Dòng chảyVặt vãnh
Tác giả: Arielle Pardes | Nguồn: Wired
Biên dịch: Hồng Hoa | Hiệu đính: Ninh
14/07/2018
Emoji không chỉ là một trò nhắn tin mới của bọn trẻ thế hệ Y. Hãy coi chúng là một thứ ngôn ngữ sơ khai. Các ký tự nhỏ hàm chứa xúc cảm như 😜 hay 🎉 và 💩, đại diện cho ngôn ngữ đầu tiên ra đời trong thế giới kỹ thuật số, được thiết kế để gắn thêm cảm xúc vào những dòng văn bản khô khan. Từ lần đầu xuất hiện trên điện thoại Nhật Bản những năm 90, chúng đã được ưa chuộng, và trong vài năm qua, chúng trở thành một nét đặc trưng trong giao tiếp. Chúng xuất hiện trong các thông cáo báo chí và email công ty. Nhà Trắng đã từng công bố một báo cáo kinh tế minh họa bằng emoji. Năm 2015, từ điển Oxford bình chọn 😂 là “Từ ngữ của năm.” Emoji không chỉ dành cho những người chuyên nói “lmao smh tbh fam.”1Emoji dành cho tất cả mọi người.
Điều này gây nên áp lực lớn cho thiết kế và tiêu chuẩn của emoji. Nếu emoji là ngôn ngữ chung cho tất cả mọi người trong thế giới kỹ thuật số, thì vốn từ vựng trong emoji cần phải phát triển liên tục cho mọi văn hóa 👳, loại màn hình 📱, thời gian 🕑. Ngày nay có tới hàng nghìn emoji mô tả con người theo đủ kiểu, và hàng nghìn emoji khác để thể hiện cách chúng ta tương tác với thế giới: tiền 💰, hạt cầu nguyện 📿, đồng hồ Apple ⌚. Trong tương lai, khi thế giới ngày càng được số hóa và toàn cầu hóa, emoji sẽ trở thành công cụ quan trọng để phiên dịch và giao tiếp – một ngôn ngữ cầu nối (lingua franca2) của thời đại kỹ thuật số.
Emoji đầu tiên
Ban đầu, chúng ta mới chỉ có các emoticon. Nếu muốn, bạn có thể cho là emoticon đầu tiên đã có từ thời các bài thơ thế kỷ 17, nhưng nói chung thì emoticon hình thành khi : – ) và : – ( và 8-D xuất hiện trong các chatroom thập niên 90. Chúng là những cử chỉ quan trọng của ngôn ngữ mạng thuở sơ khai: Bạn có thể bộc lộ sự châm biếm của mình bằng cách thêm biểu tượng ; – ) vào cuối tin nhắn, hoặc chia sẻ sự “sao cũng được” của mình với hình ảnh ¯_(ツ)_/¯.
Một câu “Tôi hiểu” đơn giản có vẻ lạnh lùng hoặc thụ động, nhưng thêm ❤ vào sẽ khiến thông điệp trở nên đầy ấm áp và cảm thông. Đây chính là sự khởi đầu của một ngôn ngữ trực quan mới.
Emoji đầu tiên được nghệ sĩ người Nhật Shigetaka Kurita tạo ra vào năm 1999. Kurita lúc đó đang làm việc cho nhóm phát triển “i-mode,” một nền tảng Internet di động thời kỳ đầu của DOCOMO, hãng di động chính tại Nhật Bản. Kurita muốn thiết kế một giao diện hấp dẫn để truyền tải thông tin cho đơn giản, gọn gàng: ví dụ, một biểu tượng hiển thị thời tiết, thay cho việc phải gõ từ “có mây.” Vì vậy, Kurita đã phác thảo một tập hợp các hình ảnh 12 x 12 pixel có thể được chọn từ các ô kiểu bàn phím trong giao diện i-mode. Sau khi được gửi đi, chúng sẽ xuất hiện trên điện thoại di động và các trang web dưới dạng các ký tự hình ảnh. 176 emoji ban đầu do Kurita tạo ra – nay là một phần của khu trưng bày cố định tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại New York – dùng biểu tượng thay cho các hình khuôn mặt, vì mục tiêu của DOCOMO là tìm ra những cách mới để thể hiện thông tin. Có những ký tự dùng để thể hiện thời tiết (mặt trời, mây, ô, tuyết), giao thông (xe hơi, xe điện, máy bay, tàu), công nghệ (điện thoại cố định, điện thoại di động, TV, GameBoy), và cả các pha của mặt trăng. Nhưng những ký tự này không chỉ mang thông tin thuần túy: Emoji còn cho phép thêm cảm xúc vào tin nhắn. Một câu “Tôi hiểu” đơn giản có vẻ lạnh lùng hoặc thụ động, nhưng thêm ❤ vào sẽ khiến thông điệp trở nên đầy ấm áp và cảm thông. Đây chính là sự khởi đầu của một ngôn ngữ trực quan mới.
