Tranh luận về tuyển sinh đại học chất lượng cao

0
1397

Chiều 13/2, hội nghị trực tuyến tuyển sinh 2020 diễn ra ở 7 điểm cầu Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Huế, Thái Nguyên, Đăk Lăk, Cần Thơ với hàng trăm lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng tham gia.

PGS Đỗ Văn Dũng (Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật) cho rằng, quy luật của tuyển sinh là số hồ sơ đăng ký nhiều thì điểm chuẩn cao và ngược lại. Chương trình chất lượng cao ở các đại học hiện có dịch vụ tốt hơn, được đầu tư nhiều nên học phí cao, số lượng người học ít hơn. Do đó, việc quy định điểm trúng tuyển phải bằng hoặc cao hơn chương trình chuẩn theo dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2020 là không hợp lý. “Tôi nghĩ các chuyên viên ở Bộ chưa hiểu thực chất chương trình chất lượng cao”, ông Dũng nói.

PGS Đỗ Văn Dũng nêu ý kiến tại điểm cầu TP HCM. Ảnh: Mạnh Tùng.

PGS Đỗ Văn Dũng nêu ý kiến tại điểm cầu TP HCM. Ảnh: Mạnh Tùng.

Bác lời PGS Dũng, ông Phạm Như Nghệ (Vụ phó Giáo dục Đại học) cho biết, dự thảo quy chế tuyển sinh được Bộ Giáo dục và Đào tạo tập hợp hơn 20 chuyên gia từ các đại học lớn, đa ngành cho ý kiến. “Chúng tôi quá hiểu tuyển sinh, chuyên viên chúng tôi cũng hiểu chứ…”, ông Nghệ nói và cho rằng thực chất chương trình chất lượng cao hiện nay là có dịch vụ chất lượng cao.

Ông Nghệ nêu thực tế, nhiều thí sinh rớt hệ chính quy đại trà của một đại học liền được giới thiệu vào chương trình chất lượng cao chính trường đó. Kiểm toán Nhà nước khi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đích danh trường tuyển chất lượng cao, học phí cao nhưng ngưỡng đầu vào thấp hơn.

“Do đó, không thể gọi là chất lượng cao mà chỉ là dịch vụ cao hơn, có máy lạnh, giảng viên được tuyển chọn hơn. Quy định trên là cần thiết để đảm bảo chất lượng đầu vào”, ông Nghệ nêu quan điểm.

Không hài lòng với giải thích này, ông Dũng nói: “Đầu vào chương trình chất lượng cao thấp hơn đại trà không có nghĩa chất lượng đầu ra thấp. Bằng chứng ở Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, 86% sinh viên đại trà tốt nghiệp có việc làm, ở chương trình chất lượng cao con số này là gần 100%”.

Cũng theo ông Dũng, tuyển sinh chất lượng cao là cách để các trường cân đối nguồn thu. “Nếu tính đúng thì đào tạo một kỹ sư, học phí một năm phải 50 triệu đồng, sinh viên nghèo không theo được. Ở chừng mực nào đó, chúng tôi thu tiền chất lượng cao của sinh viên khá giả đầu tư cơ sở vật chất chung cho trường và con em nhà nghèo cũng được hưởng thụ”, ông Dũng nói.

Cũng cho rằng quy chế tuyển sinh chương trình chất lượng cao chưa hợp lý, PGS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo (Đại học Bách khoa TP HCM) đề nghị quy chế tuyển sinh phải tạo nguồn tuyển tốt, thay vì quy định điểm trúng tuyển thì phải ra ngưỡng đảm bảo chất lượng chung cho tất cả chương trình. “Điểm trúng tuyển thì phải phụ thuộc số lượng hồ sơ đăng ký và mỗi ngành đều có chỉ tiêu riêng. Nếu quy định điểm trúng tuyển thì sẽ rất khó khăn cho các trường và tạo ra sự không nhất quán”, ông Thắng nói.

Tương tự, PGS Hồ Thanh Phong (Hiệu trưởng Đại học Quốc tế Hồng Bàng) đề nghị không quy định điểm trúng tuyển đối với ngành học chương trình chất lượng cao.

Ông Phạm Như Nghệ nêu quan điểm tại hội nghị. Ảnh: Mạnh Tùng.

Ông Phạm Như Nghệ nêu quan điểm. Ảnh: Mạnh Tùng.

Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Kim Phụng (Vụ trưởng Giáo dục đại học) cho biết, năm 2019 quy chế, quy trình tuyển sinh khá hoàn thiện, đảm bảo quyền tự chủ đại học. Số thí sinh đăng ký dự thi hơn 870.000, số đăng ký vào đại học, cao đẳng và trung cấp sư phạm hơn 653.000. Kết quả tuyển sinh đợt một có 405.000 thí sinh trong danh sách trúng tuyển, đạt 115,39% chỉ tiêu. Nhập học xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia đợt một đạt hơn 73% và đạt hơn 63% so với số trúng tuyển.

Nhưng chỉ có hơn 49% số trường đạt chỉ tiêu tuyển sinh trên 70%, hơn 66% trường đạt trên 50 chỉ tiêu. 5 nhóm ngành đại học có tỷ lệ nhập học thấp nhất là Nông lâm nghiệp và Thủy sản, Khoa học tự nhiên, Môi trường và Bảo vệ môi trường, Dịch vụ xã hội và Khoa học sự sống.

Theo bà Phụng, nhiều trường xây dựng tổ hợp không phù hợp với ngành đào tạo, gây dư luận không tốt. Một số cán bộ làm công tác tuyển sinh chưa nắm bắt được quy trình và nhiệm vụ, còn có sai sót. “Với những trường báo cáo không trung thực, Bộ sẽ rà soát, kiểm tra và xử lý theo đúng quy chế”, bà Phụng nói.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định chuẩn đầu vào các cơ sở giáo dục đại học phải được nâng lên. Các ngành xét tuyển phải có cơ sở khoa học thực tiễn tốt, tránh tình trạng đưa ra nhiều ngành mới nhưng thiếu căn cứ, kém khả thi. “Giờ không phải là tiếp cận theo hướng nhất quyết phải tuyển đủ chỉ tiêu, đông người học, mà là tuyển người học có chất lượng. Người học đông nhưng quá trình đào tạo đào thải nhiều, chất lượng đầu ra không đảm bảo thì cũng sẽ khó được thị trường chấp nhận”, Bộ trưởng nói.

Về công tác tư vấn tuyển sinh, ông Nhạ yêu cầu các trường phải bám sát nhu cầu thực tiễn ngành nghề xã hội, tránh tình trạng phong trào, đánh bóng tên tuổi.

Theo lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tuyển sinh năm nay có nhiều điểm mới so với năm 2019. Bộ tích hợp các nội dung điều chỉnh tuyển sinh đào tạo chính quy, vừa làm vừa học, văn bằng 2 vào cùng một quy chế tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng ngành Giáo dục mầm non để dễ tra cứu, áp dụng pháp luật.

Quy chế mở rộng quyền tự chủ đối với các trường tổ chức thi tuyển sinh (thi các môn văn hóa, năng khiếu, đánh giá năng lực…) nhằm điều chỉnh pháp luật sát với thực tế, đảm bảo chất lượng đầu vào và nâng cao trách nhiệm giải trình của các trường. Quy chế cũng nêu rõ chế tài với các trường, cán bộ và thí sinh vi phạm, đặc biệt là thí sinh gian lận, liên quan đến gian lận trong thi, tuyển sinh…

Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên, sức khỏe, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đồng bộ giữa các hình thức, loại hình đào tạo của hai khối ngành này. .