3 tiêu chí chọn công ty startup để đầu quân

0
1487

Ông Thuận Phạm là kỹ sư gốc Việt thành công nhất tại Thung lũng Silicon với hàng chục năm kinh nghiệm quản lý đội ngũ kỹ thuật ở những công ty công nghệ hàng đầu. Điều đặc biệt ở chỗ, ông gần như cống hiến cả đời mình cho các công ty khởi nghiệp. Trong số các công ty ông từng làm việc, chỉ có HP là công ty duy nhất có số nhân viên lên đến hàng nghìn.

Khi ông Thuận Phạm đặt chân vào Uber, startup này cũng chỉ mới có 40 kỹ sư trẻ. Giờ đây, công ty đã trở thành startup được định giá 7 tỷ đôla Mỹ với 2.000 kỹ thuật viên. Tuy nhiên, ông cho rằng, làm việc ở đây cũng không có gì khác biệt so với những công ty startup khác. Vấn đề ở chỗ, ông chọn đầu quân cho Uber vì công ty này trả lời tốt được 3 câu hỏi, cũng là 3 tiêu chí mà ông đề ra.

“Tôi có những tiêu chuẩn của riêng mình để quyết định có tham gia vào một startup nào hay không, chứ không quyết định cảm tính. Những câu hỏi mà tôi đặt ra là: Thứ nhất, startup này có thực sự giải quyết được vấn đề nào cho cộng đồng không? Thứ hai, bạn có thật sự muốn làm việc với đội ngũ này hay không? Và cuối cùng, bạn có thích ông chủ của mình không? Vì bạn chỉ được chọn ông chủ của mình một lần duy nhất khi gia nhập vào công ty”, ông Thuận Phạm chia sẻ.

3-tieu-chi-chon-cong-ty-startup-de-dau-quan

CTO Uber toàn cầu có nhiều kinh nghiệm đầu quân cho các công ty starup.

Chọn được một startup phù hợp chỉ mới là một nửa. Vấn đề quan trọng là chính bản thân người quyết định đầu quân cho các công ty khởi nghiệp có phù hợp với môi trường đó hay không. Đó là câu hỏi thứ tư cần phải trả lời.

Không đặt bản thân trong vòng an toàn chính là tính cách “chìa khóa” mà ông Thuận Phạm gặt hái thành công tại các công ty startup. Ông cho biết từng đưa ra các quyết định rủi ro khiến gia đình phải lo lắng, nhưng cuối cùng đó lại là những quyết định đúng đắn.

Công việc đầu tiên của ông sau đại học là làm nghiên cứu tại HP. Sau bốn năm, ông cảm thấy công việc không còn thách thức nữa. Ông kết thúc việc nghiên cứu và chuyển sang tham gia vào sản xuất ra những sản phẩm có tính ứng dụng ở các công ty nhỏ hơn. Sau này, ông liên tục thay đổi công ty khi cảm thấy không còn gì mới mẻ.

“Cơ hội sẽ tìm đến bạn nếu bạn biết phát triển bản thân trong quá trình làm việc. Khi tôi cảm thấy mình không còn tiến bộ, tôi sẽ tự rời khỏi khu vực an toàn đó, đặt mình vào một tình huống thách thức hơn và bắt đầu học hỏi”, vị CTO Uber cho biết.

Dành lời khuyên cho cộng đồng startup Việt Nam, ông Thuận Phạm nhấn mạnh đến vấn đề phải sẵn sàng vượt qua giai đoạn khủng hoảng.

“Muốn phát triển nhanh, bạn phải chấp nhận sai lầm và vượt qua sai lầm một cách nhanh chóng. Thậm chí những kỹ sư có nhiều năm kinh nghiệm cũng không tránh khỏi điều này. Ở Uber chúng tôi không nghi ngờ năng lực của các kỹ sư hay nghi ngờ năng lực của chính mình. Mọi sai lầm được chúng tôi xem là những thách thức mà mình phải vượt qua. Miễn là sau thất bại, khó khăn đó bạn học hỏi, rút kinh nghiệm để làm tốt hơn, ông nói.

Có nhiều câu hỏi mà các startup phải đặt ra và trả lời. Ví dụ, mình đang giải quyết vấn đề gì? Giải quyết bằng cách nào để được người dùng chấp nhận, và sẵn sàng bỏ tiền để được sử dụng? Sản phẩm của mình phù hợp với thị trường như thế nào?

“Nếu bạn không giải quyết được vấn đề cho người dùng, chắc chắn họ sẽ không mua sản phẩm của bạn. Trong giai đoạn ban đầu cần phải chứng minh mình có khả năng sáng tạo, có thể phát triển thật nhanh”, ông đúc kết.

Đây là lần thứ hai sau 17 năm ông Thuận Phạm trở về Việt Nam để tham gia các hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình UberEXCHANGE – Khởi nghiệp thông minh. Ông cho biết mình không thể nhận ra đường phố ở Việt Nam nữa.

“Bây giờ khi trở lại, đường phố gần như không có sự hiện diện của xe đạp. Mức độ tăng trưởng thật tuyệt vời. Quá trình hiện đại hóa ngày càng nhận được nhiều sự hỗ trợ từ công nghệ, cuộc sống của chúng ta đang được cải thiện, thay đổi nhanh chóng”, vị kỹ sư nổi tiếng nhận xét.

Viễn Thông