Emoji nhanh chóng trở nên phổ biến ở Nhật Bản, vì các công ty di động đối thủ đã sao chép ý tưởng của DOCOMO. Và khi điện toán di động tiếp tục bùng nổ trong suốt những năm 2000, các công ty bên ngoài Nhật Bản như Apple đã nhìn thấy cơ hội kết hợp emoji vào các nền tảng khác. Năm 2007, một nhóm quốc tế hóa phần mềm tại Google đã quyết định nắm bắt xu thế trên bằng cách đề nghị Hiệp hội Unicode công nhận emoji. Hiệp hội này là một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động kiểu như Liên hợp quốc và có nhiệm vụ duy trì các tiêu chuẩn văn bản trên máy tính.
Vì máy tính về cơ bản hoạt động dựa trên các con số, mỗi chữ cái hoặc ký tự bạn nhập trên máy tính được “mã hóa” hoặc được biểu diễn bằng một mã số. Trước Unicode, có hàng trăm hệ thống mã hóa khác nhau, do đó các máy tính và máy chủ khác nhau sẽ mã hóa văn bản theo các cách khác nhau. Unicode tập trung vào việc tiêu chuẩn hóa các mã này cho ngôn ngữ, giúp cho các chữ cái bạn nhập bằng tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Ả Rập hoặc tiếng Do Thái được hiển thị chính xác trên các nền tảng và trên các thiết bị. Một số nhân viên Google – Kat Momoi, Mark Davis và Markus Scherer – đã nhận thấy sự nổi tiếng của emoji tại Nhật Bản, và họ cho rằng các emoji cũng phải được thiết kế theo cùng một tiêu chuẩn. Năm 2009, một cặp kỹ sư của Apple, Yasuo Kida và Peter Edberg, đã chính thức đề xuất áp dụng 625 emoji mới vào Tiêu chuẩn Unicode.
Năm 2010, Unicode chấp nhận đề xuất đó – động thái này sẽ sớm làm cho emoji phổ biến khắp nơi. Unicode cuối cùng đã quyết định lập danh mục emoji “vì chúng được dùng làm ký tự nhắn tin cơ bản trong thiết bị di động sản xuất bởi nhiều công ty Nhật Bản.” Nói cách khác: Emoji đã trở nên quá phổ biến để loại bỏ. Sự đỡ đầu của Unicode không chỉ giúp duy trì các tiêu chuẩn khi vốn từ vựng cho emoji phát triển, mà còn là bước đầu để hợp pháp hóa emoji như một hình thức giao tiếp. Giờ thì emoji đã chính thức lên đường để trở thành một ngôn ngữ mới.
Không chỉ xoay quanh việc có thêm hình emoji để mô tả bữa trưa của bạn, việc này là sự công nhận các nền văn hóa khác nhau dưới dạng kỹ thuật số.
Emoji đã có mặt bên ngoài Nhật Bản kể từ những năm 2000 thông qua các ứng dụng cho phép người dùng copy-paste emoji vào tin nhắn và email. Vào năm 2011, Apple đưa thêm một bàn phím emoji chính thức vào iOS; 2 năm sau Android cũng học theo. Điều này cho phép mọi người gõ emoji trực tiếp bằng bàn phím trên điện thoại – tương tự cách bạn chuyển từ bộ gõ tiếng Hàn sang bộ gõ tiếng Nhật trên điện thoại để dùng được những ký tự đặc trưng cho ngôn ngữ đó. Nhờ đó, emoji ngày càng trở nên phổ biến với mọi đối tượng. Tờ New York Times cho rằng, động thái này sẽ cho emoji cơ hội trở thành “trào lưu chính thống.” Tờ báo cũng chỉ ra rằng, giới trẻ đã điều chỉnh thói quen nhắn tin của mình để thêm vào các biểu tượng nhỏ: “Anh yêu em” đã trở thành ❤. “LOL” trở thành 😂.
