Nguyên nhân xe khách dễ cháy vào mùa hè

0
3621
  • Táp-lô ôtô cháy đen vì chai nước rửa tay để trong xe
  • Xe giường nằm bốc cháy nghi ngút
  • Xe khách cháy rụi ở Hà Nội

Thời tiết nắng nóng, ôtô vận hành liên tục trong nhiều giờ mà không được nghỉ để làm mát hợp lý, hoặc lỗi kỹ thuật, tác động bên ngoài đều có thể khiến xe bắt lửa ở một điểm và nhanh chóng lan ra cả xe.

Theo chuyên gia kỹ thuật của các hãng xe, cảnh sát kỹ thuật hình sự, Cục Đăng kiểm, nhìn chung có 5 lý do chính dẫn tới cháy xe như sau: hệ thống điện, hở ống xả, dầu nhớt xuống cấp, nhiên liệu, tác động bên ngoài.

Hệ thống điện

Hệ thống dây điện trên ôtô phức tạp vì có nhiều thiết bị tiêu thụ. Ảnh: Performancecaraudio

Hệ thống dây điện trên ôtô phức tạp vì có nhiều thiết bị tiêu thụ. Ảnh: Performancecaraudio

Đây là nguyên nhân lớn nhất được các chuyên gia nhận định là dễ gây cháy xe hơn cả. Vào mùa nóng, xe hoạt động liên tục, lớp vỏ dây điện gần các nguồn nhiệt lớn (ví như khoang động cơ) bị co giãn, mềm nhũn và chảy nhựa, không còn tác dụng bảo vệ. Các dây điện trần tiếp xúc với nhau gây chập cháy.

Đặc biệt, xe khách, giường nằm chạy đường dài có hệ thống điện phức tạp vì phục vụ nhiều thiết bị như đèn nội thất, tivi, điều hòa, tủ lạnh mini, camera, màn hình quan sát… Càng nhiều dây, rủi ro chập cháy càng lớn.

Ngoài ra, vào mùa nóng, xe chạy liên tục, các hệ thống như điều hòa hoạt động công suất lớn thời gian dài cũng gây quá tải. Chủ xe còn có thể độ thêm nhiều thiết bị có nguồn không tương thích cũng có thể chập cả hệ thống. Đây đều là những nguyên nhân dẫn tới cháy nổ.

Hở ống xả

Ống xả nóng đỏ. Ảnh: MaxF1

Ống xả nóng đỏ. Ảnh: MaxF1

Hở ống xả ngay đầu ra động cơ cũng là một nguyên nhân được tính tới khi có xe cháy nổ, nhưng ít gặp hơn. Khí xả thải ra ở vị trí này có nhiệt độ lên tới 400-500 độ C, đốt nóng nhiều chi tiết xung quanh, có thể hỗn hợp hòa khí thừa chưa cháy hết. Với nhiệt độ này, rất dễ gây cháy cho các chi tiết phi kim. Sau khi đi qua hệ thống ống xả, khí thoát ra ngoài môi trường chỉ còn khoảng vài chục độ C, tay người có thể tiếp xúc khí này mà không bị bỏng.

Dầu nhớt, nhiên liệu

Rò rỉ dầu có thể là nguyên nhân gây cháy. Ảnh: Redd

Rò rỉ dầu có thể là nguyên nhân gây cháy. Ảnh: Redd

Tác động của dầu nhớt, nhiên liệu khiến xe cháy cũng là một nguyên nhân nhưng lại càng hiếm gặp và khó xảy ra hơn. Bởi lẽ, ngay cả khi xăng kém chất lượng cũng chỉ ảnh hưởng tới quá trình nổ khép kín, ảnh hưởng tới hiệu suất động cơ chứ khó gây cháy. Hy hữu có thể xăng chất lượng kém tới mức gây ăn mòn các chi tiết ở bình chứa, đường ống… thì lúc ấy sẽ rò rỉ xăng, gây cháy.

Nếu dầu nhớt, nhiên liệu bị rò rỉ ra ngoài theo một vết hở có từ trước ở các khớp, gioăng trong khoang động cơ thì hoàn toàn có thể cháy khi xe chạy liên tục, nhiệt độ cao.

Tác động bên ngoài

Xe cháy vì quấn rơm.

Xe cháy vì quấn rơm.

Tác động bên ngoài lại là một nguyên nhân phổ biến chỉ sau chập điện. Vào mùa hè cũng là mùa thu hoạch nên trên đường quê, người dân phơi rơm rạ, xe đi qua sẽ bị cuốn vào gầm. Gặp nhiệt độ cao tỏa ra từ khoang máy, rơm bén lửa và hỏa hoạn xảy ra. Hoặc với các xe khách, gầm xe là nơi chứa hành lý có thể chứa chất dễ cháy ở nhiệt độ cao cũng là một lý do gây cháy.

Làm gì để phòng cháy xe vào mùa hè?

Các chuyên gia đưa lời khuyên, để giữ xe luôn an toàn, đặc biệt vào mùa nóng cần lưu ý những điểm sau:

– Thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng xe theo đúng định kỳ, đặc biệt là hệ thống điện, các khớp nối để tránh rò rỉ nhiên liệu, dầu nhớt. Tránh để thiếu nước làm mát, một nguyên nhân gây cháy xe.

– Không độ thêm các hệ thống gây hại cho xe. Việc đấu nối sai nguồn, vật tiêu thụ điện có công suất lớn mà dây lại nhỏ… đều có thể dẫn tới chập cháy. Tốt nhất, chỉ nên lắp thêm những gì được garage chính hãng khuyến cáo, tiêu thụ ít điện năng.

– Không nên vận hành liên tục dưới thời tiết nắng nóng. Nhiệt phát sinh từ động cơ sẽ đốt cháy dây diện, hơi xăng… Quan trọng không kém, lái xe liên tục đường dài dưới nắng gắt khiến tài xế mệt mỏi, mất an toàn.

– Không để trên xe hoặc chở theo hàng hóa dễ cháy, như một bình khí nén, một lon soda, đồ điện tử đều là các mối nguy, đặc biệt trong mùa hè, khi đỗ xe lâu dưới nắng. Hút thuốc hay bật lửa trong xe ngay sau khi vừa sử dụng một lọ xịt chứa hóa chất trong xe cũng là một tác nhân gây cháy.

– Tránh đường phơi rơm rạ, nếu phải đi qua, nên đi chậm để không cuốn nhiều rơm vào gầm xe. Hết quãng đường, tài xế nên tự kiểm tra bằng quan sát, hoặc cho vào cầu trong garage để nhìn rõ hơn nếu có vướng rơm rạ.

– Cuối cùng, nếu đang di chuyển, nếu thấy xe phát ra tín hiệu nguy hiểm như quá nhiệt, lỗi động cơ cần dừng lại, gọi cứu hộ để tránh rủi ro. Nếu xe phát ra một số mùi lạ, đó có thể dấu hiệu có thứ gì đó không ổn trên xe của bạn.

Nguyên Khoa – Mỹ Anh