng còn rất có ý nghĩa- tôn vinh những người có đóng góp cho xã hội. Tôi được chứng kiến phần trao giải, được biết đến những người- trong cuộc sống mình có thể vô tình không để ý nhưng diễn cùng trong chương trình, mình được nghe những câu chuyện, việc làm rất đáng trân trọng.
Cũng lần đầu tiên thể hiện ca khúc “Thắp sáng lên ngọn lửa Lạc Hồng” cùng ca sĩ Đăng Dương, anh có gặp khó khăn gì không?
Đây là ca khúc được nhiều ca sĩ trước đó thể hiện như Mỹ Linh, Minh Quân, Trọng Tấn… Lần này, tôi và anh Đăng Dương hát mà không có Trọng Tấn. Sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Cường mang màu sắc nhạc rock, khỏe khoắn, đậm chất nhạc của Nguyễn Cường.
Ca sĩ dòng nhạc chính thống như chúng tôi sẽ hát theo một cách khác: hào sảng nhưng hướng về nhạc chính thống hơn. Khi tập, thu ca khúc, tôi và Đăng Dương cũng nhắc nhau, hát cho hòa hợp, thống nhất. Khi nghe lại, chúng tôi thấy tương đối ổn, đáp ứng được yêu cầu của chương trình. Cũng phải chia sẻ thêm là nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Cường không phải dễ hát, không phải ca sĩ nào cũng hát được.
Lễ trao giải Nhân tài Đất Việt 2018 diễn ra đúng vào ngày Nhà giáo 20-10, ngày tôn vinh các thầy giáo, cô giáo. Anh có thể chia sẻ về một người thầy có ảnh hưởng nhiều nhất đến sự nghiệp âm nhạc của mình?
Cứ dịp 20/11, hàng năm chúng tôi gồm tôi, Xuân Hảo, Trường Bắc… hay tụ tập ở nhà thầy Bùi Gia Khánh, giảng viên thanh nhạc tại Nhạc viện Hà Nội, trực tiếp giảng dạy chúng tôi. Nhà thầy ở khu Mai Dịch.
Năm nay, tôi tham gia biểu diễn trong đêm trao giải Nhân tài Đất Việt ngày 20/11 nên vào nhà thầy sớm hơn một ngày. Chúng tôi đến tặng hoa, động viên thầy, bởi giờ thầy cũng 80 tuổi rồi.
Tôi rất biết ơn trước công lao dạy dỗ của thầy.
Cách đây mấy tháng, học trò của thầy cũng tổ chức đêm nhạc ủng hộ cho thầy sau khi bị đột quỵ.
Anh từng chia sẻ có nhiều kỷ niệm gắn bó với người thầy mình kính trọng?
Có rất nhiều kỷ niệm mà giờ tôi vẫn nhớ. Tôi là một trong những học trò được thầy yêu thương. Tôi nhớ cuối buổi học tôi thường chở thầy về nhà hoặc đến nhà thầy chơi, giúp thầy dọn dẹp. Ngoài tình thầy trò, tôi coi thầy như người thân của mình.
Thời học tại Nhạc viện, cô Lê Dung cũng là người thầy tôi biết ơn nhất. NSND Lê Dung chính là người giúp đỡ cho tôi ôn thi miễn phí, lo lắng mọi điều để tôi thi vào Nhạc viện. Cô nói cô không muốn lỡ mất giọng hát đẹp như Việt Hoàn, muốn tôi theo đuổi ca hát một cách chuyên nghiệp nên cô nâng đỡ cho tôi.
Thời điểm đó, thầy Bùi Gia Khánh cũng đã trải qua một lần đò, ở một mình. Còn cô Lê Dung cũng sống một mình. Tôi mê giọng hát cô Lê Dung và cũng quý thầy Bùi Gia Khánh nên hay trêu: “Hay thầy về ở với cô Lê Dung nhé, để em làm mối”. Thầy cũng đùa đùa, có lần làm thơ tặng cô Lê Dung nữa. Ngày ấy, thầy bị gãy một chiếc răng cửa, chỉ còn lại một chiếc. Cô Lê Dung hài hước trêu tôi: “Bảo thầy mày làm răng giả đi thì tao lấy” (Cười)
Những người thầy không chỉ dạy dỗ về chuyên môn mà đối với học trò rất gần gũi. Trong cuộc sống đời thường, thầy Khánh coi học trò như con cháu, không câu nệ. Cũng vì thế học trò nhiều người nghịch ngợm thoải mái trêu đùa.
Đến bây giờ, thầy trò chúng tôi vẫn chia sẻ nhiều điều trong cuộc sống.
Thế còn ngày nhỏ, cậu bé Việt Hoàn có bao giờ nghịch ngợm, có bao giờ bị thầy cô trách phạt?
Ngày bé tôi đi học rất nghiêm túc, không bao giờ bị thầy cô trách phạt. Từ ngày bé, tôi luôn là cây đơn ca chính của nhà trường, hát rất nhiều thể loại âm nhạc và rất được các thầy cô ưu ái.
Xin cảm ơn anh!
Nguyễn Hằng