Khi emoji trở nên nổi tiếng hơn, chúng cũng trở nên phong phú hơn. Hiệp hội Unicode đã thêm các emoji mới vào danh sách phê duyệt mỗi năm, thu thập từ người dùng trên khắp thế giới: emoji hình cô dâu, hàng chục loài thực vật và động vật, các loại thực phẩm và cả các loại hoạt động. Quy trình nộp và phê duyệt cho mỗi lô emoji mới của Unicode khá dài: có khi phải mất đến 2 năm để một emoji mới đi từ bản nháp đầu tiên tới điện thoại của bạn.. Đầu tiên, emoji phải được đề xuất chính thức lên Hiệp hội Unicode. Bản đề xuất đó phải giải thích chi tiết lý do tại sao emoji mới nên được áp dụng, và trông nó ra sao. (Các khía cạnh thiết kế thực ra phức tạp hơn bạn tưởng: Nếu có một emoji đại diện cho “đậu,” thì chúng có nên là đậu đen không? Hay đậu rang? Đậu Lima? Đậu xanh? Chúng có đóng trong hộp không? Hay để trong bát? Hay là đang mọc lên từ đất?) Đề xuất này sẽ do tiểu ban emoji của Unicode Consortium kiểm tra. Ban này họp hai lần một tuần để thảo luận và quyết định tất cả các vấn đề liên quan đến emoji. Khi họ đồng ý, một emoji mới có thể được ra đời.
Khi vốn từ vựng emoji phát triển, người ta bắt đầu thắc mắc là tại sao một số hình ảnh lại được ưu tiên hơn. Tại sao có đến nửa tá biểu tượng mô tả sushi, nhưng không có tacos, burritos, hoặc enchiladas? Ngày càng có nhiều chuyên gia trong emoji — các bác sĩ, đầu bếp, cảnh sát — nhưng tại sao tất cả họ đều là đàn ông? Và tại sao, trong số rất nhiều emoji đại diện cho con người, tất cả đều là người da trắng?
Năm 2014, công cuộc Đại Chính trị hóa Emoji bắt đầu. Nó diễn ra trên emoji thực phẩm (không có biểu tượng nào miêu tả món ăn truyền thống châu Phi, như injera hay fufu), cờ (có cờ Israel nhưng không có cờ Palestine), gia đình (có nhiều tranh luận về biểu tượng gia đình với cha mẹ đồng tính hoặc cha mẹ đơn thân)… Không chỉ xoay quanh việc có thêm hình emoji để mô tả bữa trưa của bạn, việc này là sự công nhận các nền văn hóa khác nhau dưới dạng kỹ thuật số. Emoji đã trở thành một ngôn ngữ quan trọng của thời đại kỹ thuật số, vậy mà ngôn ngữ này lại không có khả năng diễn tả “phụ nữ đi làm” hay “người da màu.
Vào năm 2015, Unicode đã tiến một bước lớn trong việc đa dạng hóa emoji bằng cách thêm tùy chọn thay đổi tông màu da, và bổ sung thêm nhiều kiểu người tham gia nhiều loại hoạt động. Kể từ đó, các bản cập nhật emoji mới đã từng bước đa dạng hóa các kiểu người và văn hóa: phụ nữ lướt sóng và đua xe đạp, phụ nữ đội mũ bảo hộ lao động hay đeo ống nghe thăm khám, và những người mặc áo choàng và khăn trùm đầu. Gần đây nhất, Unicode đã bắt đầu tạo emoji trung lập về giới tính, và các biểu tượng khác nhằm thể hiện sự đa dạng của người dùng.
Tương lai của Emoji
Hiệp hội Unicode duyệt emoji mới mỗi năm, có nghĩa là từ vựng emoji tiếp tục phát triển mỗi lần có bản cập nhật trên iOS và Android. Các cập nhật gần đây, xuất hiện trên iOS và Android vào năm 2017, đã bao gồm các sinh vật thần thoại (cá, thần, yêu tinh và ma cà rồng), thực phẩm (bánh pie, bánh sandwich, súp lơ xanh, đồ ăn mang đi), động vật (khủng long, nhím, hươu cao cổ, ngựa vằn) và khuôn mặt (đốn tim, bừng tỉnh, suỵt, chửi ngậu xị). Có lẽ quan trọng hơn, bản cập nhật cũng có thêm nửa tá cách mới để thể hiện con người: Có biểu tượng phụ nữ ôm một em bé, phụ nữ mặc khăn trùm đầu, và ba tùy chọn trung lập về giới tính mới để đại diện ở mọi lứa tuổi. Tập hợp các đề xuất emoji được phê duyệt đầu năm nay có thêm các tùy chọn để thêm tóc bạc hoặc tóc đỏ, cũng như các biểu tượng văn hóa mới như bánh trung thu và bùa hộ mệnh. Đó là những chuyển biến tích cực của emoji. Khi ngày càng có thêm nhiều cộng đồng thiểu số xuất hiện trong các emoji được thiết kế thận trọng, chúng ta có thể hiểu thêm về sự tôn trọng văn hóa và cả những nhóm người được tính đến trong quá trình hình thành ngôn ngữ kỹ thuật số này.
