- Nữ luật gia ở Sài Gòn đòi bồi thường oan sai 37 tỷ đồng
Sáng 31/7, buổi xin lỗi diễn ra tại nơi bà Trần Thị Ngọc Nga (nguyên Giám đốc Công ty Vinh Luật) cư trú, do ông Nguyễn Văn Tất – đại diện VKSND Tối cao chủ trì. Nữ luật gia bị khởi tố, bắt tạm giam hồi tháng 1/2010 về cáo buộc lừa đảo chiếm đạt tài sản của hai doanh nhân Nhật Bản.
Ông Tất cho biết, quá trình giải quyết vụ án của bà Nga có nhiều thiếu sót, dẫn đến việc khởi tố, bắt giam oan. Vụ án có nhiều tình tiết phức tạp và có nhiều quan điểm xử lý khác nhau, nhưng quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với bà Nga đã có hiệu lực nên VKS tổ chức xin lỗi, cải chính.
“Việc khởi tố, bắt giam bà Nga đã gây ra những thiệt hại không gì có thể bù đắp được cho bà. Buổi xin lỗi này thể hiện tinh thần cầu thị của cơ quan thực hành công tố”, ông Tất nói.
Theo đại diện VKSND Tối cao, sự việc xảy ra đã lâu, những cán bộ giải quyết vụ án đã luân chuyển công tác, về hưu hoặc đã mất. Viện tiếp tục xem xét trách nhiệm họ để xử lý. “Từ sự việc này, chúng tôi rút ra được bài học sâu sắc về giải quyết án nhằm bảo vệ quyền công dân, không làm oan người vô tội”, ông Tất nói và bày tỏ mong muốn bà Nga chấp nhận lời xin lỗi.
Tương tự, đại diện Bộ Công an cũng thừa nhận những thiếu sót trong việc bắt giam, điều tra bà Nga. Hiện, những cán bộ liên quan đã bị xử lý.
Nhắc lại khoảng thời gian vừa qua, bà Nga nhiều lần nghẹn giọng, cho biết việc bị bắt giam oan khiến bà mất tất cả, gia đình, khách hàng, bạn bè. Suốt nhiều năm bà thấy tủi nhục vì mang tiếng là “kẻ lừa đảo”.
“Xuất phát từ việc cạnh tranh không lành mạnh trong công việc, mà tôi rơi vào cảnh ngục tù, oan trái. Đã có thời gian tôi sống trong đau khổ, gia đình tôi bị xa lánh, nhiều đối tác không dám làm ăn với công ty luật của tôi”, luật gia nói. “Thậm chí có những khách hàng đã lợi dụng việc này để không trả tiền, gây thiệt hại nặng nề cho bà cả về vật chất lẫn tinh thần. Tôi đã tìm đến cái chết để quên đi nhục nhã nhưng được gia đình phát hiện nên mới còn có ngày hôm nay”.
Tuy nhiên, bà Nga cũng gửi lời cảm ơn lãnh đạo VKSND Tối cao đã xem xét tài liệu, hồ sơ vụ án và xem xét đơn kêu oan của bà.
Năm 2008 và 2009, bà Nga ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý trong việc đòi tài sản cho ông Ishida và Eguchi (quốc tịch Nhật Bản) đang làm ăn, kinh doanh tại Việt Nam. Cáo buộc của Viện KSND Tối cao cho rằng, bà Nga đã thực hiện nhiều hành vi gian dối, vòi vĩnh, nói cần tiền lo thủ tục khởi kiện để chiếm đoạt gần 4,4 tỷ đồng của họ. Nghi ngờ hành vi của bà Nga, hai khách hàng này đã làm đơn tố cáo Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an. Ngày 15/1/2009, công an bắt bà Nga khi đang nhận 2 triệu Yên Nhật (gần 400 triệu đồng).
Ngày 29/1/2010, Viện KSND Tối cao hủy bỏ lệnh tạm giam đối với bà Nga. Cuối năm đó, VKSND Tối cao uỷ quyền cho VKSND TPHCM thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm đối với vụ án này.
Tuy nhiên, sau thời gian nghiên cứu, ngày 11/5/2011, TAND TPHCM quyết định trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung vì cho rằng quá trình điều tra vụ án có nhiều vi phạm tố tụng, có dấu hiệu hình sự hóa quan hệ dân sự.
Đến tháng 8/2011, Bộ Công an ra đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với bà Nga, theo Điều 34 và 164 Bộ luật Tố tụng hình sự. Luật gia được xác định “đã xuất trình được tài liệu, chứng cứ mới làm phát sinh thay đổi bản chất vụ án; đồng thời do ông Ishida và Eguchi không có mặt tại Việt Nam, nên không đủ điều kiện để tiếp tục củng cố chứng cứ làm rõ hành vi phạm tội”. Từ đó, Bộ Công an đã ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với bà Nga.
Năm 2017, bà Nga từng yêu cầu bồi thường oan sai 37 tỷ đồng nhưng hiện chưa có kết quả.
Hải Duyên