Không phải ai cũng có thể hiểu tiếng Anh, không phải ai cũng có thể tỏ tường những hậu quả y học của Zika, và không phải ai cũng biết chữ. Nhưng hình ảnh một con muỗi thì ai cũng hiểu. Chúng ta không nói cùng một thứ tiếng nào — ngoại trừ emoji.
Lứa emoji tiếp theo sẽ phụ thuộc vào những mẫu thiết kế được gửi đến cho Unicode xem xét. Bất cứ ai cũng có thể gửi đề xuất để thêm emoji: Unicode yêu cầu bản phác thảo, giải thích cách thức và lý do mọi người sẽ sử dụng emoji đó, và nó sẽ đóng góp gì cho hệ thống ngôn ngữ emoji. Vào năm 2017, các nhà nghiên cứu thuộc Trường Y tế Cộng đồng Johns Hopkins Bloomberg và Quỹ Bill & Melinda Gates đã đề xuất một emoji hình con muỗi để mô tả các căn bệnh do muỗi gây ra như sốt rét và Zika. (Đầu năm 2018, emoji này đã được Unicode chấp thuận cùng 156 biểu tượng khác.) Không phải ai cũng có thể hiểu tiếng Anh, không phải ai cũng có thể tỏ tường những hậu quả y học của Zika, và không phải ai cũng biết chữ. Nhưng hình ảnh một con muỗi thì ai cũng hiểu. Điều này là một dấu hiệu tốt về tương lai của emoji: một cách để vượt lên trên ngôn ngữ hiện tại, hướng tới một nền văn hóa và hình thức giao tiếp toàn cầu. Chúng ta không nói cùng một thứ tiếng nào — ngoại trừ emoji.
Trong khi đó, emoji bắt đầu có hình dạng mới — như Animoji của Apple, sử dụng công nghệ Nhận diện khuôn mặt của iPhone X để tạo hoạt hình emoji bằng cử chỉ trên khuôn mặt người. Hiện tại, tính năng này chỉ hoạt động với một số emoji động vật — mèo, chó, khỉ, gấu trúc, lợn, thỏ, gà, cáo, người ngoài hành tinh, rô bốt, kỳ lân và vì lý do nào đó, đống phân. Nhưng sau này, nó có thể được áp dụng với mọi thứ có khuôn mặt trong thư viện emoji. Khi mà tin học đã vượt ra ngoài màn hình nhỏ của điện thoại di động, các emoji cũng sẽ theo chân, dưới dạng các hình ảnh mới và trên các nền tảng mới.
Khi điều đó xảy ra, sẽ cần có cách để đảm bảo emoji trông giống nhau trên mọi nền tảng. Emoji đang dần trở thành các thiết kế nhất quán trên các nền tảng: Bạn có thể thấy điều này qua các thiết kế emoji mới của của Apple vào năm 2016 (vĩnh biệt emoji Cô gái áo hồng 💁) và của Android vào năm 2017 (tạm biệt nhé, emoji blob). Cả hai thay đổi này đều giúp hợp lý hóa emoji trên các nền tảng, để các ký tự bạn gửi trên Android hiển thị trông giống các ký tự trên iPhone. Emoji được tạo để sử dụng trong Animoji — hoặc bất kỳ ứng dụng nào tiếp theo – sẽ phải tuân theo các tiêu chuẩn thiết kế nhất quán, để đảm bảo rằng các cuộc hội thoại emoji được thống nhất trên tất cả nền tảng và thiết bị. Emoji không chỉ là để trang trí tin nhắn cho vui. Chúng là một dạng ngôn ngữ kỹ thuật số phức tạp và mạnh mẽ — một ngôn ngữ vẫn đang trên đà phát triển.
-
Một số từ viết tắt tiếng lóng: lmao = laughing my ass off (cười vỡ bụng); smh = shaking my head (lắc đầu ngán ngẩm); tbh = to be honest (nói thật là); fam = family (người nhà).↩
-
Lingua franca: (tiếng Latin) một ngôn ngữ hay một hệ thống dùng để giao tiếp giữa những người không nói cùng tiếng mẹ đẻ. Nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/Lingua_franca)↩